Nghề Lễ Tân Khách Sạn Và Những Nỗi Khổ Không Phải Ai Cũng Hiểu

Nghề Lễ Tân Khách Sạn Và Những Nỗi Khổ Không Phải Ai Cũng Hiểu

Lễ tân là công việc tôi từng rất thích từ khi còn học cấp 3, trong một lần có dịp đi khách sạn cùng gia đình, tôi đã rất ấn tượng với các chị Lễ tân, vừa xinh đẹp lại ăn nói vô cùng khéo léo. Thế nhưng, học xong cấp 3, tôi không theo nghề Lễ tân mà lại chọn học Đại học một ngành khác. Một phần vì sự phản đối của ba mẹ, phần khác vì cả tôi khi đó cũng nghĩ rằng, nghề Lễ tân khá bấp bênh, không chắc chắn. 4 năm Đại học và 1 năm đi làm trong ngân hàng, tôi càng ngày càng nhận ra mình không phù hợp, không yêu thích với công việc suốt ngày phải xoay vòng trong những con số. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định đổi nghề sang Lễ tân.

Lúc đó, nhờ một chút “vốn liếng” tiếng Anh tích góp được khi còn học Đại học và đi làm, tôi may mắn được tuyển vào một khách sạn lớn tại Q.1. Mọi thứ ở vạch bắt đầu chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, đến cả cách búi tóc tôi còn phải tập mấy ngày liền mới có thể làm thành thạo. Nhưng điều khiến tôi lúng túng nhất đó chính là cách giao tiếp với khách hàng. Mỗi ngày tôi phải tiếp xúc với khoảng 200 – 300 người và phải luôn giữ nụ cười vui vẻ, tươi tắn để khiến khách hài lòng.

nghe le tan khach san va nhung noi kho
Mỗi ngày, tôi đều đứng ở khu vực này đón tiếp khách để mang đến cho họ những trải nghiệm vui vẻ

Công việc chủ yếu mỗi ngày của tôi đó chính là chào đón và tiễn khách, hướng dẫn khách làm các thủ tục check in/ check out, tư vấn các dịch vụ để khách sử dụng, giải quyết bất kỳ các phàn nàn, yêu cầu nào của khách, tiếp nhận điện thoại của khách hàng, của đối tác… Nghe thì có vẻ dễ dàng, đơn giản, chỉ cần đứng tại chỗ và nói là xong, thế nhưng, có đi làm rồi mới hiểu, nghề Lễ tân cũng như “làm dâu trăm họ”. Những cô nàng, anh chàng Lễ tân lúc nào cũng rạng ngời tươi tắn, ăn mặc sạch đẹp chỉnh tề ấy đều có những lúc tưởng như phải bỏ nghề vì quá áp lực.

Khách hàng mỗi ngày đều rất đông và đương nhiên, không thể thiếu những vị khách khó tính. Họ phàn nàn, cằn nhằn kể cả khi đó không phải lỗi của nhân viên Lễ tân nhưng tôi và đồng nghiệp đều phải vui vẻ lắng nghe, kiên nhẫn giải thích. Những thắc mắc bất tận, những yêu cầu đôi khi vô lý của khách hàng nhiều lúc khiến tôi như muốn bỏ về nhưng không thể. Nhiệm vụ của chúng tôi là mang lại cho khách sự hài lòng cao nhất. Vậy nên, dù ở bất cứ tình huống nào, chúng tôi đều phải nhẹ nhàng, lịch sự và niềm nở.

Tình huống mà tôi thỉnh thoảng vẫn gặp đó chính là nửa đêm, khách sẽ gọi điện hoặc chạy đến quầy Lễ tân và khẳng định rằng khách sạn này có… ma. Tôi phải cố gắng để thuyết phục rằng đó chỉ là ảo giác do khách đã có một ngày mệt mỏi. Có người tin, có người không tin và nhất quyết đòi đổi phòng dù đang nửa đêm, khách sạn đã kín phòng. Rồi có một lần một vị khách ăn mặc sang trọng vào khách sạn và nói rằng ông ta đã đặt phòng tại đây. Trong khi đó, tôi tìm kiếm trên hệ thống bằng họ tên khách, tên công ty nhưng không ra thông tin đặt phòng. Tôi thông báo với khách và nhận về một tràng những lời chê bai về cách phục vụ, thái độ làm ăn vô trách nhiệm… và đòi gặp sếp. Sau đó mới biết vị khách này đi nhầm khách sạn.

Ngoài những rắc rối về công việc thì chuyện khách trêu đùa, nhắn tin, gọi điện và đòi hẹn hò Lễ tân cũng là những chuyện thường gặp. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhận những dòng tin nhắn của khách rằng họ “say nắng” tôi, họ muốn hẹn tôi đi ăn tối, đi café… và mỗi lúc như vậy, người yêu tôi lại ghen bóng gió và muốn tôi nghỉ công việc này. Tôi cũng phải tìm cách để thuyết phục người yêu.

Dù thường xuyên phải đối diện với những tình huống “dở khóc dở cười” nhưng không thể phủ nhận, nghề Lễ tân mang đến cho tôi nhiều điều tuyệt vời. Đó không chỉ là niềm vui, hạnh phúc khi được làm công việc mình thích, đó còn là những bài học về cách ứng xử, giao tiếp, tính kiên trì… Tôi được tiếp xúc với nhiều người hơn đến từ nhiều nơi khác nhau, có thêm những kiến thức về văn hóa của các địa phương và các quốc gia khác để làm vốn sống cho mình. Điều đặc biệt nhất khi làm nghề Lễ tân với riêng tôi có lẽ là mỗi ngày đều như một món quà, tôi không hề biết mình sẽ nhận về món quà gì, chỉ biết háo hức mở từng lớp giấy để đón nhận.

Đến thời điểm hiện tại, đã hai năm tôi theo nghề Lễ tân và tôi vẫn tự hỏi mình rằng, tôi còn yêu nó không, còn muốn gắn bó không. Thật mừng vì câu trả lời là có, mọi thứ vẫn vẹn nguyên như ban đầu. Mỗi ngày khi trên đường đi xe đến chỗ làm, tôi lại nghĩ đến câu nói quen thuộc: “Chào mừng quý khách đến với khách sạn của chúng tôi. Tôi có thể giúp gì cho quý khách”, tôi lại nghĩ đến nụ cười, câu cảm ơn từ khách và mỉm cười vui vẻ để bắt đầu một ngày mới.


LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Hồng Thu – gửi tới cuộc thi viết Ngành Nhà hàng Khách sạn –  Thử thách và Vinh quang do Chefjob.vn tổ chức!

Bài Viết Liên Quan