Bỏ ngang công việc ở tuổi 28 để bắt đầu lại mọi thứ từ vạch xuất phát vì hai từ đam mê, Phạm Vũ Anh Thy chưa từng hối hận. Dẫu đó là ngã rẽ tình cờ của tạo hóa hay chính tay nắm bắt vận mệnh, trái tim nhiệt huyết của người Đầu bếp vẫn đang rực lửa trong lồng ngực Anh Thy, giúp Anh Thy kiên trì đi tìm hạnh phúc với ẩm thực.
Có người may mắn tìm thấy đam mê ngay khi còn nhỏ nhưng cũng có người đi gần hết nửa đời người mới biết được nhịp đập trái tim hướng về đâu. Với Phạm Vũ Anh Thy, hành trình đến với nghề Bếp không phải là một đường thẳng mà được bắt nhịp từ những lối rẽ. Nhưng với sự kiên định và quyết tâm, Anh Thy đã minh chứng việc theo đuổi đam mê chưa bao giờ là muộn. Ngay bây giờ, hãy cùng Chefjob lắng nghe những lời chia sẻ chân thành của Anh Thy về nghề Bếp, bạn nhé.
Đam mê chính là động lực mạnh mẽ để Anh Thy theo đuổi nghề Bếp – Ảnh: NVCC
Chào Anh Thy, Anh có thể giới thiệu một chút về mình và chia sẻ cơ duyên nào đã đưa Anh đến với nghề Bếp?
Anh Thy đã từng trải qua rất nhiều công việc khác nhau trước đây như bán hàng, thiết kế, marketing, quản lý, mở quán ăn,… nhưng đến năm 28 tuổi, Anh Thy phát hiện ra đam mê về ẩm thực. Thế là Anh Thy đã mày mò tự học và làm theo cá video trên youtube. Mới đầu chỉ là cách cắt tỉa đơn giản và trang trí thức ăn. Sau đó càng có hứng thú với công việc nấu nướng, Anh Thy quyết định đi học để được đào tạo bài bản.
Anh Thy đã học khóa Bếp trưởng Điều hành Bếp nóng lẫn Bếp bánh và cả Pha chế tại Hướng Nghiệp Á Âu. Học xong Thy đi làm cho một nhà Pháp, đến năm 2016, Thy đăng ký khóa học Cao đẳng nâng cao tại trường Le Cordon Bleu tại Úc để trau dồi tay nghề. Hiện tại, Anh Thy vừa đi học và vừa làm Head Chef cho hệ thống Dessert Story tại Melbourne – Úc.
Anh Thy vẫn đang nỗ lực học hỏi nâng cao tay nghề ở nước Úc xa xôi – Ảnh: NVCC
Nghề Bếp rất vất vả, Chefjob tin chắc con đường này không chỉ trải mỗi hoa hồng. Anh có thể chia sẻ một chút về khó khăn mà mình gặp phải và làm thế nào để Anh vượt qua nó?
Anh Thy nghĩ chắc ai theo đuổi nghề Bếp cũng cảm thấy công việc này “bạc” lắm mà cũng hạnh phúc lắm. Muốn trở thành Đầu bếp chẳng phải dễ, bạn cần bắt đầu từ vị trí phụ việc thấp nhất nên lương sẽ không cao; trong phòng bếp luôn ồn ào, nóng rực; áp lực từ khách hàng, cấp trên, đồng nghiệp;… nên mệt mỏi là chuyện bình thường. Nhưng khi học hỏi thêm được điều mới để trau dồi kiến thức, kỹ năng, nghĩ đến thành phẩm được làm ra bằng cả tâm huyết được khách hàng đón nhận vui vẻ, Anh Thy lại thấy tự hào về nghề mình và tiếp tục theo nó.
Trong nghề Bếp, Anh nghĩ yếu tố để trở thành một Đầu bếp thành công là gì?
Nhẫn nại, kiên định, siêng năng, luôn lắng nghe và học hỏi, cư xử đúng mực,… sẽ là những “viên gạch” tốt giúp Anh Thy và cả bạn chạm đến thành công trong nghề Bếp.
Anh Thy có thể chia sẻ cho Chefjob và các bạn biết về môi trường làm việc nghề Bếp tại Úc không?
