Tôi Đã Trở Thành Quản Lý Nhà Hàng Như Thế Nào?

Tôi Đã Trở Thành Quản Lý Nhà Hàng Như Thế Nào?

Khác với bạn bè cùng lớp, học xong Trung học phổ thông, tôi quyết định không học lên nữa mà xin làm thời vụ tại một nhà hàng. Đương nhiên, sự phản đối từ gia đình là không thể tránh khỏi nhưng từ lâu, tôi đã muốn làm việc trong ngành dịch vụ kinh doanh nhà hàng nên không từ bỏ. Sau hai năm làm thời vụ và tích góp được ít tiền, cùng với sự hỗ trợ từ gia đình, tôi sang Pháp du học ngành Quản trị nhà hàng – khách sạn. Tôi hiểu rằng nếu muốn đi xa hơn trong nghề này, tôi nhất định phải có sự đầu tư một cách nghiêm túc.

toi da tro thanh quan ly nha hang nhu the nao
Tôi chọn đi du học để có thể tiếp cận được với những tiêu chuẩn mới nhất trong ngành Nhà hàng – Khách sạn

Trong thời gian làm thời vụ, một số anh chị cấp Quản lý có khuyên tôi nên đi du học vì ngành Nhà hàng – Khách sạn đang rất hot, nếu tôi có bằng cấp, trình độ chuyên môn, cơ hội của tôi sẽ nhiều hơn. Bên cạnh đó, nghành này xuất phát từ châu Âu nên học chuyên môn tại chính các nước châu Âu sẽ sát với thực tế và cập nhật được những tiêu chuẩn mới. Thời gian đầu mới sang Pháp là những ngày tháng không thể nào quên trong đời. Bỏ qua “vốn liếng” ngôn ngữ không mấy thành thạo, khó khăn lớn nhất của tôi tại thời điểm đó chính là tài chính. Tôi xin làm Phục vụ tại một nhà hàng vừa là để kiếm thêm thu nhập vừa để học hỏi các quy tắc phục vụ, quy trình làm việc của một nhà hàng Pháp.

cong viec phuc vu
Công việc Phục vụ mang đến cho tôi nhiều kinh nghiệm để trở thành một Quản lý nhà hàng sau này

Kết thúc chương trình học nơi xứ người, tôi trở lại nhà hàng nơi tôi từng làm thời vụ ngày trước nhưng ở một vị trí khác, đó là Quản lý nhà hàng. Trở ngại đầu tiên tôi gặp phải chính là ánh nhìn không mấy thiện cảm của một số đồng nghiệp vì khi đó tôi còn khá trẻ, việc chấp nhận một người trẻ hơn mình làm cấp trên của mình tương đối nhạy cảm. Tuy cũng đã lường trước được tình huống này nhưng tôi vẫn khá bối rối ở thời gian đầu. Tôi biết rằng nếu giữa tôi và các nhân viên không đồng điệu với nhau, không phối hợp một cách ăn ý sẽ không thể nào mang đến cho khách hàng sự hài lòng. Vậy nên, tôi bắt đầu lên kế hoạch chinh phục nhân viên bằng cách đến gần với họ hơn, luôn lắng nghe những vấn đề không chỉ gói gọn trong khuôn khổ nhà hàng mà còn là đời sống cá nhân của nhân viên. Thỉnh thoảng, tôi vẫn mời nhân viên một chầu ăn uống sau khi hoàn thành tốt công việc để khuyến khích, động viên nhân viên.

Một người anh trong nghề từng nói với tôi rằng “Quyền lực và sự ảnh hưởng là hai phạm trù khác biệt”, tôi có thể dùng quyền lực để ra lệnh nhưng điều đó có thực sự mang lại kết quả tốt nhất không? Chắc chắn là không vì nhân viên, kể cả tôi cũng vậy, đều có xu hướng được truyền cảm hứng để làm việc hơn là phải nghe theo lệnh của một ai đó. Vậy nên, tôi luôn cố gắng dùng chính những hành động của mình, suy xét xem mình có thực hiện được chính những yêu cầu mình đã đặt ra cho nhân viên hay không trước khi áp dụng nó với nhân viên… Tôi luôn tranh thủ đi sớm và về trễ hơn nhân viên để đảm bảo rằng mọi việc đã được chuẩn bị và hoàn thành chu đáo trước khi đón tiếp khách hàng. Tôi nghĩ rằng, muốn trở thành một Quản lý khiến nhiều người “tâm phục khẩu phục”, chúng ta không chỉ nghĩ đến những kế hoạch lớn, những chiến lược kinh doanh tăng lợi nhuận, những tiêu chuẩn phục vụ mà còn phải tỉ mỉ trong những việc rất nhỏ như nhặt một cái rác, tắt một cái bóng đèn nếu ai đó đã quên…

Công việc của một Quản lý nhà hàng mang đến cho tôi nhiều điều giá trị. Không chỉ là nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, rèn các kỹ năng quản lý, giao tiếp mà đó còn là công việc mang đến những trải nghiệm vui vẻ, những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng khi đến với nhà hàng. Một số bạn bè vẫn thường đùa với tôi rằng tôi số sướng, “được làm hẳn Quản lý nhà hàng”, cấp cao lương cao…  Nhưng tôi biết, dù tôi ở bấc cứ cấp bậc nào cũng đều cần sự nỗ lực không ngừng, đều học hỏi, tích góp kinh nghiệm mỗi ngày để hoàn thiện bản thân mình.

Dù rằng công việc của một Quản lý đôi khi khiến tôi không còn thời gian dành cho gia đình, nhiều lúc khiến tôi căng thẳng tột độ vì những phàn nàn của khách hàng, những lần doanh thu sụt giảm, những mâu thuẫn giữa nhân viên với nhân viên… nhưng hơn hết, tôi vẫn yêu thích và tràn đầy đam mê với lựa chọn của mình.

Bất cứ nghề nghiệp nào cũng vậy, khó khăn và hạnh phúc vẫn luôn song hàng, thành công chỉ đến khi chúng ta có niềm đam mê và không bao giờ thôi học hỏi, thôi cố gắng. 


LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Trần Quang – Gửi tới cuộc thi viết Ngành Nhà hàng Khách sạn –  Thử thách và Vinh quang do Chefjob.vn tổ chức!

Bài Viết Liên Quan