Khánh tiết là gì? Vì sao nhu cầu tuyển khánh tiết tại các nhà hàng, khách sạn, trung tâm hội nghị tiệc cưới,… thời điểm cuối năm lại cao đến vậy? Hãy đi tìm câu trả lời cùng Chefjob qua bài viết sau đây.
Không chỉ tăng về nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng mà cuối năm còn là thời điểm của các đôi uyên ương tất bật chuẩn bị để cùng về chung một nhà. Điều này giúp cho các nhà hàng, khách sạn hay trung tâm hội nghị tiệc cưới “ăn nên làm ra”, thúc đẩy tăng trưởng tại đơn vị. Theo đó, nhu cầu tuyển nhân sự trong ngành Nhà hàng – Khách sạn cũng nhiều hơn, trong đó có khánh tiết. Vậy, bạn có biết khánh tiết là gì?
Khánh tiết là gì?
Khánh tiết là thuật ngữ để chỉ một nghề trong ngành Nhà hàng – Khách sạn, có nhiệm vụ chính là đón tiếp khách. Ngày nay, khánh tiết thường sử dụng để mô tả cho đội nhân viên đứng chào khách ở các nhà hàng/ trung tâm tiệc cưới, làm thiên thần và tay đưa pháo bông cho cô dâu chú rể lên bục làm lễ. Nhiệm vụ của những người khánh tiết tưởng chừng như chỉ có đứng chào và… mỉm cười nhưng đẳng sau đó là cả một quá trình cố gắng vượt qua rất nhiều vòng loại gắt gao cũng như luyện tập.
Khánh tiết – nghề “làm dâu trăm họ”
Nhà hàng – Khách sạn là ngành Dịch vụ mang đến sự hài lòng cho khách hàng, do vậy mà dù đảm nhận vị trí nào trong lĩnh vực này, họ cũng được ví von là nghề “làm dâu trăm họ”, khách hàng luôn là thượng đế. Công việc chính của nhân viên khánh tiết là đứng chào và giúp cho không gian buổi tiệc được hoàn hảo nhưng thực tế, có rất nhiều vấn đề phát sinh mà người khánh tiết trở thành nhân viên hỗ trợ đắc lực giúp khách hàng lẫn đồng nghiệp giải quyết.
Đó là lúc cùng cô dâu chú rể đứng chào khách và tiện thể giúp cô dâu chỉnh trang tóc tai, đầm áo để cô dâu luôn được lộng lẫy. Đó là lúc khách nhờ sắp xếp hoặc lấy thêm một vài chiếc ghế, thêm khăn, đổi đôi đũa,… mặc dù không phải nhiệm vụ chính của mình nhưng nhân viên khánh tiết vẫn phải hỗ trợ cho đồng nghiệp là những người Phục vụ để mọi thứ được hoàn hảo trong mắt khách hàng.
Minh Trí – một nhân viên khánh tiết với 2 năm thâm niên trong nghề chia sẻ: “Có lần mình đang đứng ở gần sân khấu để chuẩn bị đưa pháo bông cho cô dâu chú rể thì một chị vẫy tay mình đến và nhờ lấy hộ đôi đũa mới vì chị lỡ làm rơi, khi đó cũng gần tới lúc để đưa pháo bông rồi nhưng vẫn phải ráng đi lấy đũa thật nhanh cho chị rồi quay lại vị trí, may mà còn kịp. Nghề “làm dâu trăm họ” mà, nên phải cố gắng hết sức thôi, khách vui thì mình cũng “sướng” theo”.
Khánh tiết – cơ hội và những gian truân không phải ai cũng thấu
Công việc khánh tiết thường rơi vào mùa cưới và dịp cuối tuần, mở ra cơ hội việc làm không chỉ cho những người muốn gắn bó với ngành Nhà hàng – Khách sạn mà còn với cả sinh viên muốn làm thêm để có thu nhập. Trở thành khánh tiết, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích như:
- Khoản lương hấp dẫn, nhất là vào mùa cưới.
- Có thêm kinh nghiệm tiếp xúc nhiều người, xử lý vấn đề, kỹ năng sống, tác phong làm việc nhanh nhẹn nhưng vẫn toát lên sự điềm tĩnh, nhẹ nhàng.
- Trau dồi trình độ tiếng Anh bởi khách trong buổi tiệc không chỉ có người Việt mà còn cả người nước ngoài.
Tuy nhiên, để có được vị trí khánh tiết không phải dễ, so với việc làm Phục vụ thì quá trình tuyển chọn nhân viên khánh tiết gắt gao hơn nhiều: Chiều cao, cân nặng, gương mặt ưa nhìn, kỹ năng giao tiếp, khả năng tiếng Anh,… Thêm nữa, nếu nhận bất kỳ phản hồi không tốt nào từ khách hàng, nhân viên khánh tiết sẽ rất dễ bị phạt bằng cách trừ vào lương hoặc không trả lương hôm đó hay nặng nhất là bị cắt hợp đồng. Cao điểm mùa cưới thường rơi vào thời gian thi cử của sinh viên nên áp lực làm việc và học tập không phải ít. Đó cũng là nỗi lo lắng lớn nhất của những ai đang theo đuổi công việc này khi còn ngồi trên ghế nhà trường.