Sở hữu hương vị cân bằng, dễ dàng kết hợp với các thành phần khác mà không lấn át nét đặc trưng của chúng lại gia tăng thêm “độ sâu” cho cocktail, Gin rất được lòng Bartender. Và chính các loại thảo mộc góp phần rất lớn tạo nên sức hút của Gin. Chefjob.vn sẽ bật mí cho bạn ngay 10 loại thảo mộc giúp Gin quyến rũ hơn qua bài viết này.
Juniper Berry/ Juniperus communis – Quả bách xù
Juniper Berry/ Juniperus communis hay quả bách xù là thành phần chính có trong tất cả các loại Gin. Chúng có nguồn gốc từ Ý, Macedonia, Serbia, Ấn Độ, thuộc họ cây bách, có kích thước nhỏ. Mùi vị đặc trưng của quả bách xù mà thực khách cảm nhận trong Gin đến từ tinh dầu của chúng, là Camphor và Alpine Cinere. Bách xù đem đến vị thơm dễ chịu, một chút cay nồng, thoang thoảng ngọt đắng, phảng phất mùi lá thông hòa quyện cùng oải hương.
Đó là lý do khi thưởng thức Gin, thực khách sẽ cảm nhận được vị cay xè lan tỏa nhanh chóng khắp đầu lưỡi sau đó, nhưng hương đọng lại thì rất lâu.
Angelica root – Rễ cây bạch chỉ
Angelica root có tên tiếng Việt là rễ cây bạch chỉ – nguyên liệu thiết yếu để tạo nên rượu Gin. Rễ cây bạch chỉ được ví giống như xương sống trong cơ thể người bởi chúng là chất kết dính và làm trung hòa mùi vị các loại thảo mộc có trong Gin. Nhắc đến nét đặc trưng của Gin, một chuyên gia Bartender cho biết: “Rễ bạch xỉ khá ngọt và là sự hòa trộn khó diễn tả hết bằng lời của một chút xạ hương, hạt phỉ và hơi ẩm của khu rừng nhiệt đới”.
Coriander seed – Hạt rau mùi
Coriander seed – Hạt rau mùi được tìm thấy nhiều ở Nga, Romania, Morocco, Bulgaria. Linalool – tinh dầu của hạt rau mùi cay, thơm ở mức dịu dễ chịu; phảng phất cả gừng, chanh và cả lá xô thơm; từ đó tạo nên tầng mùi phức tạp “có chiều sâu” cho Gin.
Orange peel – Vỏ cam
Các nhà sản xuất rượu Gin thường chọn giống cam đặc sản từ vùng Seville, Tây Ban Nha để lấy vỏ, giúp Gin có hương thơm dễ chịu hơn. Bởi vốn dĩ, tinh dầu có trong vỏ cam đã sở hữu mùi vị thanh ngọt nhẹ nhàng.
Lemon peel – Vỏ chanh vàng
Nếu Seville là thủ phủ của cam thì Andalucia ở phía nam Tây Ban Nha là vùng đất hoàn hảo cho nguồn chanh vàng chất lượng. Người ta sẽ thu hoạch chanh vàng tại đây, đem phơi khô rồi đưa vào quá trình sản xuất Gin. Vỏ chanh vàng mang tới hương vị sảng khoái, tươi sáng cho Gin.
Cassia – Quế Tàu
Vì Cassia thuộc họ cây quế nên người ta thường gọi chúng bằng tên khác là Quế Tàu. Cho chúng vào Gin, rượu sẽ hương vị quế nồng ấm đặc trưng.
Orris root – Rễ cây Orris
Orris root – Rễ cây Orris thuộc họ diên vĩ, có vị rất đắng. Cũng giống như rễ cây bạch chỉ, rễ cây Orris được dùng để trung hòa mùi vị thảo mộc có trong Gin, hơn nữa chúng còn tạo thêm một lớp hương thực sự quyến rũ cho loại rượu nền này.
Almond – Quả hạnh
Almond – Quả hạnh được biết đến là một loại cây bản địa ở vùng Tây Nam Á, có cả quả đắng và ngọt, đều được dùng để pha chế rượu Gin. Tinh dầu có trong quả hạnh rất cao, mùi vị cay và hơi béo.
Liquorice – Cam thảo
Liquorice hay cam thảo, được thu hoạch và sử dụng phần rễ để tăng hương vị đặc trưng cho Gin. Chúng có vị tươi mát, hơi the, ngọt đắng, nếu tinh tế, bạn có thể cảm nhận được mùi gỗ và đất có trong cam thảo, từ đó giúp Gin có “chiều sâu” trọn vẹn hơn.
Cardamom seed – Hạt bạch đậu khấu
Hạt bạch đậu khấu trồng nhiều tại vùng tây nam của Ấn Độ, Malabar, có vị hơi chua, cay nồng và thoang thoảng hương bạch đàn. Chúng được miêu tả là “nhân tố bí ẩn” làm nên sức hút tuyệt vời cho Gin.
Với sức sáng tạo của những nhà chưng cất rượu, còn có rất nhiều loại thảo mộc khác được cho vào Gin để thế giới của Gin phong phú hơn, bên cạnh 10 cái tên mà Chefjob.vn vừa “điểm danh” trên đây. Bạn còn biết thêm thảo mộc hoặc gia vị nào có trong Gin? Hãy chia sẻ cùng Chefjob.vn và những người yêu Gin nhé.
Tin liên quan