Probation là gì? Đây là giai đoạn cần thiết và quan trọng với bất kỳ ứng viên mới nào, nhất là những người chưa có kinh nghiệm làm việc. Mặc dù không quá dài nhưng quãng thời gian này cũng đủ để ứng viên mới thích nghi môi trường, học hỏi và bổ sung kỹ năng cần thiết cũng như hiểu rõ bản thân rằng mình có thích công việc này hay không?
Probation là giai đoạn rất quan trọng đối với người đi làm – Ảnh: Internet
Những gì bạn học tại trường chỉ là kiến thức, kỹ năng nền tảng để làm bước đệm cho công việc chứ không thể giúp bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong thực tế, muốn nắm bắt và vận dụng điều được học trong công việc, bạn cần trải qua thêm một giai đoạn mà người ta gọi là Probation. Có phải bạn đang phân vân và ngờ ngợ Probation là gì đúng không?
Probation là gì?
Probation được hiểu là quá trình tập sự hay thử việc, giai đoạn mà các sinh viên mới ra trường hay ứng viên muốn “nhảy” việc hầu hết đều cần trải qua để hòa nhập vào môi trường làm việc mới. Giám đốc Công ty Atico – Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: “Có thể ứng viên đã là người đi làm, quen với môi trường công việc nhưng mỗi doanh nghiệp lại có một bản sắc riêng, đòi hỏi sự hòa nhập và thích nghi từ họ để tạo dựng quan hệ, lòng tin giữa đồng nghiệp lẫn cấp trên, với mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng nhau phát triển”.
Các chuyên gia nhân sự cũng lý giải, quá trình Probation vô cùng cần thiết và hữu ích, giúp người lao động lẫn doanh nghiệp “nhận diện” và thấu hiểu nhau hơn, từ đó đi đến sự thỏa thuận và gắn kết để hợp tác lâu dài hoặc tìm cho nhau những lối đi riêng.
Trước khi trở thành một Đầu bếp giỏi, bạn cần phải học hỏi rất nhiều và thực tập sinh chính là bước đệm đầu tiên – Ảnh: Internet
Probation – làm gì để “sống sót” và tỏa sáng?
Nếu như CV và buổi phỏng vấn giúp bạn có tấm vé thông hành bước vào môi trường làm việc tại doanh nghiệp thì Probation là giai đoạn quyết định bạn có trụ vững lòng tin của nhà tuyển dụng hay không. Những gì bạn thể hiện tại Probation sẽ định đoạt tương lai của bạn đấy. Muốn “sống sót” dễ dàng và tỏa sáng trước các sếp, hãy làm theo các giải pháp từ các chuyên gia mà Chefjob tổng hợp được dưới đây:
– Hết mình vì công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: Bạn biết đấy, điểm yếu của bạn so với những nhân viên chính thức chính là kinh nghiệm làm việc tại công ty ít hơn. Do vậy, để bù lại, bạn cần thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được nhiệt huyết, sự tận tâm của mình khi làm việc. Tất nhiên, các nhiệm vụ được cấp trên giao phó, bạn cần hoàn thành tốt nhất để thể hiện năng lực của mình. Nếu bạn bạn thực tập vị trí Phụ bếp, hãy thể hiện vai trò đắc lực, là “cánh tay phải” không thể thiếu với các Đầu bếp. Nếu bạn thử việc nhân viên Lễ tân, hãy chứng minh cho quản lý thấy được sự nhiệt tình và tận tâm của bạn với khách hàng.
– Tuân thủ quy định của doanh nghiệp: Ngoài năng lực thì các nhà tuyển dụng cũng rất xem trọng đạo đức, thái độ của nhân viên. Thay tìm người giỏi nhất, họ thường có xu hướng chọn nhân viên phù hợp nhất với môi trường, văn hóa công ty. Nên nếu không tự ý thức và đưa mình vào khuôn mẫu chính sách, nguyên tắc,… tại doanh nghiệp đó, bạn đã tự đào thải và bỏ lỡ cơ hội gắn bó lâu dài ở đây rồi.
Mỗi công ty đều có những quy định riêng mà nhân viên phải tuân thủ theo – Ảnh: Internet
– Tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp: Những người hôm nay bạn nghĩ là người lạ rất có thể sẽ trở thành người cùng “chung lưng đấu cật” trong tương lai. Vậy nên trước lạ sau thân, hãy chủ động làm quen và hòa nhập với mọi người để phối hợp, hỗ trợ nhau trong công việc. Từ kinh nghiệm, chỉ dẫn của đồng nghiệp đi trước, bạn sẽ trau dồi cho mình thêm nhiều kỹ năng thực tế hơn.
– Tỏa sáng đúng lúc: Dù không phải mặt trời, bạn cũng cần tỏa sáng trước nhà tuyển dụng để ghi điểm, có như vậy thì xác suất được giữ lại mới nằm trong tầm tay. Dù là nhân viên mới nhưng đừng vì thế mà tự ti không dám phát biểu ý kiến, đưa ra những cải cách, sáng tạo. Dù đề xuất của bạn chưa phù hợp, còn nhiều sai sót hay được đánh giá cao thì bạn cũng đã thể hiện cho cấp trên thấy được tâm huyết, sự quan tâm của mình đối với doanh nghiệp, từ đó tạo ấn tượng tốt với họ.
Tỏa sáng trước sếp giúp bạn được đánh giá cao hơn dù chưa phải là nhân viên chính thức – Ảnh: Internet
Bạn cần hiểu rằng bản thân có được nhà tuyển dụng giữ lại hay không sau Probation phụ thuộc hoàn toàn vào chính bạn. Nếu bạn cảm thấy yêu thích công việc và môi trường tại đó, đừng ngần ngại thể hiện hết khả năng, bản lĩnh của mình, minh chứng cho nhà tuyển dụng biết. Chefjob tin rằng, sau khi thấu hiểu Probation là gì và những điều cần làm trong Probation, bạn sẽ có khoảng thời gian tập sự/ thử việc thành công.