Để hoạt động của nhà hàng diễn ra thuận lợi cũng như giúp cho thực khách được trải nghiệm những dịch vụ tuyệt vời nhất tại đây, nhất định không thể bỏ qua vai trò của Giám sát nhà hàng. Vậy, thực chất công việc và tầm ảnh hưởng của Giám sát trong nhà hàng là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc.
Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực ẩm thực vừa mang đến cơ hội tăng trưởng cho các nhà hàng nhưng cũng đem lại nhiều thách thức cho những đơn vị cùng ngành. Các nhà hàng ra đời ngày càng nhiều đồng nghĩa với sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Do vậy, không khó hiểu tại sao nhu cầu tuyển dụng Giám sát nhà hàng lại tăng lên. Một Giám sát giỏi không chỉ giúp “bộ máy hoạt động” tại nhà hàng ổn định và “vận hành trơn tru” hơn mà còn giúp việc kinh doanh tốt lên nhờ vào chiến lược giữ chân khách hàng.
Qua đó, có thể thấy tầm ảnh hưởng của Giám sát trong nhà hàng là rất lớn. Song không phải ai cũng hiểu được công việc thường ngày của một Giám sát. Nếu bạn tò mò muốn biết, đừng bỏ lỡ những thông tin về bảng mô tả công việc nhân sự này.
>>> Tải ngay bộ mô tả công việc 25 vị trí ngành Nhà hàng Khách sạn TẠI ĐÂY
Giám sát nhà hàng đóng góp rất lớn trong thành công của đơn vị – Ảnh: Internet
Công việc của một Giám sát nhà hàng
1. Giám sát nhân viên
- Giám sát nhà hàng có trách nhiệm phân công, phân nhiệm, bố trí việc làm cho nhân viên.
- Theo dõi công ca thường nhật, hạn chế các trường hợp rời bỏ vị trí làm việc, các hành vi thiếu trách nhiệm hoặc các hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng tới uy tín nhà hàng cũng như phẩm chất nghề nghiệp.
- Giám sát quá trình làm việc hàng ngày của nhân sự thuộc bộ phận quản lý của mình.
2. Giám sát tiêu chuẩn phục vụ của nhân viên
- Kiểm tra và giám sát tình hình chấp hành quy chế, điều lệ của nhân viên trong bộ phận.
- Tìm hiểu yêu cầu và tiêu chuẩn đặt ăn hằng ngày của khách để tổ chức nhân viên thực hiện tốt nhiệm vụ.
- Đề xuất việc tuyển dụng nhân viên để đáp ứng tình hình nhân sự của nhà hàng.
3. Quản lý tài sản, trang thiết bị nhà hàng
- Thực hiện các công việc về quản lý tài sản và các trang thiết bị của nhà hàng.
- Tư vấn và dự trù việc mua sắm tài sản nhà hàng; quản lý việc sử dụng các hàng hoá và vật tư, tránh thất thoát cho đơn vị.
- Kiểm kê, bổ sung trang thiết bị, công cụ dụng cụ trong nhà hàng.
4. Báo cáo và phối hợp các bộ phận khác
- Quản lý tình hình tiêu thụ hàng hoá hằng ngày và định kỳ làm báo cáo cho cấp trên theo quy định.
- Liên hệ chặt chẽ với nhà bếp, quầy Bar để phối hợp đem đến thực phẩm, dịch vụ chất lượng nhất cho khách hàng.
- Thường xuyên phản ánh, trao đổi thông tin giữa các bộ phận với nhau và rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, Giám sát nhà hàng cần phối hợp với các bộ phận khác – Ảnh: Internet
Thu nhập của Giám sát nhà hàng bao gồm lương cơ bản, phí phục vụ, tiền tip và các khoản phụ cấp khác. Lương cơ bản ở vị trí này dao động từ 6 triệu – 8 triệu đồng tùy thuộc vào khả năng, kinh nghiệm của từng Giám sát và quy mô của nhà hàng đó. Không dừng mãi ở một vị trí, Giám sát nhà hàng còn có cơ hội thăng tiến lên các chức vụ cao hơn như Trợ lý Quản lý nhà hàng, Quản lý nhà hàng, Quản lý bộ phận ẩm thực, Giám đốc khối dịch vụ ẩm thực. Bên cạnh đó, những người Giám sát nhà hàng giỏi, có trình độ tiếng Anh tốt còn có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các nhà hàng, khách sạn danh tiếng ở nước ngoài, mở rộng cánh cửa nghề nghiệp của mình.
Là một nhân tố góp phần tạo nên thành công của nhà hàng, bộ phận nhà hàng trong khách sạn, Giám sát là vị trí mà ai cũng mơ ước đạt được. Nếu có ý định theo đuổi nghề này, đừng quên trau dồi thêm cho mình những kỹ năng và phẩm chất cần thiết để làm tốt công việc nhé.