Điểm hẹn lại lên, mỗi lần vòng quay thời gian cận kề đến rằm tháng Tám, mọi người khắp nơi lại háo hức đón chờ Tết Trung Thu. Khắp đất nước Việt Nam, ở mỗi nơi, mỗi vùng miền, mỗi gia đình lại có phong cách đón mừng khác nhau. Trung thu gần chạm ngõ, cùng Chefjob.vn khám phá nét Ẩm thực Trung Thu 3 miền Bắc – Trung – Nam nhé.
Trung Thu đối với trẻ nhỏ là mâm cỗ đầy ắp hoa quả, bánh kẹo hay tiếng trống múa lân rộn ràng khắp phố. Trung Thu với người lớn lại trở nên trầm mặc, ấm cúng hơn với bữa cơm quây quần của gia đình. Trải dài khắp mọi miền đất nước, mỗi vùng đất lại mang một nét Văn hóa, Ẩm thực riêng, để mỗi dịp Trung Thu về, những bức tranh lung linh tuyệt đẹp của Ẩm thực, của Văn hóa lại thi nhau khoe sắc.
Xem thêm: Đặc Trưng Ẩm Thực Miền Bắc, Miền Nam – Sắc Màu Của Văn Hoá
Cốm là nét Ẩm thực đặc biệt của miền Bắc trong dịp Trung Thu – Ảnh: Internet
Trung Thu miền Bắc – tinh tế và tròn đầy
Cái nôi của văn hóa Việt là nơi cảm nhận rõ nhất sự chuyển mình của tiết trời, nhất là mỗi dịp Thu sang. Thời điểm Trung thu đến, miền Bắc không còn cái nóng hanh hao của mùa hạ, cũng chưa đến mức lạnh lẽo như đông về. Khí hậu se se mát mẻ khiến nhiều người mong đợi một mùa Tết Trung Thu với cốm xanh, hồng vàng, bưởi ngọt,… và con đường rợp đầy lá vàng.
Phong tục trọng tình trọng lễ của người dân miền Bắc vẫn luôn in sâu, vì vậy bánh trung thu được lựa chọn, chăm chút từ rất sớm để dành tặng người lớn trong gia đình. Bánh thường được mang biếu các bậc trưởng thượng trong dòng tộc, gia đình, sau đó những hộp bánh thơm ngon lại được mang đến tặng láng giềng, bạn bè, đối tác khách hàng.
Tết Trung Thu của miền Bắc không thể thiếu cốm. Cốm được làm từ loại lúa nếp non, sau khi gặt về người ta rang chín lúa nếp, rang sảy cho hết trấu rồi giã đến khi thật dẻo. Cốm thơm nhẹ mùi sữa, hơi dai, vị ngọt của gạo nếp đọng lại khiến bạn khó lòng quên được. Ngày Tết Trung Thu cũng không thể thiếu món thanh mát như gỏi bưởi. Người dân nơi đây chọn múi bưởi mọng nước để trộn lẫn cùng thịt ba chỉ, tôm nõn, thêm ít rau răm, rau mùi,… Vị chua the của bưởi, tôm dai dai và thịt béo ngọt quyện cùng chút cay, thơm nồng của gia vị tạo nên món gỏi bưởi làm nhiều người không thể ngừng xuýt xoa.
Trung Thu miền Nam – ấm áp nghĩa tình
Ở vùng đất nổi danh với lối sống phóng khoáng, nơi lập nghiệp của những người con xa xứ này, mọi người đều sớm nô nức mua bánh trung thu gửi về gia đình ở xa. Trung Thu cũng là dịp để họ bày tỏ lòng biết ơn, sự quý mến với bạn bè đã cùng nhau gắn bó suốt thời gian vừa qua khi không có gia đình ở bên.
Bánh trung thu ở miền Nam rất đa dạng và phong phú – Ảnh: Internet
Miền Nam có một bộ phận người Hoa sinh sống, mang đến không khí tưng bừng cho cả khu vực rộng lớn. Người Hoa chuộng hai màu đỏ và vàng nên nếu có đến nơi sinh sống của người Hoa vào dịp Tết Trung Thu, bạn sẽ choáng ngợp bởi chiếc lồng đèn đủ mọi kiểu dáng, màu sắc và dễ dàng bị cuốn vào con phố rực rỡ này.
Bánh trung thu ở miền Nam thuộc loại đa dạng và phong phú nhất cả nước. Bánh trung thu được xem như thức quà gần gũi và giản dị với bất kỳ người dân Việt Nam nào. Loại bánh truyền thống được làm từ bột nếp, thịt mỡ, bí, đậu xanh,… được nhào nặn tỉ mỉ, nay đã được các nghệ nhân sáng tạo không ngừng, tạo nên chiếc bánh trung thu mới lạ. Bánh trung thu thưởng thức cùng một chút trà thì khiến người ta nhớ mãi không quên.
Trung Thu miền Trung – rực rỡ và sặc sỡ
Sự giao thoa văn hóa ở miền Trung đã tạo nên nét Ẩm thực đặc trưng ngay cả trong dịp lễ lớn như Tết Trung Thu. Ẩm thực Trung Thu miền Trung dung hòa giữa nét truyền thống tinh tế trong mâm cỗ miền Bắc và sự rộn ràng của văn hóa phương Nam. Người miền Trung đón Tết Trung Thu thiên về “hội” hơn là “lễ”. Không riêng trẻ em, mỗi dịp Tết Trung Thu về, người lớn cũng nô nức ra đường, hòa mình vào các trò chơi dân gian.
Với suy nghĩ khoai môn có khả năng diệt ác trừ tà, người ta còn ăn canh khoai môn trong dịp Tết Trung Thu với mong muốn xua tan điều không may và cầu mong một vụ mùa may mắn. Canh khoai môn nấu với thịt heo, sườn non hay tôm nõn đều rất ngon, không chỉ theo quan niệm trừ tà mà còn rất tốt cho sức khỏe gia đình bạn.
Tết Trung Thu ở miền Trung lung linh sắc đèn – Ảnh: Internet
Cứ mỗi dịp rằm tháng Tám về, không riêng vùng miền nào, các mâm cỗ ngày Tết Trung Thu vẫn không thể thiếu các loại bánh kẹo hay bưởi, hồng, dứa, chuối, táo,… Những mâm cỗ Trung Thu đầy màu sắc được trang trí hài hòa, đủ loại sẽ khiến ngày đoàn viên của gia đình trở nên ấm cúng lạ thường. Trung Thu lại sắp đến, Chefjob mong rằng bạn sẽ có một ngày Tết đậm nghĩa tình và hãy nhớ thưởng thức Ẩm thực đặc trưng của vùng miền bạn đang sinh sống nhé.
Tin liên quan