Bài Học Mà Đời Và Nghề Đã Dạy Cho Tôi

Bài Học Mà Đời Và Nghề Đã Dạy Cho Tôi

Sau khi tốt nghiệp, tôi quyết định không lựa chọn công việc theo đúng chuyên nghành mình đã học, mà nộp đơn xin vào làm việc một khách sạn ở thành phố nơi tôi đang ở với vị trí là nhân viên Buồng phòng. Sau buổi phỏng vấn, tôi được sắp xếp để làm việc ở bộ phận F&B với vị trí nhân viên Phục vụ tiệc – hội nghị (Banquet waiter). Hai tháng sau đó, tôi được chuyển sang vị trí Phục vụ tại nhà hàng. Những công việc giản đơn mình bắt đầu làm quen như: Lau dọn những đồ sành sứ (Chinaware), phân loại những vật dụng dùng để ăn bằng inox (cutlery), set-up bàn theo kiểu nào cho phù hợp, được đào tạo thêm kiến thức về những thức uống (beverage)… đã cho mình những kiến thức cơ bản về công việc ở bộ phận này. Những anh chị trong bộ phận khi đó đã dạy tôi phải luôn duy trì ba yếu tố cho nhà hàng như: Sạch sẽ, gọn gàng và thẩm mỹ.

cuoc thi viet nganh nhks chefjobvn

Bạn có đồng ý với tôi rằng, những nhà hàng cao cấp đều rất chú trọng đến những tiêu chí này không? Mỗi chiếc ly sau khi được rửa sạch đều phải được lau lại bằng hơi nước nóng cho sáng bóng và không còn những vết nước đọng trên ly, những vật dụng dùng để ăn bằng inox cũng được làm sạch lại theo cách tương tự, khăn ăn (napkin) khi xếp và những cutlery khi được sắp xếp trên bàn cũng được hướng dẫn cầm thế nào nhằm hạn chế để lại dấu vân tay… Mọi thứ đều được duy trì ở mức có được sự sạch sẽ tối đa nhằm đảm bảo sự đẳng cấp của nhà hàng nơi tôi làm việc.

Có lẽ, niềm vinh dự và hạnh phúc nhất của người Phục vụ là được tiếp xúc với khách. Sau vài năm làm nghề, tôi có đủ sự tự tin cho mình khi phục vụ, nhưng còn về lần đầu tiên? Lần đầu tiên đó, khi một thực khách bước vào nhà hàng, tôi được cử đi lấy gọi món (lấy order). Khách gọi món bò nướng mà tôi lại bỏ qua việc hỏi hai câu hỏi quan trọng, đó là: Khách muốn nướng bò theo cấp độ nào và muốn dùng kèm với sốt gì?… Lần lấy order đó chắc sẽ không bao giờ tôi có thể quên: Vụng về và thiếu chuyên nghiệp. Giờ đây, kể về câu chuyện ngày xưa, thuở mới vào nghề thấy đúng là có những khó khăn, nhưng nhiều kỷ niệm… Rồi dần dần, năng lực mình được cấp trên nhìn thấy, vị trí cũng được nâng lên, có những niềm vui nhỏ khi mỗi ngày bước chân vào nhà hàng mà tôi xem nó như là ngôi nhà thứ hai, mà những người đồng nghiệp là người thân trong gia đình ở ngôi nhà đó. Niềm vui có thể là lời khen của khách, ít tiền tip khách để lại thể hiện sự hài lòng, hay có thể êm xuôi giải quyết một than phiền về một món ăn hay cung cách phục vụ.

Vừa làm việc ở nhà hàng, song song tôi đăng ký tham gia lớp học về nghiệp vụ Lễ tân ở trường Saigontourist, cốt để có thêm những kiến thức ở một bộ phận khác của nghành Nhà hàng – khách sạn này, cũng như tránh để bản thân mình rơi vào sự nhàm chán trong công việc. Hai năm sau khi hoàn tất khoá học, tôi bắt đầu lại từ đầu với vị trí nhân viên Lễ tân đến hôm nay. Công việc hằng ngày vẫn xoay quanh những việc như: Khách nhận phòng (check-in), trả phòng (check-out) và làm báo cáo. Nhưng có lẽ ở môi trường lễ tân như khách sạn nơi tôi đang làm việc thì may mắn là được rèn luyện bản thân với những người đồng nghiệp chuyên nghiệp.

Một người thầy đã từng nói với lớp tôi rằng, tất cả những vị trí trong nhà hàn, khách sạn là đều như nhau: Đều phải phục vụ khách. Không có chuyện người làm ở bộ phận này cao sang hay quan trọng hơn nhân viên ở bộ phận khác. Bài học đó tôi cố không bao giờ quên, bởi tôi biết dù không cố ý, nhưng suy nghĩ đó là điều tồn tại của nhiều nhân sự trong nghành. Nhớ để mình tránh. Cũng như cách mà tôi nhận thấy giá trị phục vụ của một người nhân viên F&B sau những tháng năm được trải nghiệm với nghề.

We are ladies and gentlemen serving ladies and gentlemen (tạm dịch: Chúng ta là những quý ông quý bà, phục vụ cho những quý ông quý bà) là câu khẩu hiệu trước cổng trường Saigontourist mà mỗi sinh viên khi ra về đều nhìn thấy. Đây là thông điệp cuối cùng tôi muốn gửi gắm qua bài viết của mình. Làm việc trong lĩnh vực Nhà hàng – Khách sạn, khó khăn không phải là không có, nhưng kinh nghiệm có được giúp bản thân phát triển và hoàn thiện hơn qua từng ngày. Như bản thân, từ một người không gọn gàng, nề nếp của đứa sinh viên mới ra trường ngày nào, giờ cũng phải kỹ tính, gọn gàng hơn trong công việc. Và khi quyết định chọn và theo nghề, thì chúng ta hãy tin rằng, đây là một công việc nhiều khó khăn của những con người đẳng cấp.


 LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Võ Thành Tài – gửi tới cuộc thi viết Ngành Nhà hàng Khách sạn –  Thử thách và Vinh quang do Chefjob.vn tổ chức!

Bài Viết Liên Quan