Mức Đóng, Mã Số, Cách Tính Thuế Thu Nhập Cá Nhân 2019

Thuế Thu Nhập Cá Nhân 2019: Cách Tính, Mức Đóng, Mã Số

Thuế thu nhập cá nhân, thu nhập chịu thuế là gì? Cách tính và mức đóng thuế thu nhập cá nhân 2018 – 2019 ra sao, áp dụng cho đối tượng nào?… là thắc mắc chung của nhiều người lao động. Bài viết này, Chefjob.vn sẽ giúp bạn hiểu hơn về cách tính thuế thu nhập cá nhân để thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

thue thu nhap ca nhanBạn đã biết thuế thu nhập cá nhân được tính như thế nào chưa? – Ảnh: Internet

Thuế thu nhập cá nhân, thu nhập chịu thuế là gì?

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là khoản tiền mà người có thu nhập phải trích nộp một phần tiền lương hoặc từ các nguồn thu nhập khác vào ngân sách nhà nước. Người lao động có trách nhiệm phải nộp thuế theo quy định của Pháp luật.

Theo đó, tổng số các khoản thu nhập: Tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công mà cơ quan, doanh nghiệp chi trả cho nhân viên đều được gọi là thu nhập chịu thuế. Cụ thể, theo Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài Chính, các khoản thu nhập chịu thuế bao gồm:

  • Thu nhập từ kinh doanh (thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề).
  • Thu nhập từ tiền lương, tiền công.
  • Thu nhập từ việc nhận khoản thừa kế.
  • Thu nhập từ việc nhận quà tặng.
  • Thu nhập từ quá trình chuyển nhượng vốn.
  • Thu nhập từ việc đầu tư vốn.
  • Thu nhập từ quá trình chuyển nhượng bất động sản.
  • Thu nhập từ việc nhượng quyền thương mại.
  • Thu nhập từ bản quyền.
  • Thu nhập từ các khoản trúng thưởng.

dong thueĐóng thuế là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của người lao động – Ảnh: Internet

Cách tính và mức đóng thuế thu nhập cá nhân 2018 – 2019

Có 03 phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân 2018 – 2019 được áp dụng hiện nay:

Công thức tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần

Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên:

Cá nhân cư trú có hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên bao gồm trường hợp cá nhân ký hợp đồng lao động lao động từ 03 tháng trở lên ở nhiều nơi và cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần (Theo điểm b, khoản 1 điều 25 của TT 111/2013/TT-BTC).

Công thức tính thuế thu nhập cá nhân như sau:

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Trong đó:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ

  • Thu nhập chịu thuế là tổng thu nhập cá nhân nhận được từ tổ chức chi trả không bao gồm các khoản sau: Tiền ăn giữa ca, ăn trưa + Tiền phụ cấp điện thoại + Tiền phụ cấp đồng phục + Công tác phí + Tiền lương làm thêm giờ, làm ban đêm.
  • Các khoản giảm trừ bao gồm: Giảm trừ gia cảnh (bản thân 9.000.000 và người phụ thuộc là 3.600.000 tính trên 1 tháng), các khoản bảo hiểm xã hội, các khoản đóng góp từ thiện, khuyến học.

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo Biểu thuế luỹ tiến từng phần:

  • Thu nhập tới 05 triệu đồng, áp dụng thuế suất (TS) 05%.
  • Thu nhập từ trên 05 đến 10 triệu đồng, áp dụng TS 10%.
  • Thu nhập từ trên 10 đến 18 triệu đồng, áp dụng TS 15%.
  • Thu nhập từ trên 18 đến 32 triệu đồng, áp dụng TS 20%.
  • Thu nhập từ trên 32 đến 52 triệu đồng, áp dụng TS 25%.
  • Thu nhập từ trên 52 đến 80 triệu đồng, áp dụng TS 30%.
  • Thu nhập trên 80 triệu đồng, áp dụng TS 35%.

Công thức khấu trừ 10%

Dành cho cá nhân không ký HĐLĐ hoặc có ký HĐLĐ nhưng dưới 3 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên:

  • Đối với cá nhân cư trú, thuế suất áp dụng trong công thức tính thuế TNCN phải nộp là 10% tổng thu nhập.
  • Đối với cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% như trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh mà chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân đó làm bản cam kết TNCN theo mẫu 02/CK – TNCN gửi tổ chức chi trả thu nhập để tổ chức làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN cho cá nhân đó. Cá nhân làm cam kết sẽ phải chịu trách nhiệm về cam kết của bản thân, nếu phát hiện gian lận sẽ xử phạt theo quy định của Luật thuế hiện hành.

