Bạn Có Đang Chán Việc Vì Gặp Phải Sếp "Tồi"? - Chefjob.vn

Bạn Có Đang Chán Việc Vì Gặp Phải Sếp “Tồi”?

Gặp phải sếp “tồi” đúng là cơn ác mộng của những ai đi làm. Người đó chính là nguyên nhân khiến nhân viên “bùng nổ”, dù có niềm đam mê công việc đến đâu cũng thấy chán nản, muốn bỏ việc ngay tức khắc. Nếu bạn đang rơi vào trường hợp trên, hãy xem ngay cẩm nang “thần thánh đối phó và trị” sếp mà Chefjob.vn tổng hợp dưới đây.

gặp phải sếp tồi
Đi làm mà lỡ đụng phải sếp “tồi” chính là điều kinh khủng mà ai chẳng ai mong muốn – Ảnh: Internet

Sếp là người ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của mỗi người bởi bạn sẽ trực tiếp nhận phân công, làm việc và chịu đánh giá từ họ. Thế nên ai cũng mong có được cấp trên nhiều tài mà tâm cũng rộng để học hỏi, phát triển. Nhưng nhiều khi ông trời trêu ngươi khiến bạn đụng phải sếp “tồi” thì sao? Công việc tốt, đồng nghiệp tốt, chính sách tốt… tất cả đều tốt trừ sếp ra làm không ít người phân vân có nên nhảy việc hay không vì giới hạn chịu đựng sếp chẳng còn. Chefjob khuyên bạn đừng vội viết đơn xin nghỉ việc bởi “còn nước còn tát”, hãy áp dụng phương pháp “đối phó và trị sếp tồi” được các chuyên gia đưa ra.

Thế nào là sếp “tồi”?

Một cuộc thăm dò “Những lý do khiến bạn bỏ việc” của BambooHR với 1.000 lao động đã chỉ ra rằng, có tới 44% người tham gia thực hiện cảm thấy chán chường với sếp “tồi” nên quyết định nghỉ việc. Vậy, làm thế nào để nhận diện sếp tồi? Cũng qua cuộc khảo sát đó, chân dung của một vị sếp “tồi” đã lộ diện:

– “Cướp” thành tích nhân viên và thích đổ lỗi

– Nắm quyền kiểm soát mọi việc, không tin tưởng, không trao quyền cho nhân viên

– Tầm nhìn và tư duy hạn hẹp

– Thiên vị, đối xử không công bằng

– Không đề cao giá trị nhân tài, không khuyến khích và tạo điều kiện cho cấp dưới phát triển

– Bỏ qua đời sống tinh thần của nhân viên

nguyên nhân làm cấp dưới chán nản và muốn bỏ việc
Sếp “tồi” chính là nguyên nhân làm cấp dưới chán nản và muốn bỏ việc – Ảnh: Internet

Cẩm nang “đối phó và trị” sếp “tồi”

1. Khi sếp nhận vơ thành tích

Có đến 63% nhân viên rất ghét việc quản lý trực tiếp nhận vơ thành tích của mình khoe với mọi người và sếp lớn hơn. Ai đi làm cũng muốn được công nhận khả năng bởi họ đã cố gắng rất nhiều mới hoàn thành được mục tiêu. Đó cũng là cơ sở để nhân viên nhận thêm các mục tiêu khác cao hơn, khẳng định năng lực với các sếp tổng. Thế nên việc ức chế khi thấy thành quả của mình bị người khác đánh cắp là chuyện dễ hiểu.

Để tránh trường hợp này xảy ra, đừng “âm thầm” làm việc kiểu chỉ có sếp trực tiếp và bạn biết nữa mà hãy cho các cấp quản lý cao hơn lẫn đồng nghiệp xung quanh biết được dự án/ công việc mà bạn đang làm. Sếp sẽ chẳng “mặt dày” cướp trắng công của bạn trong khi ai cũng biết bạn mới chính là người giúp mọi việc suôn sẻ.

