“ Viết cho anh những dòng nhật kí còn dang giở…”
Hôm nay nó mạn phép gọi CHEF là anh! Cứ ngỡ chuyện yêu nghề đến cháy lòng chỉ có trong phim, nhưng không ngờ có lúc nó lại là nhân vật chính. Anh chính là mối tình sâu đậm nhất của nó.
Thời học trò của nó gắn liền với anh, tình yêu đầu của nó cũng chính là anh, CHEF ạ! Năm ấy, nó đọc cuốn sách “Trái tim của Chef ”, tác giả viết rằng “Một Đầu bếp giỏi cần nhiều yếu tố và phẩm chất, nhưng có lẽ điều quan trọng nhất trong nghề Bếp không phải là ngọn lửa trên chiếc bếp mà chính là ngọn lửa trong trái tim”. Từ đó nó cảm thấy nó thực sự đã yêu anh. Trên đời này những thứ na ná giống tình yêu thì nhiều thật và nó cũng từng nghĩ cái thứ tình cảm của nó cũng chỉ hao hao giống tình yêu nên nó lầm tưởng. Nhưng không, cái thứ tình cảm mà nó lầm tưởng kia kéo dài cho đến tận khi nó thi đậu vào một trường đại học danh tiếng mà nó không học, nó theo anh, nó quyết định học Bếp trưởng trước những lời phàn nàn của bao người.
Thật buồn cười khi nó ví tình yêu nghề như một chuyện tình trai gái phải không ạ! Có những chuyện phải dùng tim để cảm nhận, đừng dùng mắt đánh giá. Duyên do trời định, hạnh phúc do người tạo. Nó tin vào duyên phận, bởi vì khi nó gặp và tiếp xúc với anh đó chính là cái duyên, còn kiên quyết phấn đấu vì anh để đến được với anh hay không lại là quyết định của nó. Trong cõi bao la này, trời mang nhân duyên đến cho tất cả chúng ta, tựa như duyên phủ tràn mặt đất. Còn cách chúng ta đón nhận duyên sẽ tạo ra phận, tâm nhận duyên ra sao thì phận ra đó. Bởi thế cứ từng ngày, từng ngày nó đã vô thức lựa chọn cho chính bản thân mình cái thứ gọi là duyên phận, lựa chọn cho lần đầu và cho cả những lần sau. Cơ mà nó chỉ với vừa thi xong và mới bước chân vào trường Hướng Nghiệp Á Âu theo anh được 2 tháng, có quá sớm để khẳng định tình yêu này với anh không?
18 tuổi – cái tuổi thanh xuân của cuộc đời – một cô gái mới lớn có quá bồng bột không? Nhưng không, nó khẳng định rằng nó đam mê anh, nó yêu anh thật rồi! Tình yêu không phải trò chơi vì chúng ta không thể chơi với tình yêu. Tình yêu là sự hi sinh trân thành của trái tim, muốn buông bỏ quả thực không thể làm được. Cho dù đi về đâu ta vẫn muốn sẽ giữ trong sâu thẳm trái tim một tình cảm tốt đẹp và thuần khiết. Con tim chưa từng biết rung động bỗng phát hiện thấy mình đang yêu say đắm anh. Cảm giác thật khó diễn tả bằng lời. Đó là niềm vui hay nỗi buồn? Người ta nói nó không hợp với anh, nó không là anh, mãi mãi không là anh, hãy từ bỏ. Lẽ nào tình yêu nói là lấy lại được sao? Nếu làm được thì nó không gọi là tình yêu. Trong tình yêu nó không biết mình có đủ dũng khí để đối diện với sự tàn khốc của hiện thực hay không? Dũng khí là gì? Khóc đòi anh yêu nó hay khóc đòi anh xa nó? Có lẽ chẳng có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này.
Nếu anh là một giọt nước mắt trong nó, nó sẽ không bao giờ khóc vì nó sợ mất anh. Rồi một lần nữa nó lại nhận ra mình yêu anh nhiều hơn. Đó là buổi khai giảng lớp Bếp Trưởng Điều Hành vào ngày 27/07/2017 tại trường Hướng Nghiệp Á Âu. Hôm đó các thầy cô nói rất nhiều về anh để các Học viên cảm nhận sâu hơn về anh và xác định rõ con đường mình chọn. Họ nói quyết tâm theo anh là xác định sẽ rất cực, sẽ đứng trong một trong gian nóng bức suốt 8 tiếng, không làm chủ được thời gian của mình… và nói đùa một chút là xác định ế bền vững. Nhưng chưa phải là hết, qua lời nói của các thầy cô nó cảm thấy còn rất nhiều điều nằm sâu trong anh mà nó chưa biết, đến với anh đâu phải dễ. Nó cảm thấy các thầy cô thật giỏi, kiến thức về anh rộng vô cùng tận trong khi những gì nó biết về anh chẳng bao nhiêu.
