Dù làm việc vì đam mê thì tiền lương vẫn chính là nguồn động lực mạnh mẽ nhất để những ai đi làm hào hứng với công việc mỗi ngày. Thế nên tháng nào nghe tin chậm lương là tưởng chừng sét đánh ngang tai. Chậm lương chính là nỗi ám ảnh mà chẳng ai muốn “dính” trong hành trình mưu sinh của mình.
Mỗi lần nghe tin chậm lương là ruột gan nhân viên cứ quặn thắt – Ảnh: Internet
Một trong những “cái sướng” nhất với hầu hết mọi người lúc đi làm chính là nghe tin nhắn điện thoại báo “ting ting”, mở ra là thấy “Anh Lương” ghé “nhà”. Bao nhiêu dự định, bao nhiêu thứ phải lo cho cuộc sống hàng ngày: Nào tiền thuê nhà, tiền điện – nước – gas, tiền đám cưới – sinh nhật, tiền bỏ ống heo,… đều đợi “Anh Lương” đến giải quyết giùm. Thế nên tới “kỳ hẹn” rồi mà “Anh” không về, ruột dạ đau như cắt, một hai ngày trôi đi dài hơn cả thế kỷ. Bạn có thể là Đầu bếp, bạn có thể là nhân viên Bartender hay bạn đang điểm nhiệm vị trí Quản lý nhà hàng đi chăng nữa thì tất cả đều có chung một nỗi lo lắng không hề nhẹ mang tên “chậm lương”.
Theo khảo sát mới nhất của Chefjob, công ty chậm trả lương là tình trạng không phải hiếm tại các doanh nghiệp ở Việt Nam. Có nhiều lý do để giải thích cho việc doanh nghiệp thanh toán tiền lương người lao động chậm trễ như: Nghẽn mạng, ngân hàng chưa kịp chuyển hết, nguồn giải chi chưa được ký duyệt, khó khăn tài chính,… Dẫu là lý do gì đi chăng nữa thì trách nhiệm của doanh nghiệp cần làm chính là hoạch toán và chi trả đầy đủ mức lương theo thỏa thuận với người lao động. Tuy nhiên, người lao động cũng cần cảm thông cho “mái ấm” của mình khi nhận được thông báo chậm trả lương vì những lý do khách quan.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, pháp luật có quy định rõ về nguyên tắc trả lương
– Ảnh: Internet
Theo quy định của pháp luật hiện hành ở nước ta thì việc thanh toán, quy định về ngày trả lương, mức phạt khi cố tình chậm lương đều được thể hiện rõ. Cụ thể:
1. Nguyên tắc trả lương và quy định ngày trả lương
Căn cứ theo điều 96 BLLĐ 2012 thì nguyên tắc trả lương được quy định như sau:
– Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn theo thỏa thuận.
– Trường hợp đặc biệt người sử dụng lao động không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng. Người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền, số tiền này phải ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Trong đó, các trường hợp đặc biệt theo quy định khiến cho doanh nghiệp trì hoãn việc trả lương cũng được trình bày rõ: Do thiên tai, hỏa hoạn (hoặc lý do bất khả kháng khác) mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể giải quyết và trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì cũng không được trả chậm quá 01 tháng.
Việc phải trả thêm lương cho người lao động như sau:
- Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm;
- Nếu thời gian trì hoãn trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Trong trường hợp ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định về trần lãi suất thì người sử dụng lao động có thể tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại.
Nếu không trả lương đúng quy định cho người lao động, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt- Ảnh: Internet
2. Xử phạt
Các doanh nghiệp, đơn vị chậm trả lương sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Theo đó:
– Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động; bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động, trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương; khấu trừ tiền lương của người lao động trái với quy định tại Điều 101 của Bộ luật Lao động sẽ đóng phạt:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Ngoài kia thế giới bao la thế nào không cần biết, với người đi làm thì tiền lương chính là cả thế giới nhỏ mà ai cũng muốn ôm thật chặt và giữ thật lâu. Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên đây, bạn sẽ hiểu rõ về quy định trả lương tại Việt Nam để có đủ cơ sở và tự tin trao đổi với cấp trên khi phát hiện công ty thường xuyên chậm lương nhằm đòi lại quyền lợi cho mình.