Nguyên liệu pha chế gồm những loại nào? Nguyên liệu pha chế trà sữa cần gì để cho ra ly trà sữa thơm ngon? Đây là thắc mắc chung của rất nhiều người. Dù bạn chỉ pha chế đồ uống gia đình hay theo nghề Bartender, Barista thì đều cần phải nắm rõ những nguyên liệu dùng trong pha chế. Bài viết này, Chefjob sẽ giới thiệu đến bạn các nguyên liệu cơ bản nhất.
Những loại đồ uống như trà, trà sữa, café, cocktail… đang ngày càng phổ biến và được nhiều người yêu thích. Bạn muốn trở thành một Barista, Bartdender chuyên nghiệp trong tương lai? Bạn muốn mở quán café, trà sữa kinh doanh đồ uống? Để được như vậy, trước hết bạn cần tích lũy cho mình những kiến thức về pha chế, đặc biệt là nguyên liệu pha chế. Bởi nhân viên Pha chế là người kết hợp các nguyên liệu để cho ra thức uống hấp dẫn, nếu không nắm được nguyên liệu, bạn sẽ không thể làm việc được. Vậy nguyên liệu pha chế gồm những gì?
Để tạo nên những loại đồ uống thơm ngon, bạn cần biết sử dụng và kết hợp nguyên liệu một cách chuẩn xác – Ảnh: Internet
Những nguyên liệu pha chế cơ bản
1. Café và trà
Đây là hai loại nguyên liệu pha chế rất phổ biến mà hầu như quán nào cũng đều phải có.
– Café: Có hai dạng đó là café bột và café hạt. Với những cửa hàng trang bị máy xay cà phê thì dạng hạt sẽ được xay đến đâu phục vụ đến đó. Hạt café xay tại chỗ là minh chứng cho chất lượng café không bị pha trộn bất cứ loại phụ phẩm nào khác, tạo sự tin tưởng, yên tâm cho khách hàng. Robusta, Arabia, Moka, Culi, Cherry… là những loại café được sử dụng nhiều nhất.
– Trà: Trà là nguyên liệu không thể thiếu để cho ra những thức uống thời thượng được giới trẻ yêu thích hiện nay như trà đào, trà trái cây và đây cũng là nguyên liệu pha trà sữa – món đồ uống hot nhất thời gian qua. Trà dùng trong pha chế chủ yếu là trà túi lọc, gồm các loại trà thảo mộc và trà hoa quả như trà Ahmad, Lipton… Ngoài ra còn có các loại trà Thái hương thơm nhẹ và dễ thưởng thức.
2. Các loại siro và nước ép trái cây
Siro là một loại thực phẩm có nguồn gốc từ Ả rập, có vị ngọt, dạng lỏng và sánh, là thứ nước đường pha thêm dược phẩm hoặc các loại thảo dược, thuốc, sinh tố trái cây, dùng để cân bằng và kích vị trong các loại đồ uống có nguồn gốc chủ yếu từ nước ngoài như: Soda, cocktail, mocktail, trà sữa…
Siro là nguyên liệu có tác dụng cân bằng và kích vị cho các dòng thức uống như soda, cocktail – Ảnh: Internet
Ngoài những loại siro mang hương vị trái cây tươi thì các thương hiệu còn khai thác thêm những loại siro có hương vị đặc biệt khác như siro cookies, siro rượu, siro tiramisu… Mỗi loại siro thường sẽ thích hợp với từng dòng đồ uống riêng. Có hàng trăm thương hiệu siro trên thế giới nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến các thương hiệu sau: Torani, Monin, DaVinci Gourmet Syrups, Amoretti Premium Syrups…
Nước ép trái cây được làm từ nước ép của các loại trái cây, có thêm đường, đậm đặc vị trái cây, giúp thức uống có hương vị tươi mát, ngon ngọt của trái cây và thơm ngon, bổ dưỡng hơn.
3. Các loại xốt
Xốt trong pha chế có tác dụng trang trí để ly đồ uống thêm bắt mắt hoặc kết hợp với các nguyên liệu khác, giúp hương vị đồ uống thêm hài hòa, trọn vẹn. Các loại thức uống như Latte, Cappuccino, Mocha, Café đá xay, cocktail… sẽ không thể chuẩn vị nếu thiếu đi nguyên liệu xốt. Các loại xốt cơ bản được sử dụng thường xuyên gồm: Xốt topping socola, xốt topping dâu, xốt vị socola trắng…
4. Bột mix, bột cacao, bột socola
– Bột mix (bột nền): Là nguyên liệu pha chế các dòng đồ uống như sinh tố (smoothies), cà phê… có tác dụng giảm phân tầng đồ uống, làm cho các nguyên liệu hòa trộn với nhau và tạo độ sánh, kích vị cho đồ uống thêm thơm ngon.
– Bột cacao, bột socola: Loại bột này được làm từ hạt cacao nguyên chất, có vị đắng, là nguyên liệu không thể thiếu trong các loại đồ uống từ café…
Bột cacao, bột socoal thường được dùng trong các loại thức uống từ café – Ảnh: Internet
– Bột trà xanh: Có nguồn gốc từ Nhật Bản, tăng sức đề kháng, chống lão hóa, bổ sung các axit amin và vitamin tốt cho sức khỏe, đồng thời, loại bột này còn có tác dụng giúp thức uống có màu xanh bắt mắt.
5. Các loại rượu
Rượu là nguyên liệu pha chế chủ đạo để tạo nên những ly cocktail, mocktail nồng nàn, quyến rũ. Rượu trong pha chế có rất nhiều loại. Mỗi loại được làm từ một nguyên liệu khác nhau và mang những tính chất, cách phục vụ khác nhau. Dựa vào những đặc điểm này cùng với công thức, Bartender sẽ tiến hành pha chế và sáng tạo thêm nhiều loại thức uống chinh phục người thưởng thức. Bạn có thể truy cập vào bài viết 6 loại rượu nền trong pha chế cocktail và những câu chuyện chưa kể để hiểu hơn về đặc điểm, tính chất, cách dùng các loại rượu nền.
Đó là các loại nguyên liệu pha chế cơ bản nhưng rất quan trọng trong pha chế mà bạn cần nắm rõ nếu muốn tự tay cho ra những dòng thức uống thơm ngon. Hiểu rõ về nguyên liệu chính là cơ sở để bạn kết hợp, sáng tạo nên nhiều hương vị thức uống tuyệt vời.