Nhiệm vụ chính của Nhân viên giặt là là tiếp nhận, phân loại đồ bẩn cần giặt là, bao gồm: Đồ của khách, đồng phục của nhân viên, các loại khăn theo đúng yêu cầu của khách và của cấp trên.
Khăn trải bàn, rèm cửa, thảm… là những vật dụng trong khách sạn cần được làm sạch mỗi ngày để xây dựng hình ảnh khách sạn sạch sẽ, an toàn. Bên cạnh đó, nhiều khách khi thuê phòng không đủ thời gian và điều kiện để giặt là trang phục của mình. Do đó, Nhân viên giặt là (Laundry) đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ hoạt động của một khách sạn. Công việc chính của một Nhân viên giặt là là tiếp nhận, phân loại các loại đồ bẩn và tiến hành giặt là theo đúng yêu cầu của khách và tiêu chuẩn sạch sẽ của khách sạn.
>>> Tải ngay bộ mô tả công việc 25 vị trí ngành Nhà hàng Khách sạn TẠI ĐÂY
Nhân viên giặt là sẽ tiếp nhận đồ bẩn, phân loại và tiến hành giặt là theo đúng tiêu chuẩn – Ảnh: Internet
Cụ thể, Nhân viên giặt là sẽ thực hiện các công việc sau
- Kiểm tra tình trạng khăn ăn, khăn bàn, khăn tắm… trong khách sạn.
- Tiếp nhận đồ cần giặt của khách hàng và đồng phục của nhân viên: kiểm tra kỹ nhãn mác, khuy áo… trước khi mang đi giặt.
- Phân loại đồ cần giặt: quần áo màu và quần áo trắng, đồ cần giặt tay và đồ cần giặt máy, phân loại đồ cần giặt riêng với thuốc tẩy…
- Thực hiện giặt sạch quần áo theo đúng quy trình chuẩn của khách sạn đối với từng loại trang phục, loại vải. Sử dụng lượng bột giặt, thuốc tẩy phù hợp, chọn chế độ giặt đúng với lượng đồ cần giặt.
- Thực hiện là các đồ vải cần thiết theo đúng quy trình chuẩn của khách sạn. Đảm bảo đồ vải được là một cách tươm tất, thẳng nếp, không để bị cháy đồ.
Nhân viên giặt là phải đảm bảo quần áo được giặt là một cách tươm tất – Ảnh: Internet
- Gấp hoặc treo đồ một cách gọn gàng. Vải có thể xếp theo chồng bằng nhau và tránh không để bị nhăn trở lại. Trang phục thì móc trực tiếp lên móc và treo, có thể bao lại bằng bịch nilong lớn để tránh bụi bám vào.
- Giao trả đồ về đúng nơi quy định.
- Kiểm tra và làm sạch lưới lọc của máy giặt và máy sấy sau mỗi lần giặt.
- Thực hiện việc vệ sinh, lau chùi các dụng cụ trong phòng giặt.
- Vệ sinh sàn, tường, bàn và chậu rửa trong phòng giặt hàng ngày.
Nhân viên giặt là thực hiện vệ sinh, lau chùi các dụng cụ trong phòng giặt là – Ảnh: Interne
- Sử dụng, bảo quản máy móc giặt là đúng cách, báo ngay cho bộ phận có liên quan khi máy móc gặp sự cố.
- Đảm bảo tất cả các máy cũng như bàn là phải được tắt trước khi ra về.
- Thực hiện các công việc khác theo sự phân công của cấp trên.
Với vị trí Nhân viên giặt là, các nhà tuyển dụng thường ưu tiên những người có tinh thần trách nhiệm, cẩn thận và sạch sẽ. Bên cạnh đó, bạn cũng cần có kinh nghiệm giặt là, biết cách sử dụng các loại máy móc liên quan đến công việc giặt là để hoàn thành công việc một cách nhanh nhất và tốt nhất.
Hiện nay, mức lương trung bình của Nhân viên giặt là tại các khách sạn nằm trong khoảng 3,5 – 5 triệu đồng/tháng, tùy nơi làm việc và chưa kể các khoản phụ cấp khác. Sau một thời gian làm việc, nếu có đủ kinh nghiệm, có kỹ năng quản lý, bạn hoàn toàn có thể thăng tiến lên cấp bậc cao hơn như Giám sát khu vực giặt là…
Một khách sạn chuyên nghiệp, đẳng cấp không chỉ nằm ở quy mô hoành tráng, phòng ốc tiện nghi mà nó còn nằm ở từng đường gấp gọn gàng, sự sạch sẽ tươm tất của tấm drap giường, tấm khăn trải bàn… Nhân viên giặt là khách sạn chính là những người sẽ tạo nên những giá trị này.