Trước ngày hôm đó nó nghĩ yêu anh chỉ cần nấu ăn ngon là đủ nhưng nó đã nhầm. Anh không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ mà cần cả sự quan sát, óc thẩm mĩ. Muốn trở thành anh thực sự phải qua các lớp học về kĩ thuật chế biến và khả năng nhận biết mùi vị, biết sử dụng thành thạo các dụng cụ, nguyên liệu thực đơn từng món. Anh còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố như: Niềm đam mê, tính sáng tạo, lòng kiên trì, kiến thức chuyên môn vững chắc, sức khỏe tốt, khả năng làm việc trong môi trường áp lực cao… một trong những điều quan trọng nhất khi đến với anh là khả năng sáng tạo, bởi nấu ăn là một nghệ thuật mà chính nó phải là một người nghệ sĩ. Sáng tạo giúp nó phát triển, theo đuổi niềm đam mê và khẳng định thương hiệu của bản thân.
Buổi khai giảng kết thúc, nó cảm thấy rất vui nhưng lại có chút hụt hẫng. Nó vui vì học được rất nhiều điều, hiểu và cảm nhận về anh nhiều hơn. Hụt hẫng vì nó thấy mình nhỏ bé quá, nó thấy mình hiện tại như một giọt nước nhỏ giữa đại dương bao la rộng lớn kia, nó cảm thấy thật mệt mỏi, làm sao nó có thể với tới được anh. Chênh vênh, lạc lõng khi tiến cùng anh nó trông chờ bám víu vào bàn tay nâng đỡ của một ai đó. Nhưng cuối cùng con đường nó chọn nó vẫn phải tự bước đi, bởi nó hiểu được người giúp đỡ nó tốt nhất không ai khác ngoài chính bản thân nó. Người khác có thể chỉ đường cho nó, thậm chí dắt tay nó đi nhưng không ai có thể bước thay nó được, cũng không ai có thể đi cùng nó mãi mãi. Điểm tựa nào rồi cũng mất đi chỉ có bản thân mình mới là chỗ dựa vững chắc nhất. Mệt mỏi nhưng tình yêu đâu phải thiếu là đi tìm, thấy mệt là đổi. Cuộc sống là một cuốn phim mà chính nó sẽ là đạo diễn. Một cánh diều cả đời chỉ cần một sợi dây đầy mạo hiểm, sự ra đi của lá là theo tiếng gọi của gió hay là vì cây không níu kéo. Theo thời gian, tình yêu không ai có lỗi vơi ai chỉ có ai không trân trọng ai mà thôi. Bởi thế nó quyết tâm trân trọng anh và theo anh mãi luôn.
Qua ngày khai giảng, nó bước vào buổi học đầu tiên và hai tháng lướt qua nhanh chóng để hôm nay nó viết những dòng chữ đầu tiên về anh. Hai tháng học trôi qua nó gặp được rất nhiều giảng viên. Mỗi lần học nó thấy mình “sáng dạ” ra rất nhiều. Nó ngày một thấu hiểu anh, anh chỉ đơn thuần là tạo ra những món ăn. Muốn có một món ăn thực sự anh phải có tâm, khi anh trình bày món ăn ra dĩa, người thực khách phải cảm nhận được cái tâm của anh. Thomas Keller cũng từng nói: “Bản thân công thức chỉ là thứ vô tri vô giác, nấu ăn thực thụ là bạn phải thổi hồn cho mỗi công thức nấu ăn”. Thực sự là như vậy, một món ăn anh nấu ra phải hội tụ đủ ba ngon: “ngon” mắt, “ngon” mũi và “ngon” miệng. Thế anh chẳng khác gì người nghệ sĩ của màu sắc và hương vị.
