Mũ Đầu Bếp - “Giải Mã” Câu Chuyện Đằng Sau Chiếc Mũ Trắng Cao “Ngất Ngưởng” - Chefjob.vn

Mũ Đầu Bếp – “Giải Mã” Câu Chuyện Đằng Sau Chiếc Mũ Trắng Cao “Ngất Ngưởng”

Mũ Đầu bếp trắng không chỉ đơn thuần là chiếc mũ bình thường nhằm đảm bảo vệ sinh trong quá trình nấu nướng, với các Đầu bếp, chiếc mũ đã trở thành hình ảnh tượng trưng không thể thiếu đối với những người theo nghề này.

Bên cạnh chiếc áo bếp, tạp dề thắt ngang lưng thì mũ bếp cũng được xem là hình ảnh đại diện của bất kỳ người Đầu bếp nào. Bạn đã biết gì về mũ Đầu bếp? Nếu tò mò, hãy cùng Chefjob “giải mã” câu chuyện thú vị đằng sau chiếc mũ trắng cao “ngất ngưởng” ấy nhân ngày Quốc tế Đầu bếp 20/10 sắp tới.

cau chuyen ve mu dau bep trang
Câu chuyện về mũ Đầu bếp trắng, bạn có biết?

Mũ Đầu bếp và lịch sử của chiếc mũ trắng

Công việc của người Đầu bếp gói gọn trong gian bếp – nơi không chịu ảnh hưởng của nắng mưa, thế nhưng các Đầu bếp vẫn cứ đội mũ, bạn có biết vì sao không? Theo dấu chân của nghề Bếp vào đời Vua Henry VIII tại Vương quốc Anh, trong một lần dùng bữa, ông đã tìm thấy sợi tóc trong bát súp của mình. Chính vì thế, nhà vua đã vô cùng tức giận vì sự tắc trách của những người làm bếp. Do đó, ông đã bắt buộc tất cả những người Đầu bếp phải đội mũ để che đi phần tóc trong quá trình nấu nướng, tránh xảy ra sai sót. Kể từ đấy, ngoài chiếc áo bếp và tạp dề thường thấy thì người Đầu bếp có thêm chiếc mũ xinh trên đầu.

Đó là câu chuyện về chiếc mũ Đầu bếp ở Anh, còn với người Hy Lạp, họ cũng rỉ tai nhau một câu chuyện khác liên quan đến chiếc mũ trắng “huyền thoại này”. Đó là lúc Hy Lạp rơi vào giai đoạn loạn lạc vì chiến tranh, các Đầu bếp nổi tiếng đã phải nương nhờ tu viện – vì đây là nơi thiêng liêng bất khả xâm phạm. Họ phải mặc đồ đen, đội mũ đen giống như các tu sĩ, những người Đầu bếp chịu trách nhiệm nấu nướng trong tu viện để tỏ lòng biết ơn. Về sau, họ nhận ra cần có sự phân biệt giữa Đầu bếp và các tu sĩ trong tu viện nên đổi màu chiếc mũ đen thành trắng. Sau khi kết thúc chiến tranh, họ vẫn giữ nguyên chiếc mũ trắng như để nhắc nhở về quãng thời gian đó.

chuyen xoay quanh chiec mu dau bep trang
Có rất nhiều câu chuyện xoay quanh chiếc mũ Đầu bếp

Mũ Đầu bếp và những điều bạn chưa biết

Nếu bạn để ý một chút sẽ thấy mũ Đầu bếp có các nếp gấp. Các nếp gấp vốn dĩ đại diện cho các công thức nấu nướng mà Đầu bếp đạt được nhưng về sau, chi tiết này đã được tối giản đi để chiếc mũ bếp đẹp hơn. Bên cạnh việc giúp cho đầu tóc gọn gàng, thể hiện tác phong sạch sẽ thì chiếc mũ bếp bây giờ cũng thể hiện cho tính thời trang, thẩm mỹ lẫn sự khác biệt ở từng nhà hàng, khách sạn khác nhau.

Những Đầu bếp cá nhân của Thủ tướng Pháp đã đề nghị chọn màu trắng gắn liền với hình ảnh mũ bếp bởi trắng là gam màu hợp vệ sinh, đem lại cảm giác dễ chịu nhất cho khách hàng. Mặc dù tùy theo văn hóa ở từng nhà hàng, khách sạn, mũ bếp được thay thế bằng nhiều màu khác nhau cùng với đồng phục nhưng chiếc mũ Đầu bếp màu trắng vẫn là biểu tượng làm người ta nhớ đến nhất.

nhac nguoi dau bep nghi den mu trang
Nhắc đến người Đầu bếp, người ta sẽ nghĩ đến chiếc mũ trắng

Vào thế kỷ 18, chiều cao của mũ Đầu bếp sẽ tương xứng với năng lực và vị trí của người Đầu bếp trong thế giới ẩm thực. Và thực tế, đã có Đầu bếp đội chiếc mũ cao đến 18 inches. Tuy nhiên, vì có quá nhiều bất tiện khi đội chiếc mũ cao như thế nên người ta đã không còn xem chiều cao của mũ để đánh giá cấp bậc các Đầu bếp. Ngày nay, mũ Đầu bếp thường cao chừng 9 – 12 inches, thậm chí nhiều nơi còn thấp hơn nhằm giúp Đầu bếp không cảm thấy quá khó chịu và gò bó trong khi làm việc.

Khoác lên mình chiếc áo trắng, tạp dề và mũ Đầu bếp chỉn chu, người Đầu bếp vẫn bỏ qua hết những khó khăn, tận tình chế biến các món ăn ngon nhất dành tặng thực khách. Nhân ngày Quốc tế Đầu bếp 20/10 sắp tới, hãy dành tặng lại những điều tốt đẹp nhất gửi đến các Đầu bếp.

Bài Viết Liên Quan