Chọn hình thức đầu tư sang nhượng nhà hàng, sang nhượng khách sạn giúp chủ doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí bỏ ra. Thế nhưng quá trình sang nhượng không hề đơn giản nên để có được kết quả tốt nhất, bạn cần có bí quyết. Vậy đó là gì? Những lưu ý mà Chefjob.vn đề cập trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ.
Kinh doanh sang nhượng nhà hàng, khách sạn đang ngày càng tăng lên – Ảnh: Internet
Thay vì bỏ nhiều công sức, thời gian và chi phí đầu tư từ chọn địa điểm đến thiết kế rồi xây dựng, nhiều đơn vị đã chọn hình thức sang nhượng nhà hàng, sang nhượng khách sạn như một bài toán hiệu quả giải quyết các bất cập trên. Song song với những lợi ích thì quá trình sang nhượng cũng có nhiều điều mà các chủ đầu tư cần lưu tâm. Trước khi đến với các lưu ý đặc biệt này, bạn cần hiểu rõ khái niệm sang nhượng nhà hàng/ khách sạn là gì.
Sang nhượng nhà hàng, sang nhượng khách sạn là gì?
Sang nhượng nhà hàng/ khách sạn là hình thức chuyển giao quyền sở hữu một nhà hàng/ khách sạn từ chính chủ sở hữu cho người hoặc đơn vị khác đứng tên. Quá trình này cần đảm bảo các thủ tục pháp lý theo Luật định. Kinh doanh sang nhượng mang lại nhiều lợi ích thiết thực như tiết kiệm chi phí ban đầu, thúc đẩy thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh nhanh chóng… nên được nhiều người lựa chọn.
Hình thức sang nhượng sẽ giúp nhà đầu tư tiết kiệm chi phí ban đầu – Ảnh: Internet
Thủ tục sang nhượng nhà hàng/ khách sạn
1. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Đây là văn bản mà cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp để ghi lại những thông tin cơ bản của doanh nghiệp. Nguyên tắc chuyển nhượng chỉ ra việc đăng ký kinh doanh thực hiện ở đâu thì tiến hành thay đổi tại địa điểm đó. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo mẫu sẵn có
- Bản sao một trong các loại giấy tờ chứng thực cá nhân: Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu có công chứng hợp lệ
- Hợp đồng sang nhượng theo thỏa thuận các bên
- Tờ khai thông tin người đăng ký hồ sơ theo mẫu
- Mục lục hồ sơ, ghi theo thứ tự như ở trên
- Bìa hồ sơ
2. Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy
Phòng cháy chữa cháy là một trong những yêu cầu bắt buộc tại bất kỳ đơn vị kinh doanh nào và nhà hàng, khách sạn cũng không ngoại lệ. Hồ sơ cấp lại hoặc yêu cầu sửa đổi giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy bao gồm:
- Đơn đề nghị đổi giấy xác nhận
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sau khi đã thay đổi thông tin sửa đổi được công chứng hợp lệ
Thời hạn tối đa để giải quyết yêu cầu về giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy không quá 5 ngày làm việc kể từ lúc cơ quan nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Thủ tục sang nhượng là điều mà các nhà đầu tư cần nắm – Ảnh: Internet
3. Giấy xác nhận đủ điều kiện an ninh – trật tự
Nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như đơn vị chủ quản nên xác nhận đủ điều kiện an ninh – trật tự ở nhà hàng, khách sạn là điều không thể bỏ qua. Trong vòng 7 ngày làm việc, cơ quan nhận đầy đủ hồ sơ sẽ giải quyết cho đơn vị. Hồ sơ cấp đổi bao gồm:
- Văn bản đề nghị có ghi rõ lý do
- Bản sao các tài liệu liên quan tới việc thực hiện việc đổi hoặc cấp lại hợp lệ
Những lưu ý cần biết về sang nhượng nhà hàng/ khách sạn
– Kiểm tra toàn bộ hồ sơ và các loại giấy tờ liên quan tới thủ tục sang nhượng nhà hàng, sang nhượng khách sạn kỹ lưỡng nhằm đảm bảo mọi thứ đều đúng tính pháp lý, tránh bị lừa đảo. Nếu không am hiểu về thủ tục pháp lý, bạn nên nhờ cậy sự tư vấn và hỗ trợ từ những người có chuyên môn.
– Giá trị cơ sở vật chất, tài sản của nhà hàng/ khách sạn cần được định giá chính xác để cả hai bên bán và mua đều không bị thiệt hại.
– Chi tiết các điều khoản hợp đồng: Số tiền chuyển nhượng, tài sản và cơ sở vật chất đi kèm, quyền lợi, nghĩa vụ các bên… càng chi tiết thì xác suất mâu thuẫn, tranh chấp sẽ càng thấp.
– Tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật hiện hành để không phạm phải những sai sót đáng tiếc, ảnh hưởng đến quá trình chuyển nhượng.
Bạn có nhu cầu sang nhượng nhà hàng?
Bạn muốn đầu tư vào hình thức sang nhượng khách sạn để thúc đẩy kinh doanh nhanh chóng?
Vậy thì, hãy nắm rõ các thông tin trên trước khi tiến hành quá trình sang nhượng nhé.
Tin liên quan
Thủ Tục Xin Giấy Phép Kinh Doanh Khách Sạn Cần Những Gì
Kinh Doanh Khách Sạn Và Những Lợi Thế Cạnh Tranh Năm 2018