“Điều khiến Ẩm thực Việt Nam tuyệt vời và nổi danh chính là sự đơn giản của nó” – vị Đầu bếp người Pháp nổi tiếng với biệt danh “ông Tây nước mắm” đã nhận định như thế khi nói về tình yêu với Ẩm thực Việt. Hãy cùng Chefjob.vn gặp gỡ Didier Corlou và cùng nghe ông chia sẻ về tình yêu đặc biệt này nhé.
Didier Corlou – người không ngừng nghiên cứu, sáng tạo gia vị từ nước mắm của Việt Nam – Ảnh: Internet
Hơn 20 năm sinh sống tại Việt Nam, Didier Corlou đã có khoảng thời gian đủ dài để khám phá hết tinh hoa Ẩm thực Việt. Từ đó, ông quyết định gắn bó với mảnh đất này, phát triển những nguyên liệu, gia vị truyền thống, kết hợp với Ẩm thực Pháp quê hương ông để tạo nên nhiều món ăn hấp dẫn. Didier Corlou đã không ngừng quảng bá món ăn Việt ra thế giới và khẳng định tình yêu mãnh liệt của ông với nền Ẩm thực này.
Cơ duyên đưa Didier Corlou đến Việt Nam
Didier Corlou từng có 14 năm làm Bếp trưởng tại khách sạn Sofitel Metrolope Hà Nội, là bếp trưởng giành giải 5 Stars Diamond Award và thành viên Viện hàn lâm nấu ăn Pháp. Năm 1991, ông đến Việt Nam và thời điểm bấy giờ, Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng bởi hậu quả chiến tranh và chiến dịch cấm vận, không nhiều nhà hàng xuất hiện, cũng không nhiều người quan tâm đến Ẩm thực. Didier Corlou chia sẻ rằng, thời gian đầu đặt chân đến đây, ông mất khoảng một năm để lang thang các hàng quán và thưởng thức đủ loại món ăn Việt.
Vợ và gia đình vợ là những người đã giúp ông hiểu hơn về Ẩm thực Việt, công thức món ăn hay cách xây dựng thực đơn, tổ chức một bữa tiệc. Thời gian đầu làm Đầu bếp tại khách sạn Sofitel Metropole, ông thậm chí đã nhờ một người phụ nữ người Việt đến nhà hàng để chỉ dẫn cho ông cách sử dụng nguyên liệu cũng như công thức nấu món ăn Việt.
Nổi tiếng với biệt danh “ông Tây nước mắm”
Didier Corlou chia sẻ: “Điều thú vị của nước mắm Việt Nam là tất cả vi khuẩn trong nước mắm đều thể hiện vai trò của nó, đều có lý do tồn tại và đều có lợi cho sức khỏe. Nó cũng giống như các loại vi khuẩn biến sữa thành phô mai vậy”. Ông cho rằng hương vị khác nhau của các vùng miền ở Việt Nam như vị cay nóng của miền Trung, vị ngọt của miền Nam đều được kết nối bằng nước mắm. Ông đã dành thời gian nghiên cứu về loại gia vị này, thậm chí Didier Corlou còn tự tay tạo nên muối nước mắm – loại nước mắm cô đặc lại thành viên, và xuất khẩu về Pháp.
Xem thêm: Gia Vị Miền Nam: Ngọt Ngào Và Tươi Mát
Didier Corlou luôn cố gắng tìm hiểu gia vị của từng vùng miền ông đi qua – Ảnh: Internet
Didier Corlou tự nhận ông có tình cảm đặc biệt với các loại gia vị Việt và ông luôn cố gắng tìm hiểu gia vị ở từng vùng nơi ông đặt chân đến. Từ đó, vị Đầu bếp này sưu tầm và chế biến thành gia vị riêng của mình, điển hình như Hanoi 5 Spicies (5 loại gia vị Hà Nội), Corlou 3 Peppers (3 loại hạt tiêu hiệu Corlou), Saigon-Marseille, cà ri Hạ Long… Những gia vị này được xuất khẩu sang nhiều nước như Nhật, Pháp, Thái Lan, Hong Kong.
Quảng bá văn hóa Ẩm thực Việt ra thế giới
Didier Corlou cho rằng Ẩm thực của Việt Nam đang ngày càng phát triển và nổi tiếng trên thế giới. Trong thời điểm này, những gì các Đầu bếp cần làm chính là sáng tạo từ nền tảng cũ để Ẩm thực Việt thêm phần sống động. Didier Corlou hòa trộn hương vị toàn cầu cùng với văn hóa Ẩm thực của địa phương, mang đến điều mới mẻ lên bàn ăn của người Việt.
Hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, Didier Corlou không ngừng quảng bá Ẩm thực Việt không chỉ qua món ăn độc đáo mà còn bằng những trang sách. Sách của Didier Corlou được xuất bản ra nhiều thứ tiếng như tiếng Anh, tiếng Pháp, bao gồm: “Phở”, “Ẩm thực Việt Nam – Hà Nội”, “Việc nấu ăn trong gia đình người Việt”, “Món ăn Việt Nam của tôi”, “Nấu ăn với bếp trưởng Didier”, “Nước mắm”.
Món ăn của Didier Corlou nổi bật bởi sự kết hợp hai nền Ẩm thực Pháp – Việt – Ảnh: Internet
Sáng tạo trên nền tảng cũ là một phương pháp rất khó, làm thế nào để làm mới món ăn nhưng vẫn giữ được nét giản dị vốn có lại càng khó khăn hơn. Didier Corlou đã đến với Ẩm thực Việt bằng chính tình yêu với sự đơn giản ấy, không hổ danh là “ông trùm gia vị Việt”, Didier Corlou đã thổi một cái hồn mới vào các món ăn Việt và đưa chúng lên một tầm cao mới, đánh dấu một nét đặc sắc trên bản đồ Ẩm thực quốc tế.
Tin liên quan