Nghệ Nhân Ánh Tuyết: Lưu Giữ Tinh Hoa Ẩm Thực Kinh Kì Là Một Sứ Mệnh - Chefjob.vn

Nghệ Nhân Ánh Tuyết: Lưu Giữ Tinh Hoa Ẩm Thực Kinh Kì Là Một Sứ Mệnh

Được nhiều người ưu ái gọi là “cuốn sách sống” về nghệ thuật ẩm thực Hà Nội, nghệ nhân Ánh Tuyết luôn xem việc lưu giữ tinh hoa kinh kỳ là một sứ mệnh thiêng liêng. Mấy chục năm qua, nhà hàng gỗ của nghệ nhân Nguyễn Thị Ánh Tuyết là nơi “quen mặt” của thực khách trong lẫn ngoài nước yêu thích ẩm thực truyền thống Việt.

 nghe nhan nguyen thi anh tuyet
Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết (bên trái) luôn giữ đam mê với nghề làm bếp – Ảnh: Internet

Nghệ nhân Nguyễn Thị Ánh Tuyết là thế hệ thứ 7 của một dòng họ gốc tại Hà Nội trong gia đình làm quan vốn nổi tiếng nề nếp, bà may mắn thừa hưởng sự khéo léo trong nấu ăn của bà, của mẹ. Ngay từ lúc còn nhỏ, cô bé Ánh Tuyết đã được đã được giáo dục theo những quy chuẩn đức hạnh của người Hà Nội truyền thống. Ngọn lửa đam mê nấu nướng của cô Ánh Tuyết có lẽ đã được nhen nhóm từ những ngày thơ ấu đó.

Theo như cô Ánh Tuyết chia sẻ thì con đường nấu nướng chuyên nghiệp như một Đầu bếp thực thụ đến với cô như một cái duyên ngầm. Trong một lần biểu diễn món gà quay tẩm mật ong ở buổi họp lớp, mọi người đều khen nức nở và khuyên cô nên mở nhà hàng. Nhưng ý định đó vẫn chưa thực hiện. Cô về nhà bố mẹ đẻ ở Nguyễn Hữu Huân bán giò chả, được lòng khách hàng nên tiếng lành đồn xa. Tới năm 2001, cô tham gia hội chợ ẩm thực ở khách sạn Horison và được ngay huy chương vàng. Lúc này, cô mới thêm tự tin vào khả năng nấu nướng của bản thân. Đó cũng là tiền định cho sự ra đời của nhà hàng Ánh Tuyết sau này.

Hơn 60 năm đứng bếp, chỉ cần nhìn lông con gà là biết thịt nó mềm hay không

Đối với nghệ nhân Ánh Tuyết, người ảnh hưởng lớn nhất để cô theo đuổi con đường ẩm thực phải kể đến bà ngoại. Bà đã hướng dẫn cô từng chút một để khéo léo trong nữ công gia chánh. Cô nhớ lại có lần cô làm món gà om nấm, vừa tẩm gia vị xong đã đem rán ngay, nghe tiếng mỡ sôi nhanh, bà bèn cốc vào đầu cô một cái vì cái tội chưa để gia vị ngấm vào gà. Sự tinh tế, cầu toàn và cẩn trọng từng chút một đã giúp cô Ánh Tuyết có thêm nhiều hiểu biết và kỹ thuật chế biến món ăn truyền thống.

Giờ đây, trải qua hơn 60 năm đứng bếp, chỉ cần nhìn lông một con gà là cô Ánh Tuyết biết ngay thịt nó có mềm hay không.

hon 60 nam dung bep
Hơn 60 năm đứng bếp, ẩm thực đã trở thành phần không thể thiếu trong cuộc đời cô Ánh Tuyết
– Ảnh: Internet

Ẩm thực truyền thống là cốt hồn của dân tộc, cần được giữ gìn

Sự phát triển của ẩm thực là một lẽ tất yếu của cuộc sống, nhất là trong thời buổi hội nhập giữ các nền văn hóa như hiện nay. Cô Ánh Tuyết cho rằng sự xuất hiện của các loại ẩm thực nước ngoài vào Việt Nam là chuyện bình thường và mọi người có thể thoải mái lựa chọn đồ Tây, đồ Mỹ,… nhưng bản thân mỗi người việt nên giữ gìn cũng như phát huy ẩm thực truyền thống. Bởi nó là thứ tinh túy mà ông cha đã khai phá, hoàn thiện và truyền lại cho đời sau, làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt.

Người phương Tây cũng yêu thích và mê mẩn ẩm thực Việt là vậy thì sao người Việt lại nỡ “vứt bỏ hồn cốt”, để nó mai một như thế.

Nữ nghệ nhân với bàn tiệc thết đãi 21 nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị APEC

Trước 6 tháng diễn ra Hội nghị APEC 2017, nghệ nhân Nguyễn Thị Ánh Tuyết là người được chọn để lên thực đơn và nấu tiệc thết đãi 21 vị nguyên thủ quốc gia tại Đà Nẵng. Ngay sau khi nhận được thông báo, cô đã tận tâm lên rất nhiều món ăn, sau đó thì rút dần lại còn hai thực đơn. Để được chấp nhận, cô còn phải giải trình cho Phó Thủ tướng Phạm Bình Mình và một số Bộ trưởng là những người cùng tham gia duyệt về ý nghĩa, lý do vì sao chọn món này mà không phải món khác.

dau bep chuyen nghiep
Nghệ nhân Ánh Tuyết cùng đội ngũ Đầu bếp chuyên nghiệp chuẩn bị món ăn thết đãi
21 nguyên thủ quốc gia ở Hội nghị APEC vừa qua Ảnh: Internet

Để lên thực đơn, cô Ánh Tuyết đã tìm hiểu văn hóa của từng nước để biết người ta thích gì, kiêng gì, họ có ăn chay hay không,… và còn phải cân đối dinh dưỡng nữa. Thực đơn cuối cùng là những món tinh hoa trong nền ẩm thực Việt Nam đảm bảo tất cả các tiêu chí trên. Được tự tay chế biến món ăn cho 21 nguyên thủ quốc gia là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời làm bếp của cô Ánh Tuyết.

Và đó cũng là mong ước của những ai đang theo đuổi công việc Đầu bếp. Những tấm gương Đầu bếp hết lòng vì đam mê, dốc hết cả tâm sức để làm việc và nhận được “hoa thơm” như nghệ nhân Nguyễn Thị Ánh Tuyết là “ngọn hải đăng” cho những ai theo đuổi con đường “chơi với dao, đùa với lửa” này.

Bài Viết Liên Quan