Nghệ Thuật Cân Bằng Cuộc Sống Và Công Việc Để Không Bị Stress - Chefjob.vn

Nghệ Thuật Cân Bằng Cuộc Sống Và Công Việc Để Không Bị Stress

Trong thời buổi hiện đại, đa số chúng ta đều bị cuốn vào công việc, dẫn đến stress, căng thẳng, mệt mỏi vì bị mất cân bằng. Bài viết này của Chefjob.vn sẽ chỉ bạn cách cân bằng cuộc sống và công việc hiệu quả, giúp bạn vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao ở công ty vừa có thời gian dành cho bản thân, gia đình.

can bang cuoc song
Làm thế nào để cân bằng cuộc sống và công việc? – Ảnh: Internet

Đời sống ngày càng hiện đại, đa số chúng ta đều bị cuốn vào công việc, làm việc liên tục và không còn thời gian dành cho bản thân, gia đình để nghỉ ngơi, thư giãn. Lâu ngày, chúng ta sẽ dần cảm thấy mệt mỏi, stress, đầu óc cũng trong tình trạng “căng như dây đàn”. Mỗi người đều có 24 giờ một ngày, làm sao để cân bằng cuộc sống và công việc? Làm sao để hoàn thành mọi deadline mà vẫn còn thời gian để tận hưởng cuộc sống? Cùng tham khảo một số gợi ý sau để áp dụng ngay bạn nhé!

Tác hại của việc mất cân bằng cuộc sống và công việc

Mất cân bằng trong cuộc sống và công việc sẽ khiến thần kinh bị căng thẳng, làm con người mất tập trung, thường xuyên bất an, cáu bẳn, lo lắng. Tình trạng này kéo dài có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến chúng ta dễ mắc bệnh về thể chất như: Đau đầu, đau lưng, bệnh tim và nhiều căn bệnh mãn tính khác. Không ít các nghiên cứu khoa học gần đây đã khẳng định người bị căng thẳng thần kinh trong thời gian dài có nguy cơ trụy tim cao hơn người bình thường. Bên cạnh đó, các vấn đề về tâm lí và sức khỏe do mất cân bằng công việc và cuộc sống gây ra còn dần hủy hoại các mối quan hệ của mỗi người.

suy nhuoc co the
Làm việc liên tục tăng nguy cơ suy nhược cơ thể – Ảnh: Internet

Làm sao để cân bằng cuộc sống và công việc?

Thương lượng với sếp đúng cách

Bạn cảm thấy khối lượng công việc của mình quá nhiều và bạn không thể gánh vác hết mọi thứ? Tại sao không thử thương lượng với sếp? Trên thực tế, nhiều cấp Quản lý hiện nay có cách sử dụng lao động và quản lý nhân sự khá tiến bộ. Họ sẵn lòng tạo điều kiện cho nhân viên nếu được yêu cầu. Vậy nên, nếu cảm thấy mình đang bị “quá tải” công việc, hãy thương lượng một cách khéo léo với sếp để sắp xếp lại lịch làm việc, chia sẻ một phần công việc cho nhân viên khác… Khi đến thương lượng, đừng quên mang theo một bản kế hoạch công việc cụ thể mà nếu làm theo đó sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn.

Quản lý thời gian khoa học

Một trong những nguyên nhân chính khiến bạn luôn bị stress là không biết cách quản lý thời gian. Hãy sắp xếp lịch làm việc và các công việc khác trong ngày một cách khoa học và hợp lý, chuyện nào cần làm trước, chuyện nào cần ưu tiên. Đồng thời đưa ra những mục tiêu thực tế và thời hạn để hoàn thành. Tuân thủ theo thời gian biểu đó, cuộc sống của bạn sẽ trở nên ngăn nắp và nhẹ nhàng hơn, 24 giờ trong ngày được sử dụng một cách hiệu quả.

Chia sẻ gánh nặng

Nếu bạn nghĩ rằng chỉ có bạn mới có thể hoàn thành một công việc, một phận sự nào đấy thì đó cũng chính là lí do khiến bạn stress. Không nên tự tin hay cầu toàn quá mức, thay vào đó, khi gặp khó khăn trong công việc hay cuộc sống, bạn nên nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp và người thân để chia sẻ gánh nặng, giảm bớt áp lực và đảm bảo mọi việc vẫn diễn ra suôn sẻ.

Sẵn sàng cho các kỳ nghỉ

Đã bao lâu rồi bạn không có một kỳ nghỉ trọn vẹn bên gia đình, bạn bè? Nếu đã rất lâu rồi, bạn chỉ gắn liền với công việc và công việc thì đã đến lúc, bạn nên sẵn sàng cho một kỳ nghỉ, “xách ba lô lên và đi” thôi!