2. Sếp nghĩ rằng mình là nhất và lúc nào cũng đúng

62% nhân viên được hỏi cảm thấy khó thở khi làm việc dưới trướng sếp độc tài. Quan điểm của các vị sếp này chính là “Một: Sếp luôn luôn đúng. Hai: Nếu sếp sai hãy nhìn lại điều một”. Thêm nữa, họ dường như không tin tưởng năng lực cấp dưới và không trao quyền cho bất kỳ ai hoàn toàn mà thích kiểm soát và chen ngang, không khỏi làm người đang thực hiện cảm thấy bực mình.

Khi rơi vào tình huống này, đừng im lặng mà hãy mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ với sếp để cùng nhau giải quyết. Nếu sếp thực sự như vậy, chắc chắn sẽ không chỉ có riêng bạn cảm thấy như thế, nhiều người cùng nêu vấn đề sẽ giúp sếp nhìn nhận lại mình để thay đổi.

3. Sếp thích ai thì người đó được “cưng”

Chuyện văn phòng cũng hội tụ nhiều điểm hệt như nội cung của hoàng đế vậy, bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều đó nếu có sếp là một người hay thiên vị. Nếu vấn đề cảm quan của sếp ảnh hưởng đến tập thể và nhân viên cấp dưới mà cụ thể là bạn thì hãy trực tiếp phản ánh điều đó trong cuộc họp chung. Sếp sẽ có câu trả lời thích đáng: Vì sao ưu ái nhân viên A, hay khen thưởng nhân viên B, phớt lờ thành tích của bạn…?

Sếp thích ai là quyền của sếp
Sếp thích ai là quyền của sếp nhưng thiên vị vì tình cảm là không được đâu sếp ạ – Ảnh: Internet

4. Tầm nhìn hạn hẹp

Đứng ở vị trí quản lý mà tầm nhìn hạn hẹp, chỉ đưa ra được chiến lược ngắn hạn và nhất thời thì nhân viên cũng sẽ chịu thiệt thòi. Nếu bạn là người biết nhìn xa trông rộng chắc hẳn sẽ rất khó làm việc với kiểu sếp này. Đừng vội chê bai, chì chiết sếp hay bỏ ngang việc thì không hài lòng vì sếp. Bạn nên chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, trình bày mọi thứ rõ ràng với sếp chiến lược hay ho bạn muốn triển khai để khiến sếp “ngả mũ”.

5. Không có định hướng phát triển nhân viên

Ai đi làm cũng mong cải thiện mức lương và cả cấp bậc nên chẳng may gặp phải nhà lãnh đạo không giỏi mà cũng chẳng có định hướng cầu tiến, giúp nhân viên phát triển thì sự nghiệp của bạn mãi dậm chân tại chỗ thôi. Việc cần làm là bạn trao đổi thẳng thắn với sếp về mục tiêu, khóa học… để bạn phát triển hơn, nếu sếp trực tiếp không đồng tình thì hãy tìm cách thăm dò ý kiến của sếp cấp cao hơn. Chefjob tin rằng các doanh nghiệp sẽ cực kỳ hạnh phúc khi có được nhân viên biết nỗ lực như bạn đấy. À mà tất nhiên là trừ sếp trực tiếp của bạn rồi.

Trường hợp nếu bạn đã thử các cách trên đây mà sếp vẫn kiên định với quan điểm và “cá tính” của mình, không chịu thay đổi thì hãy nhảy việc. Khi tự tin với năng lực của mình, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy “bến đỗ” phù hợp, làm việc với sếp nhiều tài lại có tâm.

Tin liên quan

“Khi Nhân Viên Nghỉ Việc Nhiều, Sếp Nên Xem Lại Mình”, Bức “Tâm Thư” Gây Bão Của Một Quản Lý Nhân Sự

Bạn Có Đang Muốn Nghỉ Việc?

Bài Viết Liên Quan