Công thức khấu trừ 20%

Dành cho cá nhân không cư trú. Cụ thể:

  • Không có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
  • Không có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp này được tính theo công thức:

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế x 20%

Mã số thuế cá nhân

Mã số thuế cá nhân là gì?

Mã số thuế cá nhân được hiểu là một mã số thuế duy nhất của người lao động với mục đích kê khai cho mọi khoản thu nhập. Việc đăng ký, cấp mã số thuế cá nhân sẽ được thực hiện ở cơ quan thuế hoặc tại các cơ quan chi trả thu nhập theo quy định pháp luật.

ma so thue ca nhanMỗi cá nhân sẽ có một mã số thuế cá nhân duy nhất – Ảnh: Internet

Quyền lợi khi đăng ký mã số thuế cá nhân

  1. Người phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh: Nếu có mã số thuế thì khi tính thuế thu nhập cá nhân, người lao động sẽ được giảm trừ gia cảnh. Trong đó, riêng bản thân người lao động sẽ được trừ 9 triệu đồng một tháng và 3,6 triệu đồng một tháng cho một người phụ thuộc bao gồm cha, mẹ, con cái, vợ hoặc chồng…
  2. Được khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân: Đăng ký mã số thuế cá nhân giúp người lao động chỉ bị tạm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10% thay vì 20% nếu chưa có mã số thuế, khi xuất hiện các khoản thu nhập vãng lai trên 1.000.000 đồng cho một lần từ việc cung cấp dịch vụ mà người lao động không ký kết hợp đồng lao động. Lưu ý: Khi có công việc vãng lai, người lao động cần chứng từ khấu trừ thuế và lưu giữ đầy đủ các chứng từ này để việc hoàn thuế hoặc quyết toán thuế sớm được giải quyết.
  3. Được giảm thuế nếu bị tai nạn bất ngờ, bị bệnh hiểm nghèo, bị thiên tai hoặc hỏa hoạn: Đây là một trong những quyền lợi mà người lao động sẽ nhận được nếu đăng ký mã số thuế cá nhân. Điều này có nghĩa là những người có mã số thuế cá nhân sẽ được cơ quan thuế giảm thuế nếu chẳng may gặp phải các trường hợp: Bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn bất ngờ, bị thiên tai, bị hỏa hoạn…
  4. Được hoàn lại thuế thu nhập cá nhân nếu nộp thừa: Theo Luật thuế, nếu số thuế bị khấu trừ hàng tháng nhiều hơn số thuế thực sự phải nộp thì người lao động sẽ được hoàn lại số thuế nộp thừa bằng tiền.
  5. Người đăng ký mã số thuế cá nhân sẽ được cung cấp các dịch vụ về thuế nhanh chóng, thuận tiện nhất.

Hồ sơ đăng ký mã số thuế cá nhân

  • Hồ sơ đối với cá nhân đăng ký thuế trực tiếp tại cơ quan thuế bao gồm: Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu 05-ĐK-TCT; Bản sao không yêu cầu chứng thực của thẻ căn cước (hoặc giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam), hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân là người Việt Nam sống ở nước ngoài cà cá nhân có quốc tịch ở nước ngoài.
  • Hồ sơ đối với cá nhân đăng ký thuế tại cơ quan chi trả thu nhập bao gồm: Văn bản ủy quyền và giấy tờ cá nhân (bản sao không yêu cầu chứng thực thẻ căn cước hoặc giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam, hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân là người Việt Nam sống ở nước ngoài cà cá nhân có quốc tịch ở nước ngoài) cho cơ quan chi trả thu nhập.

Người lao động có thể tra mã số thuế cá nhân online tại Tổng cục thuế.

Thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi với thuế thu nhập cá nhân góp phần điều tiết thuế với những người có thu nhập cao, đảm bảo công bằng xã hội. Nếu bạn đang là người đi làm và có thu nhập cụ thể hàng tháng, thông tin về thu nhập chịu thuế Chefjob.vn vừa chia sẻ sẽ giúp bạn tự tính toán và kiểm tra chính xác hơn.

Bài Viết Liên Quan