Các Thuật Ngữ Chuyên Ngành Mà Các Barista Nhất Định Phải Nằm Lòng - Chefjob.vn

Các Thuật Ngữ Chuyên Ngành Mà Các Barista Nhất Định Phải Nằm Lòng

Phân biệt các loại cà phê Arabica, Robusta, Moka hay biết chính xác công dụng tamper, pump… là những kiến thức cơ bản của Barista. Nắm rõ các thuật ngữ chuyên ngành không chỉ giúp các Bartender thực hiện đúng quy trình pha chế, phục vụ chuẩn món uống cho thực khách mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp.

Barista cần có kiến thức chuyên ngành
Để làm tốt công việc, các Barista cần có kiến thức chuyên ngành – Ảnh: Internet

Chỉ cần thay đổi loại cà phê, bạn sẽ có một ly thức uống có hương vị mới. Chỉ cần dùng sai dụng cụ pha chế, chất lượng của thành phẩm sẽ không đạt chuẩn. Đó là lý do tại sao kiến thức chuyên ngành lại quan trọng với các Barista đến vậy. Trong các buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng cũng cực kỳ quan tâm đến việc kiểm tra trình độ “nhận dạng thông tin” liên quan tới pha chế. Vậy nên nếu đã bước chân vào con đường Barista chuyên nghiệp, bạn nhất định phải nằm lòng tất cả các thuật ngữ mà Chefjob.vn thống kê dưới đây nhé.

Các loại cà phê

1. Arabica

Là một trong những loại cà phê được ưa chuộng nhất nhì trên thế giới bởi hương vị đặc biệt hấp dẫn, Arabica là lựa chọn lý tưởng để pha chế Espresso, Latte, Cappuchino… Hạt Arabica hơi dài, có vị chua thanh xen lẫn vị đắng nhẹ, nước nâu nhạt giống hổ phách và dĩ nhiên, Arabica sở hữu vị thơm đặc trưng ngửi là thích.

Arabica là loại cà phê ngon
Arabica là loại cà phê ngon được sử dụng phổ biến trên thế giới để tạo ra hương vị thức uống thượng hạng – Ảnh: Internet

2. Cherry

Không phải trái Cherry đỏ mọng có nguồn gốc từ châu Âu, Chefjob đang nhắc đến loại cà phê Cherry (Libery) hay còn gọi là cà phê Mít, có nhiều ở vùng núi Chứa Chan thuộc Long Khánh nước ta. Cà phê Cherry có hạt vàng, sáng bóng bắt mắt, mùi hương thoang thoảng và vị chua mới mẻ giúp thực khách cảm thấy rất sảng khoái khi nhâm nhi. Các chuyên gia đánh giá, cà phê Cherry rất phù hợp để pha chế cho thực khách nữ.

3. Robusta

Chứa hàm lượng caffeine cao hơn Arabica nên những ai thích vị cà phê đậm và mạnh chắc chắn không thể bỏ qua Robusta. Thế nhưng hương vị Robusta không tinh khiết bằng Arabica nên mức độ đánh giá thấp hơn. Vị đắng của Robusta cũng không phải do được lên men mà trải qua quá trình sấy trực tiếp.

4. Moka

Moka thuộc chi Arabica, du nhập vào Việt Nam từ những năm 1930 bởi bàn tay của người Pháp, chúng được trồng nhiều tại Đà Lạt, Lâm Đồng và các cao nguyên lớn. Moka có hạt đẹp hơn so với nhiều giống khác, hương thơm cũng đặc biệt: Chua một cách thanh thoát, đắng một cách sành điệu, để thực khách như bị thôi miên vào thế giới của Moka. Người phương Tây như Pháp, Mỹ, Úc… đặc biệt thích cà phê Moka.

Đồ uống thông dụng Barista pha chế

1. Espresso

Là loại cà phê máy nguyên chất nhất, Barista sẽ biến thể nhiều dòng cà phê khác từ Espresso. Để uống Espresso chuẩn nhất, người ta sẽ dùng tách dày được hâm nóng trước, lượng Espresso khoảng 40ml và có hoặc không cho đường, tùy thuộc vào khẩu vị của từng thực khách.

Espresso nồng nàn và quyến rũ
Espresso nồng nàn và quyến rũ – Ảnh: Internet

2. Latte

Latte là dạng cà phê có nhiều sữa, bắt nguồn từ Ý. Các Barista có thể sử dụng động tác đổ sữa lên trên cà phê để tạo nên các hình ảnh đẹp mắt. Kỹ thuật đổ Latte Art là một tiêu chuẩn không thể thiếu dành cho Barista. Nếu bạn không thích cà phê quá đặc hay vị cà phê quá đậm thì Latte là lựa chọn hoàn hảo.

Xem thêm: Nghệ Thuật Trong Từng Tách Cà Phê Của Barista Hàn Quốc

3. Macchiato

Macchiato còn có tên gọi khác là Espresso Macchiato, được pha chế từ cà phê Espresso cùng một chút sữa đã được đánh bọt. Tỷ lệ cà phê tạo nên Macchiato thiên về cà phê nhiều hơn nhằm giữ được hương vị nồng nàn cho ly thức uống.

4. Cappuccino

Cappuccino cũng là loại cà phê có nguồn gốc từ Ý, được giới trẻ yêu thích. Một tách Cappuccino hoàn hảo sẽ bao gồm 3 phần chính: Espresso, sữa nóng và sữa sủi bọt.

5. Matcha

Matcha là tên gọi để chỉ bột trà xanh, có hương vị dễ chịu, dịu và đồng thời cũng rất mạnh. Nếu Espresso “vua” trong các loại cà phê thì Matcha là “nữ hoàng” của trà.

Dụng cụ trong pha chế cà phê

1. Tamper

Đây là dụng cụ mà Barista thường dùng để pha chế cà phê máy. Chúng có hai loại là Tamper chuôi bạc hoặc chuôi kim loại, dùng để nén cà phê giúp cho bề mặt mịn và cân bằng nhất, đảm bảo cho quá trình chiết cà phê diễn ra hoàn hảo.

2. Menu

Chefjob tin rằng Menu là từ không còn xa lạ với mọi người. Menu trong pha chế là thực đơn tổng hợp các loại thức uống mà quán/ chuỗi cà phê – nơi các Barista làm việc phục vụ thực khách. Trên đó thường sẽ để tên gọi các món kèm theo giá, giúp thực khách dễ dàng lựa chọn.

Bạn đang đảm nhiệm vị trí Barista ở một chuỗi/ quán cà phê?

Bạn đang theo học nghề Pha chế?

Bạn đang muốn kinh doanh cà phê?

Vậy thì các thuật ngữ chuyên ngành trên đây bạn nhất định phải ghi nhớ.

Bài Viết Liên Quan