Nhật Ký Bếp Khè - Chefjob.vn

Nhật Ký Bếp Khè

Tôi còn nhớ những ngày học cuối cùng năm 12, trong lúc bạn bè lao xao kể nhau nghe về kế hoạch tương lai, tôi lại thấy mình lạc lõng. Với bản tính phiêu lưu và háo hức khám phá, tôi biết cánh cửa đại học không thể là nơi để tôi khởi đầu tương lai của mình. Tôi quyết định đi du học để được trải nghiệm cuộc sống xa xứ. Và rồi ước mơ ngao du của tôi cũng được chắp cánh với ngành học Nhà hàng – Khách sạn ở Úc. Tôi đã đến với nghề bằng một lựa chọn ngẫu hứng như vậy – không có sự tìm hiểu, càng chưa phải là đam mê.

nhat ky bep khe 2

Đặt chân sang xứ người, tôi quyết định đi làm thêm và được nhận công việc cơ bản nhất trong nhà hàng: Rửa chén dĩa. Ngày đó, có lúc tôi tưởng như mỗi lần ụp chiếc chén xuống, thất vọng khi nhìn quanh khắp gian bếp đầy mùi dầu mỡ, tôi sẽ bỏ cuộc. Chính cái cảm giác chông chênh nghi hoặc vào lựa chọn của chính mình đã khiến tôi chùn lòng. Nhưng, như sau cơn mưa bầu trời luôn trở về với những tia nắng ấm sao, sự tuyệt vọng đó cũng đến lúc biến mất. Một ngày nọ, tôi tin rằng tổ nghề đã chọn và cho tôi một cơ hội.

Cò mồi lửa

Buổi ăn trưa hôm đó chú Đầu bếp chính trong nhà hàng tôi đột nhiên than vãn: “Mày ơi thời gian tới nữa chắc là bếp mình thiếu thợ rồi, ổng nghỉ hưu luôn chứ không làm nổi, ổng

nói ráng vài ba tháng nữa để tao kiếm người thôi”. Mình cũng ậm ờ nghe chuyện rồi tự nhiên chú vỗ vai nói “Ủa Hải mày đang học ngành gì?” –“Dạ Nhà hàng – Khách sạn” –“ Cụ thể học cái gì?”- “Dạ con mới học chung chung chú ơi, chưa biết theo cái nào nữa”- “Theo nấu ăn đi, trường dạy mày chữ, tao dạy mày làm”. Thằng rửa chén đang ngấu nghiến bữa trưa của mình vẫn chưa biết kể từ giây phút đó, cuộc đời nó vừa thực sự sang một trang mới.

Chú không phải nói đùa, chú muốn tìm người để làm thợ phụ cho mình thật. Bất chấp cả việc tôi chỉ là đứa lơ ngơ láo ngáo chưa có một chút kinh nghiệm bếp núc nào, chú chỉ hỏi tôi một câu: “Mày chịu cực nổi không?”, tôi gật cái rụp. Chú liền tay cho tôi một rổ hành tây và nói: “Cái nghề nào cũng như một cái cây, muốn có quả ngon để hái trên ngọn cây, mày phải biết chăm cây từ rễ”. Ngày hôm đó tôi đầm đìa nước mắt cùng rổ hành tây, tôi hay nghĩ vui đó là những ngày mình đã thực sự dùng nước mắt để tưới cho hạt mầm Nghề vừa ươm của bản thân.

nhat ky bep khe

Mỗi ngày tôi đến sớm trước khi quán mở cửa đón khách tầm hai tiếng, chạy loanh quanh cho những khâu như cắt thái rau củ quả, đong đo nguyên liệu cho món ăn. Những lúc chú nêm nếm hương vị, chú vẫy tôi đến để thử. Chú hỏi tôi mùi vị như thế nào, ngọt nhạt ra sao và chỉ tôi cách cùng điều chỉnh cho đến đúng hương vị hoàn hảo mà nhà hàng phục vụ cho thực khách. Có những lúc bắt gặp tôi chăm chú vào những “thử nghiệm” nho nhỏ của mình, chú bếp chọc nói “Thằng Hải bị nghiện nghề rồi nè”. Cũng không biết từ bao giờ tôi bắt đầu quan tâm những bài báo mẹo vặt bếp núc, cách lựa nguyên liệu thực phẩm cũng thói quen khi thưởng thức muỗng đầu của bất kì món ăn nào, đều chậm rãi giữ thức ăn trên lưỡi để cảm nhận hương vị. Mấy tháng trôi vèo, chú bếp báo còn một tháng nữa thôi là bếp thiếu thợ thật rồi, cả đội lao xao vì chỉ mở một lò thì nhà hàng không kịp phục vụ khách. Đó cũng là lúc tôi để mình vào thử thách đầu tiên của nghề: Đứng bếp như một người thợ.

