Xuất phát là dân Sư phạm Ngoại ngữ thế nhưng bằng đam mê, tình yêu dành cho ẩm thực, chị Nguyễn Thanh Vân đã quyết định đi theo nghề Bếp, trở thành Bếp phó của một khách sạn nổi tiếng và cũng là người được giao trọng trách nấu ăn cho nhiều nguyên thủ nước ngoài.
Bếp núc không là lãnh địa của riêng ai, đó là nơi dành cho bất kỳ người nào có niềm say mê đặc biệt với ẩm thực. Bên cạnh những Đầu bếp nam thành công cả trong và ngoài nước như Dương Huy Khải, Trần Văn Hai, Phạm Tuấn Hải… vẫn có những nữ Đầu bếp giỏi giang, đóng góp nhiều thành tích vô cùng ấn tượng trong lịch sử ẩm thực Việt. Trong đó, Nguyễn Thanh Vân là cái tên được nhiều người biết đến.
Học Sư phạm và… đi làm Bếp
Nguyễn Thanh Vân vốn là dân Sư phạm Ngoại ngữ, sau khi tốt nghiệp, ai cũng nghĩ chị sẽ theo nghề dạy học như đã lựa chọn. Tuy nhiên, chị lại chọn một con đường khác, xin vào làm việc tại khách sạn Metropole Hà Nội năm 1992. Thời bấy giờ, Metropole Hà Nội mới vừa được thành lập trên cơ sở liên doanh giữa khách sạn Thống Nhất với Tập đoàn Accor của Pháp, chỉ chuyên phục vụ các món Âu. Trong khi đó, người giỏi ngoại ngữ, biết tiếng Pháp lại rất ít nên với trình độ tiếng Pháp đã qua đào tạo bài bản, chị Vân được nhận ngay vào vị trí Trợ lý Bếp trưởng. Công việc chính của chị lúc đó là phiên dịch, truyền đạt những thông tin từ Bếp trưởng đến nhân viên, đồng thời hỗ trợ Bếp trưởng lên thực đơn, viết ra giấy công thức chế biến món ăn…
Cơ duyên đưa chị đến với nghề Bếp cũng rất tình cờ. Trong những lần chuyển ngữ khá khó khăn, nhân viên không hiểu hết ý của Bếp trưởng, chị Vân đành bắt tay vào tự làm món ăn. Cái thú với ấm thực, sở thích nấu ăn cứ vậy mà “ngấm” vào người chị lúc nào không hay. Cộng với sự nhanh nhẹn, giỏi tiếp thu, ham học hỏi, chị Vân lĩnh hội các kiến thức, nghiệp vụ nghề Bếp rất nhanh và trở một Đầu bếp chuyên nghiệp.
Năm 1994, Nguyễn Thanh Vân là nữ Đầu bếp đại diện cho Việt Nam tham dự giao lưu ẩm thực quốc tế tổ chức tại Singapore. Tại buổi giao lưu này, chị đã trổ tài với các món ăn truyền thống của Việt Nam như phở, nem, nộm… và nhận được sự ủng hộ, yêu thích đặc biệt của bạn bè quốc tế. Sau khi trở về, khách sạn Metropole Hà Nội quyết định mở thêm bếp Á, chủ đạo là món ăn Việt. Chị Vân cũng một số Đầu bếp khác được học thêm các món châu Á và món Việt ba miền để chế biến, phục vụ thực khách.
Nữ Đầu bếp chuyên nấu ăn cho các nguyên thủ quốc gia
Năm 1996, khi Bếp trưởng nổi tiếng Didier Corlou về làm việc tại Metropole Hà Nội, ông đã tập trung nhiều hơn đến món ăn Việt Nam. Ông cùng chị Vân quyết định đi sâu tìm hiểu các món ăn từng vùng miền, làm các dự án phát triển món ăn Việt, tham dự các chương trình giao lưu ẩm thực tại nhiều nước trên thế giới và hoàn thiện cuốn sách “Món ăn Việt của tôi”. Cuốn sách này cũng đã góp phần đưa ẩm thực Việt đến với thực khách nhiều nước trên giới, quảng bá rộng rãi nền ẩm thực độc đáo, đa dạng của Việt Nam.
Với những đóng góp cho Metropole Hà Nội nói riêng và ẩm thực Việt nói chung, chị Vân được đảm nhận vị trí Bếp phó Metropole và được Chủ tịch Viện Hàn lâm Ẩm thực Pháp Gerard Dupont trao giấy chứng nhận là Viện sỹ của Viện hàn lâm.
Năm 1997, khi Tổng thống Pháp Jacques Chirac sang Việt Nam và ở tại khách sạn Metropole, chị Nguyễn Thanh Vân được tin tưởng giao trọng trách nấu ăn cho Tổng thống. Chị đã chú tâm làm những món thuần Việt như nem rán, nộm hoa chuối… để quảng bá ẩm thực Việt. Sau đó, trong các dịp tiếp đón các nguyên thủ quốc gia khác như Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Thủ tướng Nhật Bản Kosumi, Thái tử và công chúa Thái Lan, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân… chị Vân đều là người lên thực đơn và tự tay chế biến món ăn. Mỗi lần như vậy, chị đều phải suy nghĩ làm sao để truyền tải tinh thần hữu nghị qua từng món ăn. Thế là chị thiết kế nên món ăn Việt được chế biến theo phong cách, khẩu vị của quốc gia được tiếp đón và chị gọi nôm na đó là “Món ăn hữu nghị”.
Người phụ nữ bé nhỏ với cốt cách người Tràng An nhẹ nhàng, thanh lịch ấy có sức hút vô cùng đặc biệt khi đứng bếp, từ sự tỉ mẩn trong cách chọn nguyên liệu, tinh tế trong kỹ thuật chế biến nhưng cũng không kém phần sôi nổi, tràn đầy đam mê khi nói về nghề. Với chị, “mỗi người Đầu bếp là một sứ giả để quảng bá nét tinh hoa của ẩm thực Việt ra ngoài thế giới”.
Hơn 20 năm theo nghề, không ngừng nỗ lực để mang đến cho thực khách những món ăn tuyệt vời nhất và đưa món ăn Việt đi khắp năm châu, nữ Đầu bếp vẫn không thôi trăn trở làm thế nào để ẩm thực Việt Nam được nhiều người biết đến và trân trọng hơn nữa.