Momofuku Ando, “Vua” Của Ngành Công Nghiệp Thực Phẩm Ăn Liền - Chefjob.vn

Momofuku Ando, “Vua” Của Ngành Công Nghiệp Thực Phẩm Ăn Liền

Dù đã rất quen thuộc với chúng ta nhưng có bao giờ bạn thắc mắc về nguồn gốc của mì ăn liền chưa, mì ăn liền do ai phát minh ra, trong hoàn cảnh nào? Momofuku Ando, người Nhật Bản chính là câu trả lời. Ông được mệnh danh là “Cha đẻ của mì ăn liền”, là người đã mở đường cho ngành công nghiệp thực phẩm ăn liền thế giới.

Momofuku Ando (1910 – 2007) là một người Nhật Bản. Ando mồ côi cha mẹ từ nhỏ và sống với ông bà trong cửa tiệm bán vải lụa. Năm 22 tuổi, nhờ tài sản thừa kế từ cha mẹ, Ando mở một công ty kinh doanh sợi dệt, sau đó thành lập công ty “Nhật Đông Thương hội” ở Osaka, chuyên kinh doanh hàng dệt kim và thiết bị máy móc. Sau cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, các đô thị và cơ sở công nghiệp ở Nhật dường như bị san bằng tất cả, trong đó có nhà máy và cửa hiệu của Ando. Vậy Ando đã tạo ra mì ăn liền bằng cách nào? Cùng https://Chefjob.vn tìm hiểu ngay nhé!

Mì ăn liền ra đời từ cơn khủng khoảng

Ít ai biết rằng, gói mì ăn liền chúng ta ăn mỗi ngày được ra đời từ một cơn khủng hoảng. Sau chiến tranh, nền kinh tế cả nước Nhật bị tàn phá thảm hại chưa từng thấy, hàng chục triệu người không có việc làm, lương thực và năng lượng vô cùng khan hiếm. Không bó tay chờ sự cứu trợ của người Mỹ, Momofuku Ando chuyển sang kinh doanh hàng bách hóa và thực phẩm bằng việc thành lập công ty Nissin.

Momofuku Ando
Momofuku Ando người Nhật Bản đã phát minh ra mì ăn liền – Ảnh: Internet

Ban đầu, công ty chuyên sản xuất muối nhưng sau đó, nhìn hình ảnh mọi người cực khổ xếp hàng dài ngoài phố trong băng tuyết lạnh để chờ mua một tô mì nóng đã khiến Ando rất đau lòng. Thế là, ông quyết tâm phải làm ra một loại mì sợi không cần đun nấu lâu, chỉ cần cho vào nước sôi đã có thể ăn được.

Từ ý tưởng sang hiện thực là cả một quá trình gian nan. Ando đã thử nghiệm thất bại hàng trăm lần bởi sợi mì không thể thấm nước sôi và chín nhanh như ý muốn. Cuối cùng, ngày 25/8/1958, Ando cũng đã thành công cho ra tô mì ăn liền đầu tiên. Ông ngâm mì vào loại súp nấu từ xương bò hoặc xương gà, rồi sấy khô và chiên nó trong dầu ăn. Sau đó, ông cho mì đã chiên vào bát, rót nước sôi, thêm chút mì chính và đậy kín, sau vài phút đã có tô mì nóng, thơm ngon. Loại mì ăn liền đầu tiên trên thế giới ra đời từ đó và có tên gọi Chikin Ramen.

mì chikin ramen
Những gói mì Chikin Ramen là loại mì đầu tiên trên thế giới được phát minh bởi Momofuku Ando – Ảnh: Internet

Khởi đầu cho ngành công nghiệp thực phẩm ăn liền

Phát minh mì ăn liền của Ando là nền tảng để ngành công nghiệp thực phẩm ăn liền ra đời và phát triển, dẫn đến những thay đổi trong thói quen sử dụng thực phẩm trên thế giới. Dưới đây là những cột mốc quan trọng của thương hiệu mì Nissin:

  • Tháng 12 năm 1958, Ando mở rộng công ty thực phẩm Nissin Food Products Co., tăng sản lương mì Ramen.
  • Năm 1970, ông mở chi nhánh Nissin đầu tiên tại Mỹ.
  • Ngày 18/9/1971, mỳ ăn liền Nissin đựng trong bao xốp chịu nhiệt hình chiếc cốc (Cup Noodle) xuất hiện và trở nên phổ biến trên thế giới. Nhờ vậy, doanh thu của công ty và ngoại tệ cho nền kinh tế nước Nhật cũng thay đổi đáng kể.
  • Từ năm 1963, công ty Nissin niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo và Osaka, sản lượng mỳ ăn liền tăng lên nhanh chóng, thỏa mãn nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
  • Năm 1999, Momofuku Ando lập bảo tàng mỳ Ramen mang tên ông ở Ikeda thuộc quận Osaka (Momofuku Ando Instant Ramen Museum) cho mọi người đến tham quan.

tượng momofuku ando
Tượng Momofuku Ando được đặt trước bảo tàng mỳ Ramen – Ảnh: Internet

Đặc biệt, có một cột mốc vô cùng quan trọng khiến Momofuku Ando trở nên hào hiệp, vĩ đại trong lòng mọi người đó chính là dù đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền và cấp bằng sáng chế nhưng năm 1964, Ando quyết định chấm dứt độc quyền sản xuất mì ăn liền. Ông công khai sáng chế của mình, chuyển nhượng cho các công ty khác để cùng hưởng lợi và đưa ngành công nghiệp thực phẩm ăn liền phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Theo thống kê, năm 2005, toàn thế giới đã tiêu thụ 85,7 tỉ gói mì ăn liền, bình quân mỗi người 12 gói, trong đó Nissin chiếm thị phần lớn nhất với 10 tỉ gói. Công ty Nissin hiện có vốn 3 tỷ USD với 29 chi nhánh tại 11 nước.

Không chỉ là một món ăn thông thường, mì ăn liền là một trong các biểu tượng văn hóa của nước Nhật. Người Nhật gọi Momofuku Ando là “Cha đẻ của mỳ ăn liền”, và ông cũng là “vua” của ngành công nghiệp thực phẩm ăn liền trên thế giới.

Ando từng xuất hiện trong danh sách những nhân vật có tầm ảnh hưởng ở châu Á do Tạp chí Time Asia bình chọn. Trong một cuộc thăm dò ý kiến gần đây về những phát minh quan trọng nhất của thế kỷ 20, đa số người Nhật đã xếp mì ăn liền lên hàng đầu, trên cả karaoke, máy nghe nhạc Walkman và máy trò chơi Nintendo.

Tin liên quan:

Olivier Bajard – Người lan tỏa vị ngọt của Pháp đi khắp thế giới
Daniel Boulud và câu chuyện đại náo New York

Bài Viết Liên Quan