Theo trải nghiệm của Anh Thy, môi trường làm việc ở Úc rất gắt gao. Ngoài giờ giải lao theo quy định thì lúc nào bạn cũng phải tập trung hết mình để hoàn thành công việc từ những điều nhỏ nhất. Nhưng cũng nhờ vậy mà bản thân mình mới tốt lên từng ngày và trở thành Đầu bếp chuyên nghiệp. Anh Thy đánh giá cao tinh thần và trách nhiệm làm việc nhóm của mọi người bên này.
Môi trường chuyên nghiệp giúp Anh Thy cảm thấy mình giỏi hơn mỗi ngày – Ảnh: NCCC
Điều mà Anh Thy tích lũy được khi theo học tại Hướng Nghiệp Á Âu và Le Cordon Bleu? Anh có thể bật mí cho mọi người cùng biết được không?
Anh Thy đến với Hướng Nghiệp Á Âu như một tờ giấy trắng, nhưng khi ra trường, Thy cảm thấy rất tự tin. Với lượng kiến thức và kỹ năng sát thực tế mà các Giảng viên đã truyền đạt, Anh Thy thấy tự tin và không có cảm giác e sợ. Thy nhận thấy bản thân đã trưởng thành 70% khi đến Hướng Nghiệp Á Âu, còn 30% là trưởng thành từ quá trình làm việc.
Môi trường ở Le Cordon Bleu dĩ nhiên khắc nghiệp hơn ở Việt Nam, mỗi bài thực hành là một bài kiểm tra đòi hỏi sự chăm chỉ, tập trung và phát huy khả năng sáng tạo của sinh viên. Chỉ cần một chút lơ đễnh thôi là bị bạn bè bỏ xa ngay. Hơn nữa, đây là môi trường quốc tế nên bạn bắt buộc phải giao tiếp bằng tiếng Anh. Nếu bạn muốn học hay làm ở nước ngoài thì nên nâng cao khả năng tiếng Anh ngay từ bây giờ.
Anh Thy có điều gì muốn gửi gắm điều gì đến những bạn trẻ đang theo đuổi nghề Bếp?
Lúc các bạn mới vào nghề, nhớ mang theo hành trang Chuyên tâm – kiên trì – chịu khó – chăm chỉ từ việc học chuyên môn đến tiếng Anh. Ngoài việc học ở trường, bạn nên tìm tòi bổ sung thêm kiến thức ẩm thực từ internet, sách báo, chương trình nấu ăn hay đi tới siêu thị, ra chợ xem giá cả. Mở rộng tư duy để phát triển sự sáng tạo trong nấu nướng, kết hợp giữa các nguyên vật liệu thế nào hay cách chọn được thực phẩm tươi ngon nhất cũng là yếu tố cần thiết với người làm Đầu bếp.
Để có được thành quả, bạn cần trải qua một quá trình chứ không phải một hai ngày là được – Ảnh: NVCC
Quả thật những chia sẻ của Anh rất bổ ích, vậy trong tương lai, Anh Thy sẽ mang một hình ảnh như thế nào với nghề Bếp?
Ước mơ của Anh Thy là sẽ đứng trên bục giảng và truyền đạt kiến thức ẩm thực đến mọi người. Xa hơn, Anh Thy muốn thực hiện các cooking show để quảng bá món ăn Việt ra thế giới. Tâm niệm của Anh Thy là mong muốn tất cả mọi người đều có những bữa ăn ngon tại nhà. Và Thy vẫn đang nỗ lực nâng cao kiến thức, kỹ năng mỗi ngày để làm được điều đó.
Kiếp người “chơi với dao đùa với lửa” thực sự rất vất vả nhưng cũng ngập tràn niềm vui và hạnh phúc. Cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của Đầu bếp Phạm Vũ Anh Thy, chúc Anh sẽ vững niềm tin trên con đường nghề Bếp và nhanh chóng hoàn thành kế hoạch trong tương lai.
Chefjob hy vọng với những chia sẻ trên đây của Đầu bếp Phạm Vũ Anh Thy, bạn sẽ có thêm động lực theo đuổi ước mơ nghề Bếp.