Nếu trước đây, Ẩm thực Việt chỉ được biết đến qua hình ảnh, tư liệu hay ở nhà hàng Việt, thì ngày nay, món ăn Việt đã được đưa vào thực đơn của nhiều nhà hàng ở nước ngoài. Trong chương trình về Ẩm thực quốc tế, các Đầu bếp nổi tiếng thế giới cũng đã không ngừng ca ngợi nét tinh túy này của người Việt.
Món ăn Việt luôn tạo được sức hấp dẫn riêng trong lòng du khách quốc tế – Ảnh: Internet
Ngoài việc trổ tài chế biến nhiều món ăn ngon được làm từ nguyên liệu và hương vị của Việt Nam, Đầu bếp bốn phương còn thường xuyên tìm hiểu về nguyên liệu, gia vị và phương pháp chế biến độc đáo từ Đầu bếp địa phương ở Việt Nam. Các sản phẩm Ẩm thực được sáng tạo dựa trên nét giản dị, tự nhiên, mộc mạc của đất Việt và được thực khách quốc tế đón nhận nhiệt tình.
Xem thêm: Sức Nóng Ẩm Thực Việt Trên Đất Mỹ
Bí quyết từ việc tận dụng sự đơn giản
Đầu bếp Dennis Hipolito đến từ Philippines chia sẻ rằng, phần lớn món ăn Việt được chế biến từ gạo, thủy sản, thịt và rau xanh. Vì vậy, khi làm món Việt, ông luôn chú ý đến nguyên liệu phải luôn đảm bảo độ tươi, xanh mới có thể tạo nên các món ăn hấp dẫn. Còn theo Didier Corlou, người đã có thời gian dài sinh sống tại Việt Nam, Đầu bếp người Pháp này cho rằng điểm đặc biệt khiến Ẩm thực Việt hấp dẫn bởi chính sự đơn giản và tự nhiên.
Xem ngay: Didier Corlou – “ông Tây nước mắm” và tình yêu với Ẩm thực Việt
Nguyên liệu để làm món ăn Việt không khó kiếm ở nước ngoài vì đã có nhiều cửa hàng thực phẩm Việt. Tuy nhiên, chất lượng thành phần hầu như chỉ đạt được 70 – 80% so với bản xứ. Các Đầu bếp nước ngoài luôn tận dụng chuyến đi giao lưu, du lịch tại Việt Nam để “tranh thủ” mang về những dụng cụ nấu ăn hay gia vị đặc trưng như rau răm, quế, ngò om, húng, chiếc tộ sành để kho thịt, cá…
Hòa nhập một cách linh động
Tùy vào món ăn, Đầu bếp sẽ có cách sử dụng nguyên liệu, gia vị Việt khác nhau, vừa giữ được hương vị đặc trưng, lại vừa mang sự mới mẻ, phù hợp với khẩu vị ở nước ngoài. Ví dụ như khi dùng tỏi để tráng chảo tạo mùi trong các món Âu, Đầu bếp Faissal Abdei-Khaleck (Lebanon), Craig Elliot (Nam Phi) hay Luigi Carola (Ý) đều chọn cách băm nhuyễn, phi hơi cháy vì nhiều thực khách ở phương Tây không chuộng mùi tỏi tươi.
Nước mắm luôn được pha loãng để hợp khẩu vị người phương Tây – Ảnh: Internet
Món ăn Việt thường đi kèm nước mắm để tạo vị đậm đà cho món ăn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thưởng thức được mùi mắm nên loại gia vị này thường được pha loãng (khoảng 15 – 20%) để thoang thoảng hương vị là được. Ngoài ra, Đầu bếp cũng thay thế tỏi bằng gừng, thêm vài hạt đậu phộng rang vàng, chút hạt nêm để làm nước chấm thơm và bùi hơn. Hoặc với các món cá, Đầu bếp sẽ chọn phần thịt không xương, nếu dùng để nướng cũng được trần sơ qua nước nùng nóng để bớt mùi.
Sự biến tấu không thay đổi hương vị
Sự thay đổi trong cách chế biến làm hương vị Việt dễ dàng chấp nhận hơn ở các nước khác, và tuyệt nhiên không làm mất đi nét đặc trưng vốn có của các món ăn này. Nhận thấy khẩu vị là yếu tố quan trọng làm nên thương hiệu món ăn, các Đầu bếp luôn có cách gia giảm gia vị, nguyên liệu sao cho phù hợp. Để làm điều này, Đầu bếp Dennis Hipolito thường thêm một ít xốt mayonaise vào món chả giò, hay Đầu bếp Joanne Limoanco cũng thường cho thêm chút tương ớt trong nhân chả giò cua.
Việc cách điệu để phù hợp với khẩu vị thực khách ở từng địa phương là điều thường xuyên xảy ra. Thế nhưng, mọi sự biến tấu đều chỉ dừng lại ở mức nhẹ nhàng và các Đầu bếp luôn cố gắng giữ nền tảng văn hóa Ẩm thực Việt để họ cảm nhận được tinh túy làm nên món ăn Việt. Vì thế, để làm món ăn Việt, Đầu bếp bốn phương đã không ngừng tìm hiểu, học hỏi để tạo ra một bộ công thức riêng của mình.
Đầu bếp nổi tiếng Gordon Ramsay cũng “phải lòng” Ẩm thực Việt – Ảnh: Internet
Cùng với sự phát triển của Ẩm thực thế giới, Ẩm thực Việt Nam đang ngày càng vươn mình ra thế giới nhờ sự quảng bá rộng rãi từ bàn tay chế biến tài ba của Đầu bếp bốn phương. Món ăn Việt đang dần tìm được chỗ đứng trên thị trường Ẩm thực quốc tế, chờ đợi sự khám phá của các Đầu bếp tương lai.
Tin liên quan