Nổi tiếng với sự tôn sùng các nguyên liệu tươi, món ăn nhẹ và lấy cảm hứng từ sự xuất hiện của thực phẩm ở Nhật Bản, Gaston Lenôtre đã thành công khi trở thành một Đầu bếp bánh ngọt được nhiều người trên thế giới biết đến. Bánh ngọt Pháp đã vượt qua khó khăn và lên ngôi nhờ một phần lớn của Gaston Lenôtre.
Cố Đầu bếp bánh Gaston Lenôtre – người dành cả cuộc đời để đưa bánh ngọt Pháp lên ngôi – Ảnh: Internet
Bánh ngọt Pháp chưa bao giờ có nguy cơ biến mất nhưng việc đánh giá chất lượng của chúng trở nên nghiêm khắc thật sự. Trước tình hình đó, Gaston Lenôtre đã giảm bớt lượng đường và bột, bên cạnh đó ông thay thế các loại crème bằng mousse thoáng mát với các vị trái cây thanh mát. Nhờ con mắt tinh tường và áp dụng các tính chất khoa học, ông đã sáng tạo nên các món bánh tráng miệng với khẩu vị hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống đầy tinh tế.
Sớm bộc lộ tài năng
Gaston Lenôtre sinh năm 1920 tại một trang trại nhỏ ở Normandy, trong một gia đình có cha và mẹ là Đầu bếp. Ngày còn bé, ông thường đạp xe đến thủ đô Paris để bán chocolate, từ sớm, ông đã bộc lộ tài năng trong Ẩm thực. Năm 1947, ông mở tiệm bánh đầu tiên ở Bernay – một thị trấn nhỏ ở Normandy. Nhờ một số cải tiến, đặc biệt là kỹ thuật đông lạnh và sử dụng gelatine trong kem bơ để giữ mousse được tốt hơn, ông đã đạt được tiếng tăm nhất định. Thời báo New York khi đó cho biết, chuỗi cửa hàng của ông có khả năng phục vụ mọi thứ với sự tinh tế của Pháp.
Biến mình thành một thương hiệu
Paul B. Focuse – lãnh đạo của các Đầu bếp thời điểm đó cho rằng, chữ ký của Gaston Lenôtre cũng quan trọng như tên Christian Dior trên một chiếc váy. Bánh hạnh nhân phủ chocolate và bánh kẹo kem là sáng tạo nổi tiếng nhất của ông. Năm 1976, Gaston Lenôtre gia nhập hàng ngũ các nhà hàng ẩm thực Nouvelle – một cuộc cách mạng Ẩm thực nổi tiếng, và mở nhà hàng Le Pré Catelan ở Paris. Năm 1985, ông khai trương LePavillon Elysée trên đại lộ Champs-Elysée.
Succès – một phát minh bánh ngọt nổi tiếng của Gaston Lenôtre – Ảnh: Internet
Thất bại duy nhất của Gaston Lenôtre chỉ ở năm 1974, khi ông phải đóng cửa nhà hàng Chateau France chỉ sau khi mở cửa được một năm vì nhiều lý do. Tuy nhiên, ông đã quay trở lại và mở nhà hàng tại Berlin vào năm 1975, sau đó mở rộng thị trường sang Nhật Bản và Trung Đông. Khi cuộc cách mạng Ẩm thực Nouvelle phát triển mạnh mẽ, mọi người ý thức hơn về lợi ích và bản sắc chung, cái tên Gaston Lenôtre được nhắc đến nhiều như hơi thở của bánh ngọt Pháp.
Gìn giữ và phát triển truyền thống làm bánh
Năm 1971, Gaston Lenôtre mở một trường học ở thị trấn Plaisir, phía Tây Paris và tiến hành đào tạo nghề Bếp chuyên nghiệp. Các chuyên gia đã nhận định, đây là khóa đào tạo nghiêm ngặt và phần lớn Đầu bếp được Gaston Lenôtre đào tạo hiện là “xương sống” trong lĩnh vực Ẩm thực của Pháp và một số quốc gia khác. David Bouley – một Đầu bếp nổi tiếng ở New York khi nhớ lại thời gian theo học tại trường: “Chúng tôi đã dành hoàn toàn bốn ngày cực kỳ căng thẳng chỉ để học cách sử dụng nguyên liệu… lòng trắng trứng.”
Điều này chứng tỏ, Gaston Lenôtre coi trọng tất cả mọi khía cạnh của Ẩm thực, bắt đầu từ sự đơn giản để có thể đối mặt với những điều to lớn hơn. Gaston Lenôtre khẳng định, khóa học bánh ngọt dạy các Đầu bếp bánh sự chính xác và cầu toàn, khi họ phải chú ý đến không chỉ chất lượng bánh mà còn sáng tạo hình thức bên ngoài độc đáo, hoàn hảo nhất.
Gaston Lenôtre nổi tiếng là người nghiêm khắc trong công việc – Ảnh: Internet
Ngày nay, khi nhắc đến các loại bánh ngọt có sự kết hợp hương vị hạnh nhân, vani, chocolate đen, cái tên Gaston Lenôtre lại được xướng lên như một phát minh để đời đáng được ghi nhận. Ngày ông ra đi, Tổng thống Sarkozy cũng phải xúc động khi chia sẻ rằng: “Gaston Lenôtre đã thành công với tài năng của mình, sự sáng tạo, sự nghiêm khắc và tiêu chuẩn cao trong việc nâng cao ngành Bánh lên hàng ngũ nghệ thuật.”
Tin liên quan