Nghề Phụ Bếp: Không Nếm Đắng Cay Sao Yêu Quả Ngọt

Nghề Phụ Bếp: Không Nếm Đắng Cay Sao Yêu Quả Ngọt

Lớn lên trong một gia đình không mấy khá giả, ngay từ khi còn học tiểu học, tôi đã bắt đầu được mẹ chỉ dạy cách nấu cơm, nhặt rau, xào thịt… để nấu ăn cho cả nhà vì ba mẹ luôn đi sớm về trễ, nhất là khi tới vụ mùa. Lạ là tôi không hề có thái độ khó chịu hay miễn cưỡng mỗi khi mẹ nhờ vào bếp nấu ăn như đám bạn trong xóm. Ngược lại, tôi rất yêu thích công việc này dù tôi là con trai. Tôi rất thích được tự tay chuẩn bị, nêm nếm và bày biện một mâm cơm dù khi ấy, mâm cơm chỉ đơn giản với nồi canh, đĩa rau luộc hay chén cà pháo dầm… Mẹ tôi và một vài người xung quanh vẫn thường đùa rằng, sau này cho tôi đi làm Đầu bếp chắc sẽ hợp lắm. Có lẽ khi đó, chẳng ai ngờ rằng, 20 năm sau, lời nói đùa lại thành sự thật. Tôi chọn nghề Bếp.

vao bep nau an la niem yeu thich
Được vào bếp nấu ăn là niềm yêu thích từ nhỏ của tôi – Ảnh: Internet

Tốt nghiệp cấp 3, tôi học lên Cao đẳng nhưng nghỉ nửa chừng vì không yêu thích và một số biến cố trong nhà. Khi đó, tôi quyết định theo nghề nấu ăn theo đúng sở trường và niềm đam mê nhưng vì không đủ điều kiện để học các lớp nấu ăn nên tôi đã xin vào Phụ bếp tại một nhà hàng, vừa để học việc lại vừa kiếm tiền.

Ngày đầu tiên bước chân vào khu bếp nhà hàng, tôi hoàn toàn ngỡ ngàng như mình vừa đi lạc. Trong tiềm thức của tôi, bếp chỉ là một khu vực rất nhỏ, vài cái xoong nhỏ, vài hũ gia vị trên kệ… chỉ để nấu vài món giản đơn. Nó khác xa với khu bếp rộng thênh, trang thiết bị hiện đại và dụng cụ nhiều vô số kể… Tôi lóng nga lóng ngóng và mất gần một tháng chỉ để làm quen và thành thạo sử dụng các dụng cụ, thiết bị trong nhà bếp.

Đúng như tên gọi, Phụ bếp đảm nhận tất cả các công việc phụ trong bếp từ chuẩn bị nguyên liệu, gia vị, dụng cụ để nấu ăn, sơ chế nguyên liệu, hỗ trợ Đầu bếp nấu ăn, dọn rửa các dụng cụ trong bếp… Khối lượng công việc Phụ bếp tương đối nhiều vì họ dường như tham gia vào tất cả các khâu. Dù chỉ là những công việc phụ nhưng những việc này lại rất quan trọng, giúp cho ra những món ăn ngon, chất lượng để phục vụ thực khách và đảm bảo những tiêu chuẩn của nhà hàng. Mỗi khi nhìn những món ăn trình bày đẹp mắt, hương thơm hấp dẫn được đặt lên mâm và đưa ra ngoài phục vụ thực khách, tôi lại cảm nhận rõ ràng một niềm hạnh phúc lấp lánh dâng lên trong lòng. “Rau củ đó là mình thái, thịt đó là mình chuẩn bị…”, những suy nghĩ cứ lặp đi lặp lại và trở thành niềm vui bé nhỏ cho riêng mình trong những giờ làm việc không ngừng nghỉ.

Có lẽ chúng ta không nên đặt ra câu hỏi “Nghề Phụ bếp vất vả không” mà phải hỏi là “Nghề Phụ bếp vất vả như thế nào” mới đúng. Bạn phải quần quật làm đủ mọi việc, đi sớm hơn để chuẩn bị nguyên liệu, về trễ hơn để đảm bảo rằng mọi dụng cụ đã được dọn dẹp sạch sẽ, đèn điện đã được tắt… Những ngày lễ, tôi dành trọn vẹn thời gian để tất bật trong bếp vì đó là những ngày khách rất đông. Chuyện nhầm lẫn nguyên liệu, bỏng dầu, cắt dao trúng tay… gần như đã trở nên quen thuộc. 2 năm làm ở vị trí Phụ bếp, tôi chứng kiến nhiều tình huống “dở khóc dở cười” không chỉ của tôi mà còn là của đồng nghiệp. Nhiều người vào làm chỉ được vài ngày hoặc vài tháng đã từ bỏ vì không chịu được môi trường khu bếp lúc nào cũng nóng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nếu như chọn ra một điều gì là quan trọng nhất với Phụ bếp, tôi chọn niềm đam mê. Bởi vì không đam mê, không yêu thích, mình sẽ không thể nào vượt qua hết những thử thách của công việc này. Tôi may mắn vì được làm việc với những Đầu bếp giỏi, được học hỏi nhiều kinh nghiệm, công thức hấp dẫn, độc đáo để tích lũy cho mình. Tôi vẫn nhớ như in một ngày nọ, sau một quãng thời gian dài chỉ có chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu… tôi được Đầu bếp chỉ định tự tay thực hiện một món ăn, tôi đã vui mừng đến thế nào. Cảm giác giống như mình vừa đạt được một thành tựu trong nghề. Tôi đã cố gắng làm tốt nhất có thể và được “trả công” xứng đáng bằng lời khen của thực khách. Dần dần tôi được chế biến nhiều món ăn hơn và sau 2 năm, tôi được giao cho nhiệm vụ của một Đầu bếp, chạm tay vào ước mơ từ nhỏ của mình.

Bất kỳ điều gì cũng đều có cái giá của nó. Công việc Phụ bếp vất vả, thầm lặng, tất bật suốt ngày trong khu bếp để đổi lại là những món ăn ngon, chất lượng phục vụ thực khách, là những nỗ lực của mình được ghi nhận bằng việc thăng tiến lên cấp bậc cao hơn. Nếu bạn chưa từng nếm qua chút cay đắng, làm sao biết yêu hơn những cảm giác ngọt ngào? 


LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Huỳnh Hữu Tài – Gửi tới cuộc thi viết Ngành Nhà hàng Khách sạn –  Thử thách và Vinh quang do Chefjob.vn tổ chức!

Bài Viết Liên Quan