Dù rằng mấy tháng qua tôi luôn cố gắng để quan sát cách các thợ nấu trong nhà hàng thao thác với chảo gang, cách trải gia vị lên nguyên liệu khi chế biến nhưng hôm đầu tiên được đứng ở vị trí thợ nấu, tôi lua khua đến vuột cả giá xào vào cái chảo gang to đùng, mắt cay xè vì mồ hôi và cái nóng hừng hực ập vào mặt khi đứng lò, đến cuối ngày cả cánh vai mỏi nhừ vì lập đi lập lại những động tác xào thức ăn, chưa kể mùi dầu mỡ ám trọn cả thân thể. Tuần làm việc đầu tiên, tôi nhận được vô số lời phàn nàn của thực khách về hương vị món ăn: Lúc mặn quá, khi ngọt quá, còn lúc lại không có cả mùi vị… Sự tự tin cho sự chuẩn bị mấy tháng nay của tôi bay biến mất. Đến một hôm gần đóng bếp, tôi mạnh dạn lại hỏi chú, “Chú ơi chỉ con cách làm sao nêm nếm cho ngon đi chú?”. Chú gỏn gọn chỉ tay về ô kính phía trên cánh cửa bếp – vách ngăn giữa khu bếp và khuôn viên của thực khách: “Mày nhìn ra ngoài đó đó”.

nhat ky bep khe 1

Giờ tôi mới hiểu sao đôi lúc chú lại chạy đến ô cửa đó quan sát. Muốn tạo ra món ngon, phải biết ai là người thưởng thức món ăn đó. Văn hoá ẩm thực rất phong phú, thức ăn đúng khẩu vị mỗi người ắt tự thành món ngon với họ. Tôi nhận ra lúc bạn biết trân trọng khẩu vị của thực khách thì lúc đó những kĩ thuật chế biến mới trọn vẹn. Đặt cái tâm vào nghề là cách để bạn đồng hành cùng con đường mình đã chọn một cách bền lâu.

Lửa cháy

Thấm thoắt, tôi hoàn thành khoá học ngắn hạn của mình. Tôi trở về Việt Nam để khởi đầu một cuộc hành trình mới. Lần nay tôi không tuỳ chọn ngẫu nhiên nữa, nghề Bếp sẽ là chọn lựa bằng sự đam mê đang nhen nhóm trong tôi. Khi vừa về nước, tôi đăng kí ngay khoá học ở trường nghề Hướng Nghiệp Á Âu để tự trang bị cho mình những kĩ năng mà một người đầu bếp phải có. Những ngày tháng đó

trở thành vô giá trong cuộc đời tôi. Tôi miệt mài tìm hiểu sự đa dạng trong nền văn hoá ẩm thực của các nước trên thế giới và nhận ra câu nói: “Con đường ngắn nhất đi đến trái tim là đi qua dạ dày” quả không ngoa. Khi bạn đặt chân đến một vùng đất mới như một khách lữ hành, thứ bạn tìm đến nhanh nhất chính là đặc sản vùng miền đó. Với quan niệm tìm hiểu để biết sự khác biệt, để làm nổi bật hơn cho những món ăn châu Á, tôi thích thú học chế biến các món phương Tây dưới sự chỉ dẫn tận tâm của các giảng viên.

nhat ky bep khe 2

Có những am hiểu sâu rộng hơn về ẩm thực từ những khoá học ở HướngNghiệp Á Âu, tôi lại suy nghĩ đến việc trở lại trường nghề ở xứ bạn. Không những muốn hiểu về ẩm thực mà tôi nghĩ mình cần biết cả văn hoá của họ vì ẩm thực gắn liền với đời sống. Và lần này tôi chọn Canada làm điểm đến của mình, tôi đăng kí ngành học Culinary Art – Nghệ thuật ẩm thực. Giờ đây, tôi là cậu sinh viên mỗi sáng đều đặn đón chuyến bus đến trường để học hỏi những điều mình yêu thích và đam mê. Niềm vui của một thợ bếp chập chững vào nghề như tôi thực sự rất giản đơn, đó là những lần thực khách nói cảm ơn về bữa ăn, những tờ giấy góp ý về hương vị cũng được tôi nâng niu như báu vật.

nhat ky bep khe 3

Ẩm thực đã là một phần trong cuộc sống của tôi. Trải qua những ngày tháng đi tìm đam mê cho chính mình, tôi thường hay đùa ví mình như chiếc bếp khè – chiếc bếp trước tiên cần có một ngọn lửa mồi để giữa cho nó cháy âm ỉ và rồi sẵn sàng bùng cháy để tạo ra những món ăn ngon. Công việc để bắt đầu mỗi ngày của bạn là gì? Với tôi, tôi háo hức bắt đầu ngày mới của mình từ việc khò lửa cho chiếc bếp khè.


 LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Tô Hải – Gửi tới cuộc thi viết Ngành Nhà hàng Khách sạn –  Thử thách và Vinh quang do Chefjob.vn tổ chức!

Bài Viết Liên Quan