Dịch vụ khách sạn có mang lại sự hài lòng cao nhất cho khách hàng hay không phụ thuộc rất lớn vào sự nhiệt tình của nhân viên hành lí và cái mỉm cười thân thiện của nhân viên đứng cửa. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về công việc của nhân viên hành lí và đứng cửa để hiểu thêm về tầm quan trọng của hai vị trí này.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Dịch vụ, Du lịch là sự mở rộng và tăng nhanh của hệ thống khách sạn, nhất là tại các thành phố lớn. Để tăng sức cạnh tranh và thu hút khách hàng, các khách sạn đòi hỏi phải nâng cao chất lượng phục vụ. Chưa bàn đến những điều xa xôi, chất lượng phục vụ nằm ở từng chi tiết nhỏ nhất mà khách hàng sẽ nhận được khi vừa đặt chân đến khách sạn. Trong đó, Nhân viên hành lí (Bell man) và Nhân viên đứng cửa (Door man) là những bộ phận quan trọng, giữ vai trò tạo ấn tượng đầu tiên và sau cùng đối với khách hàng.
>>> Tải ngay mẫu bản mô tả công việc 25 vị trí ngành Nhà hàng Khách sạn TẠI ĐÂY
Bell man và Door man là những vị trí quan trọng để tạo ấn tượng tốt đẹp đối với khách hàng – Ảnh: Internet
Công việc của Nhân viên hành lí (Bell man):
1.Đưa đón, mang vác hành lí giúp khách
- Đón hành lí và mang lên phòng giúp khách một cách cẩn thận.
- Mang hành lí ra khỏi phòng và đưa lên xe giúp khách khi khách ra về.
- Hỗ trợ khách những công việc vặt khác khi đồ lên phòng giúp khách.
- Đảm bảo hành lí của khách vẫn nguyên vẹn, không mất mát, không hư hỏng.
2.Thực hiện những công việc khác
- Thông báo với khách hàng về thủ tục nhận phòng cũng như giúp khách hàng làm quen với cơ sở vật chất trong khách sạn.
- Giới thiệu dịch vụ của khách sạn, chia sẻ những thông tin hữu ích khác như các điểm tham quan du lịch, địa chỉ ăn ngon…
- Giúp khách hàng chuyển fax, tin nhắn, bưu kiện…
- Đảm bảo khu vực tiền sảnh luôn gọn gàng, đủ nhân lực để phục vụ khách.
3.Phối hợp với các bộ phận khác để thực hiện những yêu cầu của cấp trên.
Bell man đảm nhận công việc mang vác hành lí giúp khách hàng – Ảnh: Internet
Mức lương của một Nhân viên hành lí dao động từ 3 – 5 triệu/tháng, tùy nơi làm việc. Để trở thành một Bell man tại các khách sạn, bạn cần hội tụ các tiêu chí sau:
- Sức khỏe tốt để thường xuyên mang vác hành lí giúp khách hàng.
- Hòa nhã, thân thiện.
- Thái độ năng nổ và tinh thần trách nhiệm cao…
Thông thường, vị trí này không yêu cầu kinh nghiệm, thích hợp với những bạn trẻ muốn làm quen, bắt đầu làm việc trong ngành Nhà hàng – Khách sạn.
Công việc của Nhân viên đứng cửa (Door man):
Nhân viên đứng cửa luôn túc trực ở cửa để mở/đóng cửa chào đón khách – Ảnh: Internet
- Túc trực tại cửa khách sạn để mở cửa, đóng cửa giúp khách.
- Nói xin chào khi khách đến và chào tạm biệt khi khách rời đi.
- Đảm bảo đủ nhân sự tại khu vực cửa để khách hàng có cảm giác đang được hoan nghênh, chào đón.
- Cảnh báo khách hàng về dấu hiệu của thời tiết: mang theo ô khi trời có dấu hiệu mưa…
- Điều tiết giao thông để tránh tắc nghẽn ở khu vực ngoài sảnh.
- Bắt taxi khi khách có nhu cầu rời đi.
- Tư vấn cho khách hàng những dịch vụ của khách sạn.
- Chia sẻ thông tin về điểm vui chơi, du lịch, ăn uống tại địa phương cho khách hàng…
- Thực hiện những công việc khác theo yêu cầu của cấp trên.
Mức lương của một Nhân viên đứng cửa cũng tương đương với Nhân viên hành lí, khoảng 3 – 5 triệu/tháng. Do khách khi đến khách sạn sẽ tiếp xúc với Door man đầu tiên nên thái độ, cách làm việc của Door man để lại ấn tượng sâu đậm đối với khách hàng. Muốn trở thành Door man, bạn cần đáp ứng các tiêu chí:
- Thân thiện, lịch sự, tốt bụng.
- Giao tiếp khéo léo, nhanh nhẹn.
- Có kiến thức cơ bản về khách sạn, những dịch vụ mà khách sạn cung cấp để tư vấn cho khách.
- Am hiểu về những điểm vui chơi, ăn uống tại địa phương.
Dù không phải là những cấp bậc cao nhất nhưng Nhân viên hành lí và đóng cửa là những người góp phần tạo nên giá trị của một khách sạn. Nếu bạn yêu thích công việc ngành Nhà hàng – Khách sạn nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu thì hai vị trí này là những gợi ý, vừa giúp bạn làm quen với môi trường làm việc, tích lũy kinh nghiệm vừa có thêm thu nhập.