Chưa dừng lại ở đó, anh còn biết rất rõ ẩm thẩm thực của từng vùng miền trên chính đất nước của mình và các nước trên thế giới. Để bước cùng anh nó phải tìm tòi, học hỏi rất nhiều điều. Ví dụ nó phải biết đặc trưng trong ẩm thực Việt Nam như sau: Đặc trưng về tính đa dạng trong chủng loại thực phẩm, đa dạng trong mùi vị món ăn. Đặc trưng về tính chất món ăn: Món ăn ít chất béo, ít cholesterol, hương vị đậm đà với các gia vị thuần túy Việt Nam nước mắm, hành, ngò, nghệ, gừng, sả… Đặc trưng về cách thức ăn uống: Dùng đũa để gắp và và thức ăn, món ăn dọn lên mâm cùng một lúc v.v.. hay nó phải biết những điểm tương đồng và khác nhau giữa ẩm thực Việt Nam và ẩm thực thế giới như: Ẩm thực truyền thống của các nước Đông Nam Á là sự pha trộn các loại gia vị, hương vị ngọt, chua và nóng… thành phần chủ yếu là gạo và cũng từ đó tạo ra những món ăn khác nhau với hương vị độc đáo. Và ngay gần nhất là giữa các vùng miền trong nước: Tuy có những mặt khác nhau trong đặc điểm món ăn từng miền, nhưng món ăn của ba miền nước ta nhìn chung vẫn có những điểm tương đồng, thể hiện qua cơ cấu bữa ăn, qua các nguyên tắc chế biến. Đó là đặc điểm của nước dùng, nước mắm, gia vị hỗn hợp, rau phong phú và các loại nước chấm chế biến đa dạng phù hợp với từng món ăn. Nếu như món ăn phương Tây có sự phong phú của các loại sốt thì món Việt Nam luôn làm người ta bất ngờ với các món nước chấm. Ăn thịt luộc phải có nước mắm, cá trê nướng hoặc chiên dùng với mắm gừng, chả giò hây bún thịt nướng dùng với nước mắm chua ngọt v.v..
Còn nhiều, rất nhiều thứ mà nó cần học để sánh vai cùng anh. Nó cần nỗ lực không ngừng bởi nó nghĩ không có thứ gì là ổn định, đến những doanh nghiệp lớn còn có thể bị phá sản thì không gì đảm bảo cho sự ổn định cả, nó sẽ không bao giờ trông chờ vào một sự ổn định nào cả, đến trái đất còn phải quay không ngừng nghỉ quanh mặt trời và tự quay quanh trục thì tất cả mọi vật cũng phải chuyển động. Nhìn những con vịt lướt trôi trên mặt nước rất thư thả nhưng thực ra chân chúng đang đạp không ngừng nghỉ, vì thế một con vịt ném đột ngột xuống mặt nước nó sẽ chìm ngay chứ không nổi. Bởi vậy nó quyết tâm mình sẽ như con vịt kia phải vận động, phải nỗ lực không ngừng, nó sẽ không dựa dẫm, bám víu vào bất kì ai hay bất kì điều gì. Một con sâu phải tự phá cái kén của mình mới hóa thân thành một con bướm xinh đẹp, nó sẽ phải tự mình dũng cảm xé bỏ cái kén đã bọc mình để trưởng thành cùng anh. Nó nhớ đến một câu của nhà thơ người Pháp Paul Valéry: “Gió đã nổi chúng ta vẫn phải sống!” những ngọn gió của cuộc đời không bao giờ lặng và chúng ta vẫn phải sống tiếp. Khi nó rèn luyện phát triển bản thân và dũng cảm bước ra khỏi vòng an toàn nó sẽ tự tin hơn rất nhiều trên bước đường cùng anh, dù cuộc đòi có đổi thay thế nào, xô nó đến đâu thì nó vẫ đủ sức để đói phó với biến động đó. Thiết nghĩ, nếu nó muốn sải cánh lên bầu trời, nó phải biết bay như chim. Nếu nó muốn lao ra biển lớn nó phải giỏi bơi lội như cá. Nhưng nó chỉ là một người bình thường, sống trên mặt đất và bước đi trên chính đôi chân mình, vì thế đã là con đường của nó thì nhất định nó phải tự bước đi.
Những cảm xúc, suy nghĩ của nó lớn dần theo năm tháng, cũng chính vì thế mà cuốn nhật kí tình đầu cũng dày thêm. Giờ nó sẽ cố gắng thật nhiều vì anh – người khiến nó viết nhật kí, nhật kí bắt đầu từ những cảm xúc hồn nhiên đến trưởng thành hơn. Hồi ức luôn đặc biệt. Đôi khi ta bật cười vì nhớ lại những ngày mình đã bật cười, đã lo lắng, đã khóc thế nào. Ngay bây giờ khi nó mới chạm tới tay anh, nó sẽ nỗ lực hết mình để sau này nó sẽ bật cười khi đọc lại những trang nhật kí đầu tiên.
LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Nguyễn Thị Hồng Lệ, Đơn vị công tác: Học viên trường Hướng Nghiệp Á Âu – Gửi tới cuộc thi viết Ngành Nhà hàng Khách sạn – Thử thách và Vinh quang do Chefjob.vn tổ chức!