Món Ăn Của Nội

Món Ăn Của Nội

Trong cuộc sống có nhiều ngã rẽ khác nhau, mỗi người định hướng cho mình một ngành nghề, một công việc khác nhau hoặc do cơ duyên sắp đặt hoặc do người nào đó khơi dậy đam mê trong bạn. Nhưng dù bạn làm ngành nghề nào, ở bất cứ vị trí nào thì điều không thể thiếu đó chính là ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết trong những công việc bạn làm hàng ngày.

Với tôi, nếu có ai hỏi tại sao lại theo nghề Bếp thì câu trả lời là từ nội, nội là người đã truyền cho tôi niềm cảm hứng vô tận với căn bếp. Khi còn bé, ba mẹ tôi thường đi làm xa, vắng nhà thường xuyên nên tôi hầu như chỉ ở với nội, gần gũi với nội. Từng bữa cơm gia đình đều là một tay nội chuẩn bị, nấu nướng. Dù đạm bạc nhưng những bữa cơm ấy đã gắn kết gia đình tôi. Bấy lâu nay, dù ai đi làm xa hay bận bịu vẫn luôn cố gắng về nhà để ăn một chén cơm của nội tôi, chén cơm được nấu từ những nguyên liệu giản đơn và nội cho thêm vào đó những nguyên liệu đặc biệt khác, là tấm lòng, tình yêu thương con cháu. Nội luôn dặn tôi rằng dù tôi là sau này có là ai, có theo nghề Đầu bếp thì cũng luôn phải nhớ một điều: “Mọi thứ nguyên liệu đều có thể tự nêm nếm vào được tuy nhiên chỉ có một thứ nguyên liệu duy nhất mà ít người Đầu bếp nào có thể cho vào đó chính là trái tim”.

Cũng từ chính những bữa cơm đó đã âm thầm ấp ủ cho tôi một ngọn lửa đam mê, dường như trong vô thức tôi không thể nhận biết được tôi đã yêu cái nghề được xem như là “Ông Táo” này từ lúc nào. Có lẽ là từ những món ăn đầu tiên do chính tay mình nấu ra, khi nếm thử tôi cảm thấy như có hình ảnh của nội đang ân cần hiện lên luôn hướng dẫn tôi. Hoặc có lẽ là khi thấy gia đình ăn những món ăn mình nấu ai cũng tấm tắc khen ngon. Đó cũng là điều hạnh phúc nhất đối với tôi từ lúc nhỏ cho đến tận bây giờ, khi đã theo nghề Đầu bếp. Niềm vui của người làm bếp đơn giản lắm, chỉ cần thấy nụ cười trên môi những thực khách và sự ngạc nhiên trong ánh mắt của họ là đã rất hạnh phúc rồi. Người ta gọi Đầu bếp cũng là “những con người kết nối với thế giới thông qua những món ăn”.

Niềm vui thì nhiều, nhưng nỗi buồn thì cũng lắm. Khi mọi người đang vui chơi cùng nhau vào những ngày cuối tuần thì đó là lúc những Đầu bếp đang đỏ lửa nấu ăn giúp mọi người có một cuối tuần hạnh phúc. Những ngày lễ là những ngày sum họp bên gia đình thì Đầu bếp lại đang truyền tâm hồn mình vào những món ăn, để những giây phút sum họp của mọi người thêm phần ấm cúng. Nghề Bếp là nghề vốn vất vả khi đắm mình làm việc lúc thành phố lên đèn và về nhà khi trời đã tờ mờ sáng.

Nơi tôi làm việc đầu tiên là một nhà hàng Teppanyaki vốn có tiếng ở Sài Gòn. Thoạt nhìn những Đầu bếp ở đây không khác gì người bình thường là mấy nhưng khi đứng trước bàn Teppan họ lại là một người nghệ sĩ, một “phù thủy” của hương vị. Họ luôn đem đến cho những thực khách của mình những hương vị tinh túy nhất trong từng món ăn. Đằng sau những hương vị, những màn trình diễn hấp dẫn đó là những giọt mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu của chính mình. Ngày đầu tiên vào làm tôi được anh Quản lý bếp hướng dẫn rất tận tình, tuy anh ấy hơi khó tính nhưng chính nhờ sự khó tính ấy, tôi lại học được những bài học về tính cẩn thận, những điều mà trường lớp thầy cô không ai có thể chỉ dạy cho tôi. Dù trong công việc, anh ấy khá khó tính nhưng trong những giờ phút nói chuyện, tán gẫu, anh vô cùng vui tính và dễ gần. Tôi thuộc kiểu người khá chậm chạp nên hơi khó thích nghi với môi trường làm việc mới này. Nhờ có những lời động viên của mọi người xung quanh nên tôi đã luôn cố gắng không ngừng để hoàn thành các công việc được giao một cách nhanh chóng. Đối với tôi hoặc những người đã đang hoặc sẽ là một nghệ nhân của ẩm thực thì có lẽ niêm đam mê, sự tìm tòi, tính sáng tạo là không thể thiếu để tạo nên một Đầu bếp thực thụ. Tôi yêu nghề bếp và yêu cả con người dẫn tôi đến với nghề này. Con yêu nội!

Cảm ơn các bạn đã đọc bài tâm sự này của tôi!


 LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Trần Kim Khánh – Gửi tới cuộc thi viết Ngành Nhà hàng Khách sạn –  Thử thách và Vinh quang do Chefjob.vn tổ chức!

Bài Viết Liên Quan