Trở thành một Bếp trưởng với mức lương cao và nhiều cơ hội thăng tiến là mong muốn của bất kỳ ai đang theo đuổi nghề Bếp. Nhưng để xứng đáng ở vị trí này bạn cần đảm bảo kỹ năng và kinh nghiệm nhất định. Hãy cùng Chefjob.vn tìm hiểu 5 yếu tố để trở thành Bếp trưởng chuyên nghiệp qua bài viết dưới đây nhé.
Bếp Trưởng Pierre Gagnaire từng chia sẻ: “Tôi đã từng nhiều lần nếm trải thất bại. Tôi tự nhủ mình phải là chính mình và việc thất bại là “điều kiện cần” trước khi đạt được thành công”. Muốn đứng ở vị trí Bếp Trưởng, mỗi Đầu bếp đều phải trải qua một hành trình dài không ít khó khăn, vất vả. Bạn có thể bắt đầu ở vị trí thấp nhất, là một thực tập sinh hoặc Phụ bếp để làm quen cũng như trải nghiệm công việc. Những khởi đầu này sẽ là bàn đạp để bạn bước tiếp đến các vị trí cao hơn như: Trợ lý Bếp, Đầu bếp, Trưởng nhóm Bếp, Bếp Phó, rồi chinh phục đến vị trí Bếp Trưởng.
Kinh nghiệm và trình độ
Trở thành Bếp Trưởng rất khác so với Đầu bếp mới vào nghề hay người nội trợ, họ không chỉ có kỹ năng mà còn tích lũy kinh nghiệm từ những bài học thực tế có được trong suốt quá trình làm nghề của mình. Bên cạnh đó, chứng chỉ nghề Bếp từ các trường hay trung tâm đào tạo uy tín cũng được xem là “tấm vé thông hành” giúp bạn bước qua “ngưỡng cửa” nghề nhanh hơn.
Niềm đam mê công việc
Đây cũng là yếu tố góp phần quan trọng củng cố vị trí Bếp trưởng. Nghề Bềp rất vất vả, đặc biệt là ở vị trí Bếp Trưởng, bạn không chỉ quản lý mọi chuyện trong Bếp mà còn phải nuông chiều khẩu vị của nhiều thực khách khác nhau. Hơn thế, khi làm nghề này bạn sẽ thường xuyên đi sớm về trễ, đứng liên tục trong suốt ca làm, chịu cảnh nóng nực bức bối… vì thế nếu không đủ đam mê, bạn khó có thể kiên trì gắn bó với nghề.
Nghiệp vụ chuyên môn
- Kỹ năng sáng tạo: Tạo ra công thức chế biến món ăn mới, cách trình bày, trang trí món ăn đẹp mắt.
- Kỹ năng quản lý: Chịu trách nhiệm lãnh đạo đội ngũ Đầu bếp.
- Kỹ năng tổ chức: Lập bảng phân công nhiệm vụ, giao hàng, lưu trữ thực phẩm…
- Kỹ năng lập kế hoạch: Lập kế hoạch thực đơn và đảm bảo các món ăn thích hợp với thời điểm.
- Kỹ năng tài chính: Khả năng thương lượng giá cả và quản lý ngân sách.
- Kỹ năng giao tiếp: Làm việc với cấp trên, giao lưu cùng đồng nghiệp và khách hàng một cách khéo léo, tinh tế.
- Kỹ năng ngoại ngữ: Thành thạo ngoại ngữ, thuật ngữ chuyên ngành, đặc biệt là tiếng Anh.
Trách nhiệm công việc
Bếp Trưởng là người chịu trách nhiệm toàn bộ khu vực Bếp, từ việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động cho đến tiêu chuẩn vận hành, kỹ năng nghề, kế hoạch nhân sự… Cùng với kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn, Bếp Trưởng cũng là người chịu trách nhiệm về chất lượng món ăn trước khi đến tay thực khách. Tóm lại, công việc cùng trách nhiệm của Bếp Trưởng là điều hành, giữ cho tiến độ luôn ở mức đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. Một số công việc được xem là đặc thù riêng của vị trí này như:
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và quy cách vận hành gian Bếp.
- Phụ trách lên thực đơn, đề ra quy cách và chất lượng món ăn.
- Quản lý hàng hóa trong Bếp.
- Điều hành toàn bộ công việc trong khu vực Bếp.
- Phụ trách lên kế hoạch và đào tạo kỹ năng chung cho nhân sự bộ phận Bếp
- Lập bảng chi tiêu và đặt hàng.
- Một số công việc khác như trao đổi, báo cáo với doanh nghiệp, tập đoàn…
Tố chất cá nhân
Không đơn giản chỉ là trách nhiệm cùng kỹ năng, một người Bếp Trưởng chuyên nghiệp cần sở hữu các tố chất như:
- Sức khỏe tốt, chịu được áp lực cao.
- Kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn thận và khéo léo.
- Có gu thẩm mỹ tốt, cảm ứng nhanh nhạy với mùi vị.
- Ý thức cao và luôn kính nghiệp.
Không có con đường nào trải đầy hoa hồng, việc chinh phục vị trí Bếp Trưởng cũng vậy. Dù bạn sẽ gặp nhiều gian nan, thử thách nhưng vinh quang và hạnh phúc sẽ luôn chờ đợi. Hy vọng những thông tin mà Chefjob chia sẻ đã phần nào giúp bạn định hình đam mê và tìm được hướng phát triển tốt nhất cho bản thân trên bước đường sự nghiệp tương lai.
Tin liên quan:
Những Nữ Bếp Trưởng Số Một Thế Giới: Khi Nấu Ăn Không Chỉ Là Thiên Chức