Đầu bếp không có dao giống như chiến sĩ ra trận mà thiếu súng vậy, dao là vật dụng cơ bản và cần thiết mà các Đầu bếp quý hơn cả vàng. Thế giới Ẩm thực phong phú đến nhường nào thì bộ dao chế biến của Đầu bếp cũng đa dạng chừng đó. Bạn đã biết bộ dao làm bếp nào tốt, phù hợp, đạt tiêu chuẩn chưa?
Mặc dù bộ dao làm bếp và người Đầu bếp “như hình với bóng”, thế nhưng mỗi loại dao khác nhau sẽ được sử dụng cho một công đoạn khác nhau. Có dao chuyên dùng cho thái rau củ quả, loại dao khác sẽ là công cụ cắt thịt, cá… Do vậy, mỗi Đầu bếp có khi sở hữu rất nhiều loại dao khác nhau, đòi hỏi phải là người biết chọn bộ dao tốt nhất.
Thế giới của những con dao dành cho Đầu bếp rất đa dạng và phong phú – Ảnh: Internet
2 cách chọn bộ dao làm bếp phổ biến của Đầu bếp
Chọn dao dựa vào công năng
- Dao kiểu Pháp: Là loại dao thông dụng có thiết kế lưỡi trung bình, hơi cong giúp Đầu bếp băm chặt hoặc cắt gọt thực phẩm một cách cơ bản.
- Dao gọt vỏ: Có thiết kế chiều dài lưỡi khoảng 8 – 10cm, phần cán dài, chỉ dùng để gọt vỏ rau củ quả.
- Dao đa năng: Dao có một cạnh răng cưa và phần lưỡi dao dài khoảng 13cm, có thể dùng cắt thịt, rau quả hoặc chuẩn bị món bánh mì sandwich cũng hợp.
- Dao bánh mì: Chúng được thiết kế với lưỡi dao có răng cưa hoặc cạnh vỏ sò, lưỡi dài, cho phép dao có thể cắt một lớp vỏ cứng và dày trên ổ bánh mì mà không làm bánh bị rách hay nhăn nhúm.
- Dao khắc: Có mũi tròn hoặc chóp nhọn, phần thân bằng phẳng, sử dụng để lọc thịt khỏi xương, cắt các đồ chiên.
- Dao phi lê: Thiết kế gồm lưỡi hẹp, cứng và cong lên trên nên Đầu bếp thường dùng để lọc xương và da thịt, cá ra. Dao có kiểu dáng thanh mảnh, sắc nét và kích thước từ 12 – 17cm.
- Dao chặt: Phần lưỡi dao dày, nặng, phần sống dao hơi cong lên, dùng để chặt, thái hoặc băm thịt.
Chọn dao dựa vào chất liệu
- Dao thép rèn: Lưỡi và chuôi liền trong một mảnh, Đầu bếp không còn lo lắng chúng bị sút cán. Tuy nhiên, loại dao này có nhược điểm là khi cầm dễ trơn, ảnh hưởng tới thao tác khi dùng tốc độ nhanh.
- Dao thép cắt: Chúng cũng được làm từ một dải thép không rỉ nhưng thiếu tính chắc chắn so với dao thép rèn. Giá cả phải chăng, dễ sử dụng là lợi thế của loại dao này.
Mỗi loại dao đều có những công năng riêng – Ảnh: Internet
- Dao thép cacbon: Được làm từ thép cacbon không gỉ, các Đầu bếp đánh giá đây là loại dao có chất lượng tốt nhất. Lưỡi dao sắc và rất mịn, không phải mài thường xuyên mà vẫn giữ được độ bén.
- Dao inox: Có độ bóng và độ bén tốt, dao đáp ứng được nhiều mục đích của Đầu bếp, nhiều người nội trợ cũng rất tin dùng loại dao này.
Các loại dao Nhật phổ biến
Theo thống kê, tại Nhật Bản có đến hơn 50 loại dao, được dùng cho các loại món ăn và nguyên liệu khác nhau. Dao Nhật thường được làm từ thép không gỉ, tăng cường độ chống ăn mòn trong khi vẫn duy trì độ cứng và bền. Khác với dao phương Tây mài sắc cả hai mặt, dao Nhật thường chỉ mài sắc một mặt, mặt còn lại là phẳng. Người Nhật quan niệm rằng lưỡi dao mài một mặt sẽ cắt tốt hơn và làm cho vết cắt sạch, đồng thời, nó an toàn hơn mặc dù đòi hỏi kỹ năng sử dụng khéo léo.
- Dao Deba: Dao chuyên dụng cắt cá, chiều dài lưỡi dao khoảng 18 – 30cm, cán bằng gỗ. Loại dao này có bề mặt rất sắc bén, khi cắt, bạn cần đưa lưỡi dao vào giữa phần xương và thịt cá, ấn lực vừa đủ rồi từ từ di chuyển dao để tách thịt cá ra khỏi phần xương một cách dễ dàng.
- Dao Maguro: Dao này thường được dùng khi cắt những loại cá lớn dài vài mét và nặng hàng trăm kilogram. Nhìn bên ngoài, loại dao này giống như một thanh kiếm với phần lưỡi dao mảnh và dài.
- Dao Sashimi: Là loại dao chuyên dụng dùng để cắt thái các món cá sống. Dao có kiểu dáng hơi giống dao Maguro nhưng phần lưỡi ngắn hơn. Với cấu tạo lưỡi dao dài và sắc, các Đầu bếp sẽ tạo nên đường cắt sashimi dứt khoát, đồng đều và đẹp mắt.
- Dao Usuba: Lưỡi dao hình chữ nhật, mũi dao vuông góc, chuyên dùng cắt rau củ quả dạng sợi thanh mảnh, trang trí món ăn cho đẹp mắt.
- Dao Santoku: Dao được sản xuất từ những năm 1950, dùng cắt gọt từ rau củ quả đến thịt, cá… Chiều dài dao khoảng 12 – 18cm, độ cân bằng tốt, cấu tạo lưỡi được mài thích hợp để cắt thái nhiều nguyên liệu khác nhau.
Dao Nhật được nhiều Đầu bếp trên thế giới ưa chuộng – Ảnh: Internet
Đầu bếp chuyên nghiệp luôn dùng dao đúng mục đích và phù hợp với từng loại. Bộ dao làm bếp trước khi nấu và sau khi nấu phải khác nhau, sử dụng xong phải rửa sạch ngay và để ráo hoặc lau khô bằng vải mới đem cất. Bạn thường dùng con dao nào nhất? Hãy chia sẻ những điều thú vị về dao nấu nướng với Chefjob ngay nhé.
Tin liên quan