Có Phải Lúc Nào Cũng Trung Thực Thì Mới Tốt? - Chefjob.vn

Có Phải Lúc Nào Cũng Trung Thực Thì Mới Tốt?

Trong thị trường việc làm đầy căng thẳng như hiện nay, bất kỳ hành động không trung thực nào cũng dễ dàng loại bạn ra khỏi “cuộc chiến”. Trung thực được xem là một trong những yếu tố quan trọng làm nên đạo đức nghề nghiệp của mỗi người. Thế nhưng, có phải lúc nào trung thực cũng tốt và cần thiết?

trung thuc
Trung thực liệu có phải phương án tốt nhất trong mọi tình huống – Ảnh: Internet

Trung thực với đồng nghiệp và cấp trên là rất quan trọng, trung thực trong phỏng vấn lại càng quan trọng hơn bởi đây là cơ sở để nhà tuyển dụng đối chiếu, thăm dò năng lực công việc của mỗi ứng viên. Mặc dù vấn đề này liên quan đến hầu hết các tình huống trong cuộc sống, nhưng trong một vài trường hợp, trung thực không phải là giải pháp hữu hiệu nhất. Thay vào đó, bạn có thể không nói ra hoặc trung thực theo một cách thông minh nhất.

Sếp của bạn không chấp nhận lời phê bình

Những người có tính cách bảo thủ thường khó chấp nhận bất kỳ hình thức phê bình nào, thậm chí họ có thể phản ứng tiêu cực với mọi mối đe dọa từ các nhân viên khác. Trong trường hợp này, bạn tránh phản bác trực tiếp mà hãy đề nghị một cuộc gặp riêng để bày tỏ ý kiến của mình. Phương án này không những giúp họ bớt “thể hiện” mà bạn còn có cơ hội trình bày ý kiến bất đồng hoặc sáng tạo ý tưởng mới.

Trong cuộc gặp gỡ trước khi thôi việc

Thông thường, sau khi nhận được thông tin thôi việc, các công ty sẽ có buổi gặp gỡ, trao đổi nhằm giảm thiểu tối đa tỉ lệ nghỉ việc của nhân viên. Một số nhân viên có xu hướng thể hiện tức giận và thất vọng với công ty, doanh nghiệp, tổ chức, đây được xem là điều “cấm kỵ” tại công sở. Thay vì chỉ trích, bạn nên đưa ra gợi ý để quy trình làm việc được hoàn thiện hơn. Bạn chẳng bao giờ biết được mình sẽ có mong muốn quay trở về công ty bất cứ lúc nào, vì vậy hãy thật lòng và chuyên nghiệp một cách lịch sự, khéo léo.

Trong thời gian chờ nghỉ việc

Nhân viên thường có khoảng 1 tháng để bàn giao công việc trước khi chính thức nghỉ. Nhiều nhân viên sử dụng thời gian này để chỉ trích, nói xấu những người đã từng đối xử tệ với mình và thật sự bạn không nên làm vậy. Hãy lùi lại và kìm ném cảm xúc của mình, việc phàn nàn về công ty khiến bạn trở nên nhỏ nhen và chẳng mấy tốt đẹp. Hãy dành thời gian này để phân tích những việc đã qua, đồng thời vạch định con đường đi sắp tới.

Xem thêm: Điều Tối Kỵ Cần Tránh Nếu Không Muốn Mắc Oán Khi Quyết Định Thôi Việc

Bày tỏ phàn nàn về công ty
Bày tỏ phàn nàn về công ty khiến bạn trông thật nhỏ nhen – Ảnh: Internet

Công ty cũ là “cơn ác mộng” và bạn kể về điều đó ở nơi làm việc mới

Một trong những nguyên nhân nghỉ việc phổ biến hiện nay chính là sự tồi tệ ở công ty cũ, đồng nghiệp hoặc người quản lý cũ. Tuy nhiên, bạn không nên mang theo “cơn ác mộng” trong quá khứ để trình bày ở môi trường làm việc mới. Bạn có thể sử dụng điều này như một kinh nghiệm đáng nhớ, làm động lực hoàn thành tốt công việc hiện tại.

Công việc hiện tại không phù hợp với bạn?

Tất nhiên, nhân viên có nhiệm vụ đáp ứng mong đợi của tổ chức, doanh nghiệp. Nếu bạn cảm thấy công việc hiện tại đang đi lệch với năng lực bản thân, hãy giữ điều đó cho riêng mình và cố gắng lấy lại cân bằng, dành thời gian rèn luyện, trau dồi kỹ năng. Việc bày tỏ không hài lòng với công việc sẽ thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong phong cách làm việc của bạn.

Bạn đang tức giận với đồng nghiệp/sếp

Trong môi trường làm việc, sẽ có lúc công việc bị đẩy lên cao trào khiến bạn cảm thấy căng thẳng và cảm xúc không được ôn hòa như bình thường. Nếu bạn đang bất đồng, tức giận với người sếp hoặc đồng nghiệp của mình và thể hiện sự thất vọng đó với họ, điều này có thể làm bạn nguôi cơn giận nhưng khó tránh khỏi hậu quả về sau.

Cảm giác cơn thịnh nộ được hạ nhiệt đúng là thoải mái nhưng bạn tuyệt đối không nên làm thế. Gây xích mích, bất hòa trong công ty sẽ để lại tiếng xấu cho bạn, không những tạo căng thẳng trong môi trường làm việc mà còn dễ định hình sự thiếu tin cậy. Những lúc tâm trạng đang không ổn định, nhân viên cần 10 – 15 phút luyện tập thư giãn hoặc nghỉ ngơi để tránh hành động thiếu kiểm soát.

Xem ngay: 1001 Kiểu Ứng Xử Con Trẻ Nơi Công Sở Mà Bạn Cần Tránh Xa

kiềm chế bản thân
Hãy kiềm chế bản thân mỗi khi tức giận nơi công sở – Ảnh: Internet

Trong đạo đức nghề nghiệp ở bất kỳ ngành nghề nào, trung thực là yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng nhân viên. Tuy nhiên, không phải lúc nào tính trung thực cũng phát huy hết khả năng tối ưu. Để tránh gây bất lợi cho bạn, những trường hợp mà Chefjob vừa chia sẻ sẽ giúp bạn xử lý linh hoạt nhiều tình huống xuất hiện trong công sở.

Bài Viết Liên Quan