Shojin Ryori – Nguyên Lý Chay Tịnh Đầy Tinh Tế Của Người Nhật - Chefjob.vn

Shojin Ryori – Nguyên Lý Chay Tịnh Đầy Tinh Tế Của Người Nhật

Không dừng lại ở ý nghĩa ăn chay thông thường, Shojin Ryori còn mang nét văn hóa, một lối sống đặc biệt mà người dân Nhật Bản rất trân trọng. Để thực hiện phong cách ăn chay này, bạn phải nắm chắc nguyên lý, nguyên liệu và cách thưởng thức. Cùng Chefjob.vn hòa mình vào không khí chay tịnh này nhé.

Shojin Ryori – Ẩm thực chay thanh tịnh của người Nhật – Ảnh: Internet

Trong tiếng Nhật, “Sho” có nghĩa tinh khiết, ngụ ý loại bỏ tạp chất, “Jin” tức là tiến lên, còn “Ryori” có thể hiểu là Ẩm thực. Shojin Ryori là Ẩm thực chay khiến tâm hồn thanh tịnh, gạt bỏ muộn phiền của cuộc sống. Do đó, kiểu ăn chay Shojin Ryori được biết đến không phải ở “ăn gì” mà là “ăn như thế nào”.

Nguyên lý ăn chay Shojin Ryori

Trường phái ăn chay đầu tiên ở Nhật Bản được nhà sư Dogen – người sáng lập ra Thiền tông trong Phật giáo, cũng được xem là tiền đề xây dựng Shojin Ryori. Nguyên tắc cơ bản của người Nhật trong nấu nướng và chuẩn bị đồ ăn Shojin Ryori nằm ở con số 5, bao gồm: 5 màu cơ bản (xanh lá, đỏ, vàng, đen, trắng) và 5 vị (chua, cay, mặn, ngọt, umami). Những hương vị này hoàn toàn phải có một cách tự nhiên mà không cần quá lạm dụng gia vị.

Người Nhật tin rằng các loại thực phẩm khi vào đúng mùa của chúng sẽ phát huy tối đa giá trị thực. Do vậy, Shojin Ryori ưu tiên sử dụng nguyên liệu đang sinh trưởng trong mùa ấy. Đồng thời, trong nấu nướng, họ hạn chế hết mức việc bỏ đi bất kể là nguyên liệu gì. Vỏ cà rốt hay củ cải đôi khi cũng được nấu thành soup. Nguyên lý ăn chay Shojin Ryori thể hiện rõ 2 yếu tố: “Không lãng phí” và “mùa nào thức ấy”.

Đậu hũ trong Shojin Ryori cũng được chế biến rất sáng tạo – Ảnh: Internet

Sự phong phú của nguyên liệu

Nói đến đồ ăn chay, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến các món rau củ quả với kiểu chế biến truyền thống như luộc, chưng cất, hấp… Tuy nhiên, Shojin Ryori lại cho phép người Nhật sáng tạo hơn thế. Ví dụ, nguyên liệu đậu hũ có thể tạo thành abura-age (da đậu hũ chiên), koya-dofu (đậu hũ khô) và natto (đậu nành lên men)… Gia vị không được sử dụng quá nhiều trong chế biến, nếu có chỉ là loại nước dùng dashi được nấu từ tảo biển kombu, sake, nước tương, giấm, mirin (nước gạo lên men ngọt), dầu mè và miso.

Cách thưởng thức thực đơn Shojin Ryori

Từ cách trình bày vô cùng tinh tế, Shojin Ryori thể hiện cái tâm của người nấu. Để Shojin Ryori phát huy đúng tác dụng, người ăn cần để tâm hồn ở trạng thái cân bằng nhất. Đây hoàn toàn không phải một thử thách bữa ăn không thịt cá, mà bạn cần đạt được sự thoải mái, vui vẻ khi thưởng thức, ngay cả khi bạn không phải người ăn chay trường.

Thông thường, một bữa ăn Shojin Ryori được chuẩn bị bởi các nhà sư và phục vụ trong chùa, đền ở Nhật Bản. Bên cạnh những người ăn chay, nhà sư thì du khách quốc tế cũng muốn được trải nghiệm nét văn hóa độc đáo này. Shojin Ryori được phục vụ trong không gian thiền định yên tĩnh để đẩy mức cảm nhận lên cao nhất. Mối liên kết chặt chẽ giữa người nấu và người thưởng thức ngay trong Ẩm thực Shojin Ryori giúp bạn dung hòa được tính chất của con người và thiên nhiên.

Bữa ăn Shojin Ryori khiến người ăn cảm thấy thoải mái hơn nhiều – Ảnh: Internet

Ẩm thực chay có ở khắp mọi nơi trên thế giới nhưng Shojin Ryori vẫn mang nét độc đáo riêng, là niềm tự hào của người dân đất nước mặt trời mọc. Lối ăn chay mang lại cảm giác bình thản, nhẹ nhàng trong tâm hồn này không những thể hiện nét tâm linh Phật giáo mà còn giúp con người thanh tịnh sau nhiều giờ làm việc, học tập mệt mỏi. Nếu có dịp thưởng thức Shojin Ryori, bạn đừng quên chia sẻ với Chefjob nhé.

Tin liên quan

Wagashi – “Đóa Hoa” Tinh Tế Của Nhật Bản Khiến Cả Thế Giới Trầm Trồ
5 Món Chay Tuyệt Hảo Giúp Mùa Vu Lan Thêm Tròn Vị

Bài Viết Liên Quan