Nhất định phải có năng khiếu bẩm sinh mới làm được, luôn luôn đứng ở quầy bar phục vụ khách hàng hay không cần trải qua đào tạo,… đó chính là những quan niệm sai lầm về nghề Barista tại Việt Nam. Nếu bạn đang có ý định theo đuổi con đường Barista chuyên nghiệp, hãy biết cách phân biệt các nhận thức dưới đây.
Bạn đã thực sự hiểu đúng về nghề Barista chưa? – Ảnh: Internet
Sức hút từ công việc Barista hiện nay cũng hấp dẫn như chính hương vị đầy đam mê của những loại thức uống được pha chế từ cafe nồng nàn. Trải qua rất nhiều giai đoạn, Barista dần tìm được chỗ đứng tại Việt Nam và được đón nhận rất nhiệt thành, nhất là với giới trẻ. Có một lộ trình thăng tiến rõ ràng, nhiều tiềm năng phát triển nên Barista mở ra cánh cửa việc làm rộng lớn, đem lại cơ hội cho những ai yêu thích pha chế. Song song với những tác động tích cực, vẫn còn đọng ở đó nhiều quan niệm sai lầm về nghề Barista tại Việt Nam mà nếu như bạn không tỉnh táo sẽ có suy nghĩ lệch lạc.
Vậy, những nhận thức sai lầm cần tránh đó là gì? Chefjob.vn sẽ bật mí cho bạn ngay đây.
Barista và Bartender thực chất là một
Để có cái nhìn tổng quan nhất về Barista, đầu tiên bạn cần hiểu rõ Barista là gì? Tại Việt Nam, Barista được hiểu nôm na là nhân viên Pha chế cafe. Họ đảm nhiệm pha chế các loại thức uống dựa trên sự biến tấu của cafe Espresso để tạo nên sự đa dạng về hương và vị: Espresso conpanna, cafe Americano, Cappuccino, Latte, Machiato, Latte macchiato, Mocha,… Nhiều người thường gọi vui Barista là cuốn “từ điển sống” về cafe bởi họ không chỉ nắm chính xác thành phần, hàm lượng cafe cho mỗi món thức uống mà còn am hiểu lịch sử, văn hóa cafe ở từng quốc gia để từ đó pha chế ra ly nước uống trọn vị cho thực khách.
Còn Bartender là gì? Bartender cũng là người pha chế thức uống nhưng chuyên về các món chứa cồn mà cocktail chủ yếu. Bartender nắm trong lòng bàn tay tên gọi, mùi vị, ưu nhược điểm và cách phân biệt từng loại rượu, họ cũng rất tinh tế trong việc chọn kiểu ly nhằm mang đến ly thức uống bắt mắt nhất. Ngoài khả năng pha chế, các Bartender còn có tài biểu diễn như tung hứng, lắc shaker, tạo thác đổ, đốt rượu,… cho thực khách chiêm ngưỡng.
Qua những gì mà Chefjob chia sẻ trên đây, tin rằng bạn đã hoàn toàn phân biệt được Barista và Bartender để phân biệt hai vị trí này trong thế giới pha chế.
Nếu Bartender được biết đến là “phù thủy cocktail” thì Barista được xem là bậc thầy về thức uống cafe – Ảnh: Internet
Barista phải làm việc ở quầy bar
Đây là một quan niệm không chính xác về công việc của Barista, họ có thể làm việc tại nhà hàng, khách sạn lớn có quầy bar dành cho pha chế cafe. Tuy nhiên, phần lớn tương lai nghề nghiệp của Barista rộng mở tại quán hoặc chuỗi cafe lớn, ở Việt Nam có hệ thống The Coffee House, Highland Coffee, Startbucks,… Ngoài ra, nhiều Barista còn lựa chọn cho mình con đường kinh doanh, tự mở quán và gầy dựng sự nghiệp riêng.
Tại các nước phương Tây, Barista thực sự là những nghệ sĩ của tự do, họ luôn tìm tòi và khám phá thế giới cafe diệu kỳ để tìm kiếm ý tưởng, thôi thúc sự sáng tạo không ngừng nghỉ, chẳng ai có thể trói buộc tâm hồn hay đôi chân của người Barista cả. Không ít Barista đã dành trọn đam mê của mình để rong ruổi từ vùng cafe này đến miền cafe khác nhằm nghiên cứu cafe. Thế nên có thể hiểu rằng, tương lai của các Barista rất đa dạng, không gói gọn trong phạm vi nào, chỉ cần có tình yêu và dũng cảm để thực hiện, họ sẽ theo đuổi nó.
Cánh cửa việc làm dành cho Barista rất rộng mở – Ảnh: Internet
Phải có năng khiếu bẩm sinh mới làm được công việc Barista
Năng khiếu tự nhiên mà có quả thực là một điều mà ai cũng mong ước có được bởi nó sẽ giúp bạn phát triển năng lực hơn và các Barista cũng không ngoại lệ. Khứu giác nhạy cảm, vị giác nhạy bén, quan sát tinh tế, đầu óc nghệ thuật,… tạo nên các mảnh ghép cần thiết để Barista tiến nhanh hơn trên lộ trình nghề nghiệp. Tuy vậy, công thức để tạo nên thành công chính là 1% tài năng + 99% nỗ lực. Năng khiếu giúp Barista có điểm xuất phát sớm hơn song chính sự kiên trì và luyện tập bền bỉ mới là yếu tố quan trọng hàng đầu dẫn lối vinh quanh.
Ngay cả các Barista lừng danh thế giới như: Hidenori Izaki (quán quân giải Barista Thế giới 2014), Sasa Sestic (quán quân giải Barista Thế giới 2015),… cũng phải tốn rất nhiều thời gian, sức lực để nâng cao tay nghề, trau dồi kiến thức, tạo dựng phong cách pha chế riêng cho bản thân.
Barista đang trên đà phát triển tại Việt Nam, nếu không hiểu đúng về công việc và những vấn đề liên quan đến Barista, chắc chắn sẽ càng có thêm những nhận thức sai nghề này. Hy vọng với các thông tin trên đây của Chefjob, bạn sẽ hiểu đúng về Barista.