Những Nữ Bếp Trưởng Số Một Thế Giới: Khi Nấu Ăn Không Chỉ Là Thiên Chức - Chefjob.vn

Những Nữ Bếp Trưởng Số Một Thế Giới: Khi Nấu Ăn Không Chỉ Là Thiên Chức

Nếu chúng ta vẫn thường nghĩ rằng nấu ăn vốn là nhiệm vụ hay cao cả hơn là “thiên chức” của người phụ nữ thì với những nữ Bếp trưởng hàng đầu thế giới dưới đây, đó còn là niềm cảm hứng bất tận, là cách để họ thể hiện tình yêu thương và khẳng định tài năng, vị thế của mình.

Ở địa hạt nghề Bếp, bên cạnh những nam Đầu bếp lừng danh như Gordon Ramsay, Anthony Bourdain thì cũng vẫn có những người phụ nữ đầy quyền lực trong khu bếp. Với sự khéo léo, tỉ mỉ và nhẹ nhàng, phụ nữ dường như được sinh ra để gắn liền với công việc đòi hỏi nhiều sự tinh tế và cần mẫn như nấu ăn. Thế nhưng, để theo nghề Bếp lâu dài thì lại không ngọt ngào như tưởng tượng bởi họ còn nhiều những mối bận tâm khác như gia đình, chăm sóc nhà cửa… Cùng tìm hiểu câu chuyện về những nữ Bếp trưởng số một thế giới để xem họ đã làm như thế nào để thành công với niềm đam mê của mình.

1. Elena Arzak: Tình yêu ẩm thực được truyền từ người cha vĩ đại

Elena Arzak (năm sinh 1969), là nữ Đầu bếp nổi tiếng nhất của Tây Ban Nha và thế giới đương đại. Cha của bà là Đầu bếp Juan Mari Arzak và gia đình bà có một nhà hàng đã truyền qua 4 thế hệ.

elena arzak bep truong noi tieng cua tay ban nha
Elena Arzak là nữ Bếp trưởng nổi tiếng của Tây Ban Nha và thế giới đương đại – Ảnh: Internet

Năm 5 tuổi, trong một lần theo cha đi ăn nhà hàng và khi đĩa thịt được bê ra, Elena khiến cha mình rất ngạc nhiên với câu hỏi: “Tại sao đĩa thịt của con lại chỉ được hâm nóng, nó cần phải được nấu lên”. Kỳ nghỉ hè năm 11 tuổi, Elena được cha đưa đến nhà hàng gia đình làm việc và năm 20 tuổi, cha bà gửi bà đến Le Gavroche ở London làm việc, sau đó quay trở lại Tây Ban Nha và đầu quân cho nhà hàng El Bulli.

Không lâu sau đó, Elena thay cha đảm nhận vị trí Bếp trưởng của chuỗi nhà hàng 3 sao Michelin Arzak và năm 2012, bà được vinh danh là “Nữ Đầu bếp số 1 thế giới”. Elena theo đuổi phong cách nấu ăn truyền thống và có niềm say mê đặc biệt với sản vật địa phương. Những món ăn đậm đà hương vị quê nhà của bà như hải sản xào mùi tây đã lọt Top 100 món ăn đặc sắc nhất năm 2013.

Elena đã từng tự hào nói: “Tôi là Elena Arzak, con gái của Juan Mari. Tất cả những gì tôi học được ở cha là từ trái tim”.

2. Helene Darroze: Ẩm thực là tiếng nói bên trong mỗi người

Helene Darroze (sinh năm 1967) được bình chọn là “Đầu bếp nữ xuất sắc nhất” năm 2015 và nhận nhiều giải thưởng khác, trong đó có Legion of Honor – danh hiệu cao quý của Pháp. Hiện nay, bà đang là Bếp trưởng của hai nhà hàng đều đạt 2 sao Michelin tại London và Paris.

helene darroze bep truong dat 2 sao Michelin
Helene Darroze đang là Bếp trưởng điều hành hai nhà hàng đều đạt 2 sao Michelin – Ảnh: Internet

Sinh ra trong gia đình đều làm nghề Đầu bếp, ký ức tuổi thơ gắn liền với ẩm thực đã hình thành trong Helene tình yêu và năng khiếu trong chuyện nấu nướng. Ở thời điểm bà vẫn còn nghi ngờ về khả năng của mình, cha bà đã động viên rằng “Tin cha đi, con làm được và ta thấy rằng con có thể”. Chính câu nói đó trở thành “đòn bẩy” để bà mạnh dạn mở nhà hàng đầu tiên của mình và chỉ sau đó 2 năm, nhà hàng này nhận 2 sao Michelin.

Với Helene Darroze, mỗi món ăn là một câu chuyện mà người Đầu bếp muốn kể, muốn gửi gắm và thể hiện những điều ẩn sâu trong mỗi người.

3. Anne – Sophie Pic: Đến nấu ăn cũng thanh tao và nhẹ nhàng

Anne – Sophie Pic sinh năm 1969, là tiểu thư “cành vàng lá ngọc” trong một gia đình giàu truyền thống về ẩm thực. Từ công việc Quản lý cho các nhãn hiệu thời trang xa xỉ, năm 26 tuổi, bà chuyển sang nghề Bếp với mục đích khôi phục lại sao Michelin thứ 3 cho nhà hàng gia đình vì sau cái chết của cha, nhà hàng chỉ còn 2 sao. Không được đào tạo bài bản, tất cả những gì bà có để theo nghề là tình yêu ẩm thực vốn có lúc nhỏ cộng với năng khiếu và những trải nghiệm ẩm thực từ các chuyến đi.

anne vao nghe bep voi niem dam me
Anne bước vào nghề Bếp với hành trang là niềm đam mê, năng khiếu từ nhỏ cộng với những trải nghiệm của mình – Ảnh: Internet

Năm 2007, bà mang về ngôi sao thứ 3 cho nhà hàng theo đúng ước nguyện. Đồng thời, bà cũng có tên trong danh sách 20 Đầu bếp giàu nhất thế giới do tạp chí Le Figero bình chọn. Năm 2009, nhà thứ hai Andy Hayler’s của Anne ra đời tại Thụy sĩ và sau đó cũng được trao tặng 2 sao Michelin.

Phong cách nấu ăn của Anne luôn hướng đến sự dung dị, nhã nhặn và tinh tế. Bà yêu thích và ưu tiên sử dụng những nguyên liệu tươi, sạch, nhà tự trồng. Chính vì vậy, những món ăn Pháp nổi tiếng về sự “sang chảnh” qua đôi tay của Anne trở nên mới lạ và thanh tao vô cùng. Với khí chất của một tiểu thư, ngay cả lúc nấu ăn, người ta vẫn thấy ở Anne sự nhẹ nhàng, tao nhã nhưng vẫn đảm bảo sự chính xác, nhanh gọn.

Có thể nói nấu ăn không lãnh địa của riêng ai mà là cuộc chơi công bằng cho tất cả những ai có niềm đam mê và không ngừng theo đuổi. Hy vọng rằng 3 câu chuyện về 3 nữ Bếp trưởng tài năng trên sẽ truyền cho bạn niềm cảm hứng để yêu hơn công việc nấu nướng. 

Bài Viết Liên Quan