Turnover rate là gì? Turnover rate phản ánh tình hình nhân sự tại doanh nghiệp đang bình ổn, xấu đi hay tốt lên. Dù tình hình thực tế nhân sự biến động quá lớn hoặc không có thay đổi nào thì các nhà Quản lý cũng nên xem xét lại tổ chức nguồn lực đơn vị đang gặp phải những vấn đề không tốt.
Turnover rate rất quan trọng tại mỗi doanh nghiệp – Ảnh: Internet
Nếu bạn đang làm trong lĩnh vực nhân sự, chắc chắn không còn xa lạ với khái niệm turnover rate, bởi đây cũng là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá năng lực nhân sự. Có rất nhiều điều được thể hiện qua con số turnover rate mà người làm nhân sự cần nắm rõ.
Staff turnover là gì? Turnover rate là gì?
Staff turnover là số lượng nhân viên nghỉ việc.
Turnover rate được biết đến là tỷ lệ thôi việc, con số này đưa ra tỷ lệ số lao động nghỉ việc trên số lao động bình quân trong một tháng, quý hoặc năm nhằm đo lường tốc độ thay đổi của nhân viên. Dựa vào thống kê mà nhân sự phân chia nhân sự nghỉ việc dựa trên:
- Tự nguyện: Do các nguyên nhân chủ quan như chán công việc, bất hòa với đồng nghiệp hoặc quản lý, không hài lòng chính sách công ty…
- Không tự nguyện: Bởi các nguyên nhân khách quan như bệnh tật, đến tuổi nghỉ hưu, chuyển đổi nơi ở…
Có rất nhiều người nhầm lẫn staff turnover, turnover rate với asset turnover và inventory turnover nhưng vì chúng hoàn toàn không giống nhau.
- Turnover là gì? Turnover được hiểu là doanh thu, tức số tiền doanh nghiệp có được từ khách hàng nhờ sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, chưa trừ đi phần chi phí hoạt động và thuế.
- Asset turnover là gì? Asset turnover là hệ số vòng quay tổng tài sản, được các doanh nghiệp dùng để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng tài sản tại đơn vị đó.
- Inventory turnover là gì? Inventory turnover thể hiện khả năng quản trị hàng tồn kho ở mỗi doanh nghiệp, được xác định bằng giá vốn hàng bán chia cho bình quân hàng tồn kho ở đó.
Như vậy, nếu như turnover rate liên quan đến nhân sự thì các thuật ngữ turnover, asset turnover, inventory turnover lại được dùng để biểu thị cho giá trị tài sản ở doanh nghiệp.
Số lượng nhân viên nghỉ việc sẽ phản ánh sự bình ổn hoặc bất ổn của doanh nghiệp – Ảnh: Internet
Cách tính turnover rate – tỷ lệ nhảy việc
Muốn tính turnover rate – tỷ lệ nhảy việc, nhân sự cần có số lượng của:
- Nhân viên làm việc thời điểm đầu tháng (B)
- Nhân viên làm việc thời điểm cuối tháng (E)
- Nhân viên nghỉ việc trong tháng (L)
Theo đó, bạn sẽ tính số lượng nhân viên trung bình (Avg) bằng cách lấy trung bình cộng của B và E: Avg = [B+E]/2
Tỷ lệ nhân viên nhảy việc hàng tháng (%) = [L/Avg] x 100
Tuy nhiên, hầu hết công ty thường áp dụng theo công thức 1/4 (4 quý) hoặc tỷ lệ nhảy việc hàng năm vì chúng hữu ích và cũng có thời gian thu thập số liệu tốt hơn. Điều này cũng có thấy được xu hướng nhảy việc mỗi năm ở doanh nghiệp để dễ dàng so sánh, đưa ra chiến lược phát triển nhân lực phù hợp.
Tỷ lệ nhảy việc hàng năm (%) = [L/(số nhân viên làm việc đầu năm + cuối năm)/2] x 100
Ví dụ: Nếu bạn có 55 nhân viên làm việc vào đầu năm, số lượng nhân viên làm việc cuối năm tăng lên 65 và trong giai đoạn đó có 6 nhân viên nghỉ việc, thì tỷ lệ nhảy việc hàng năm của bạn được tính là:
Tỷ lệ nhảy việc hàng năm (%) = [6/(55+65)/2 x 100] = 10%
Turnover rate và con số “biết nói”
Dr. John Sullivan cho rằng mỗi con số turnover rate mang một hàm ý khác nhau, phản ánh tình hình nhân sự tại doanh nghiệp. Theo đó:
- < 3%: Tình hình nhân sự tại công ty vẫn đang ổn định. Số lượng nhân viên nghỉ việc chủ yếu đến từ lý do khách quan. Nếu xét yếu tố chủ quan thì người quản lý nên xem lại cách điều hành nhân sự của mình, từ ứng xử cho đến cách xử lý khúc mắt hoặc giao việc cho nhân viên…
- 03 – 05%: Tỷ lệ này vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chưa gây ra nhiều trở ngại cho công ty. Lỗi khiến nhân viên “rơi rụng” chủ yếu do hệ thống lương và cấp trên.
- 05 – 08%: Cho thấy công ty đang gặp phải rắc rối về nhân sự. Ngoài hai vấn đề ở trên thì môi trường để nhân viên phát triển dường như cũng đang bất ổn. Do đó, bạn cần rà soát lại hệ thống đào tạo phát triển nhân lực tại đơn vị mình.
- 08 – 10%: Con số này là lời cảnh báo với doanh nghiệp bởi nguồn nhân lực đang thực sự không ổn định. Không chỉ các vấn đề về sếp, môi trường làm việc, cơ hội phát triển mà văn hóa tại đơn vị không tốt cũng đang khiến nhân viên bất mãn và nghỉ việc.
- >10%: Chứng tỏ doanh nghiệp cần phải xem xét lại một cách tổng thể về các bất ổn ở trên cũng như tham chiếu với môi trường ngành, để biết được ảnh hưởng bên ngoài tác động như thế nào với đơn vị, từ đó có chiến lược giải quyết.
Dựa vào turnover rate mà nhà quản lý có chiến lược nhân sự phù hợp – Ảnh: Internet
Giải pháp cân bằng nhân sự cho doanh nghiệp
Bất ổn nhân lực là điều mà không doanh nghiệp nào mong muốn gặp phải. Để ngăn ngừa tình trạng “nhảy việc” xảy ra liên tục, ảnh hưởng đến hoạt động và sự phát triển của đơn vị, các nhà Quản lý cần có giải pháp cụ thể. Dưới đây là những hành động thiết thực nhằm cân bằng nhân sự mà các chuyên gia đưa ra:
- Tiến hành khảo sát mức độ hài lòng hiện tại của nhân viên.
- Phỏng vấn nhân viên có ý định hoặc quyết định nghỉ việc để làm rõ nguyên do.
- Dự báo tỷ lệ nghỉ việc để có phương án xử lý kịp thời, phân chia các đối tượng lao động.
- Nâng cao khả năng quản trị nhân sự cho cấp lãnh đạo.
- Giới thiệu văn hóa doanh nghiệp cho ứng viên dễ hình dung, sàng lọc và tuyển chọn nhân sự phù hợp.
Thay vì thụ động và nhìn nhân viên lần lượt nghỉ việc, các doanh nghiệp cần phân tích tình hình thực tế để đưa ra giải pháp cân bằng nhân sự qua turnover rate.