Một kỳ nghỉ ngắn ngày, một chuyến đi chơi xa cùng bạn bè, người thân là phương pháp giải tỏa căng thẳng, stress hữu hiệu nhất. Thời gian nghỉ ngơi sẽ giúp bạn có những cách nhìn mới mẻ, tìm ra hướng giải quyết vấn đề đang tồn đọng, nạp lại năng lượng cho cơ thể và tinh thần để trở về làm việc tốt hơn.

xa stress
Những kỳ nghỉ sẽ là phương pháp xả stress tuyệt vời – Ảnh: Internet

Hạn chế các trách nghiệm ngoài lề

“Ôm đồm” quá nhiều trách nhiệm vào người đôi khi không phải là cách hay, bạn nên học cách từ chối những công việc không thuộc phận sự của mình. Đương nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn luôn từ chối mọi yêu cầu nhờ hỗ trợ từ người khác. Bạn chỉ nên đồng ý khi mình thật sự có thời gian để làm. Còn nếu công việc của mình vẫn chưa hoàn thành, bạn đã nhận thêm phần việc người khác thì áp lực, căng thẳng càng tăng lên gấp đôi.

Không mang công việc về nhà

Mang công việc về nhà cũng đồng nghĩa với việc bạn mang thêm rắc rối về tổ ấm của mình. Lúc mới bắt đầu, bạn cảm thấy chẳng có gì nhưng về lâu dài, bạn dần cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, tâm trạng hay cáu kỉnh. Sẽ chẳng ai cảm thấy vui vẻ, dễ chịu nếu công việc cứ tồn đọng, làm mãi cũng không hết việc. Lúc này những thành viên trong gia đình sẽ phải hứng chịu hệ quả từ áp lực công việc của bạn, dẫn đến nguy cơ mất hòa thuận trong nhà.

Nguy hại hơn, điều này còn khiến bạn tăng nguy cơ suy nhược. Tần suất làm việc liên tục khiến cơ thể và đầu óc không kịp hồi phục, , đầu óc và thể lực của bạn sẽ luôn căng thẳng, áp lực, hiệu quả làm việc không cao và sức khỏe của bạn sẽ bị tàn phá nghiêm trọng.

Ăn uống khoa học để cân bằng cuộc sống

Nếu là một người yêu ẩm thực, thường xuyên tìm hiểu về Pháp, bạn sẽ nhận ra tuổi thọ và chỉ số hạnh phúc của người Pháp có liên quan mật thiết đến ẩm thực. Ăn uống lành mạnh, có khoa học đã giúp người Pháp tận hưởng trọn vẹn món ăn, cân bằng cuộc sống để trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

Với người Pháp, ăn uống không chỉ đơn thuần là để đáp ứng nhu cầu cung cấp năng lượng cho cơ thể, họ xem mỗi món ăn là một tác phẩm nghệ thuật và cần tận hưởng nó: Không vội vã mà từ tốn, cho hương vị món ăn lan tỏa ngay trong miệng. Thay vì số lượng, người Pháp chuộng chất lượng hơn, giữa một thanh socola đen hay một chiếc bánh kem “khổng lồ” thì 10 người được hỏi sẽ nhất trí chọn socola đen.

Người Pháp nhai chậm và kỹ mỗi món ăn, chính điều này giúp cho thức ăn dễ tiêu hóa, có lợi cho sức khỏe hơn. Họ thường chỉ ăn vào những bữa chính một cách từ tốn, biết gọi vừa đủ và dừng đúng lúc để bản thân cảm thấy thoải mái sau bữa ăn. Người Pháp cũng thích uống một chút rượu vang để thức ăn tiêu hóa dễ dàng hơn. Sau khi gác nĩa, họ dành thời gian để chuyện trò nhiều hơn, người Pháp thích được lắng nghe và chia sẻ để giúp tinh thần thoải mái, xua đi căng thẳng mệt mỏi.

Họ ít ăn cay, không cho quá nhiều đường hay muối vào món ăn để cảm nhận trọn vẹn sự tươi ngon của thực phẩm. Một trong những thói quen ăn uống lành mạnh của người Pháp mà chúng ta nên học hỏi nữa là họ thường xuyên uống nước lọc. Người Pháp sẽ kết thúc một ngày của mình bằng cốc nước lọc tinh khiết, điều này giúp cơ thể giải độc, tinh thần thư giãn để chìm vào giấc ngủ ngon – sâu hơn.

nguoi phap xem trong chuyen an uong

Người Pháp rất xem chuyện trọng chuyện ăn uống – Ảnh: Internet

Trên đây là chia sẻ của Chefjob.vn về nghệ thuật cân bằng cuộc sống và công việc mà bạn có thể tham khảo, áp dụng để không bị “chìm” trong công việc. “Cuộc sống có bao lâu mà hững hờ”, vậy nên hãy giữ cho bản thân luôn trong trạng thái cân bằng, thoải mái, có như vậy, bạn mới có thể làm việc tốt và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn.

Bài Viết Liên Quan