Ngày nay, nghề Bếp là một trong những nghề nghiệp thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ với mức thu nhập hấp dẫn và nhiều cơ hội thăng tiến trong tương lai. Vậy, có bao nhiêu nấc thang và đỉnh cao nhất với người theo đuổi nghề “chơi với dao, đùa với lửa” này là gì? Hãy cùng Chefjob.vn khám phá qua bài viết dưới đây.
Nhiều năm trở lại đây ở nước ta, nghề Bếp dần thu hút, nhận được sự quan tâm và lựa chọn theo đuổi của đông đảo giới trẻ. Mặc dù, đây không phải là công việc xa lạ, tuy nhiên hầu hết những ai mới tham gia vào nghề vẫn còn nhiều thắc mắc liên quan: Mức lương nghề Bếp bao nhiêu, lộ trình thăng tiến là gì, công việc ở từng vị trí ra sao…? Nếu bạn cũng đang thắc mắc những vấn đề tương tự thì các thông tin mà Chefjob tổng hợp sau đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời hợp lý.
Lộ trình nghề Bếp và mức lương, mô tả công việc từng vị trí
Vị trí Thực tập sinh (Internship)
Đây là vị trí đầu tiên trong lộ trình theo đuổi nghề Bếp mà bất kỳ ai mới bắt đầu cũng trải qua. Thực tập sinh thường là những bạn đang theo học hoặc mới tốt nghiệp tại các trường nghề, trung cấp có liên quan đến ẩm thực và chế biến món ăn. Thực tập sinh đảm nhiệm những công việc được phân công trong bếp, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và yêu cầu của khu bếp
Thực tập sinh thường không nhận lương mà hưởng các khoản phụ cấp khoảng 1 triệu đồng/tháng, hoặc theo chính sách ở từng nhà hàng khách sạn.
Vị trí Phụ bếp (Kitchen helper)
Công việc chính của Phụ bếp như chuẩn bị, sơ chế nguyên liệu cho ngày làm việc theo món và dọn dẹp những khu vực được giao. Tùy quy mô mà số lượng Phụ bếp tại các nhà hàng, khách sạn có thể lên đến 10 người.
Khi làm việc ở vị trí này thường không yêu cầu kinh nghiệm và kỹ năng nhiều. Mức lương trung bình cho vị trí này khoảng 4 – 4.5 triệu đồng/tháng.
Vị trí Đầu bếp (Cook)
Để lên vị trí Đầu bếp, bạn cần tích lũy từ 1 – 2 năm kinh nghiệm làm việc Phụ bếp. Công việc chính của Đầu bếp là chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, vật dụng cần thiết cho quá trình thực hiện các món ăn trong thực đơn nhà hàng, trực tiếp chế biến món ăn, kết hợp với việc trình bày các món ăn đẹp mắt theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bếp Trưởng. Mức lương trung bình của vị trí này dao động từ 5 – 7 triệu đồng/tháng.
Xem chi tiết Mô tả công việc Đầu bếp TẠI ĐÂY
Nghề Bếp nhiều vất vả nhưng cũng nhiều cơ hội thăng tiến
Vị trí Tổ phó/ Ca phó bếp (Demi Chef)
Nhiệm vụ của các Tổ phó/ Ca phó bếp là tiến hành chế biến các món ăn được phân chia theo phân khu menu. Hỗ trợ các công việc cho Tổ trưởng nhằm đảm bảo khu vực mà mình phụ trách luôn hoạt động ổn định. Mức lương của Tổ phó/ Ca phó bếp dao động 7 – 9 triệu đồng/tháng.
Vị trí Tổ trưởng/ Ca trưởng (Chef de Partie)
Trong nhà hàng khách sạn có rất nhiều Tổ trưởng/ Ca trưởng đảm nhận những vai trò khác nhau như Tổ trưởng/ Ca trưởng phụ trách làm nước sốt, chế biến các món ăn về cá, đảm nhiệm các món nướng, quay… Đây là một trong những vị trí đang thiếu hụt tại nhiều nhà hàng, khách sạn cao cấp hiện nay nên nhu cầu tuyển dụng rất cao, mức lương cơ bản của vị trí này khoảng từ 9 – 11 triệu đồng/tháng.
Vị trí Bếp Phó (Sous Chef)
Bếp phó chịu trách nhiệm thay mặt Bếp trưởng quản lý các công việc trong khu bếp khi Bếp trưởng vắng mặt, Bếp phó còn chịu trách nhiệm theo dõi hàng tồn kho nhà bếp, tổ chức và đào tạo nhân viên mới.Trong những nhà bếp có quy mô lớn luôn có nhiều hơn một Bếp phó, mỗi Bếp phó sẽ chịu trách nhiệm một bộ phận riêng.
Thu nhập của Bếp phó khá hấp dẫn, theo khảo sát trung bình Bếp phó có mức lương khoảng từ 12 – 15 triệu đồng/tháng.
Vị trí Bếp trưởng (Head Chef)
Đây là đỉnh cao trong lộ trình thăng tiến của nghề Bếp, được đánh giá là vị trí then chốt tại khu vực bếp ở nhà hàng, khách sạn. Bếp trưởng sẽ quản lý toàn bộ khu bếp, thiết kế menu cho nhà hàng. Để đảm nhiệm công việc của Bếp trưởng không chỉ đòi hỏi kỹ năng chế biến món ăn thành thạo mà bạn còn cần có kỹ năng quản lý nhân sự, sắp xếp công việc, lãnh đạo…
Mức lương cơ bản của vị trí này nằm trong khoảng 15 – 20 triệu đồng/tháng.
Nghề Bếp mang đến công việc ổn định và thu nhập hấp dẫn
Vị trí Bếp phó điều hành (Executive Sous Chef)
Bếp phó điều hành đóng vai trò là “cánh tay phải đắc lực”, hỗ trợ Bếp trưởng điều hành để quản lý toàn bộ bếp trong nhà hàng, khách sạn. Ở vị trí này, bạn sẽ là người lên kế hoạch đào tạo cho từng bộ phận; lên thực đơn cũng như đưa ra tiêu chuẩn cho từng món ăn; chịu trách nhiệm chi tiêu toàn bộ phận bếp. Mức lương của Bếp phó điều hành nằm ở khoảng 20 – 25 triệu đồng/tháng.
Vị trí Bếp trưởng điều hành (Executive Chef)
Bếp trưởng điều hành là người quản lý tất cả các bếp thuộc nhà hàng, khách sạn. Công việc chính của họ là quản lý và đào tạo nhân sự; tiến hành kiểm soát thực đơn, tiêu chuẩn món ăn; chịu trách nhiệm quản lý nguyên vật liệu, hàng hóa và thực phẩm; quản lý kế hoạch tài chính của bộ phận bếp. Bếp trưởng điều hành có mức lương từ 25 triệu trở lên mỗi tháng.
Vị trí Giám đốc khối dịch vụ ẩm thực (Director of F&B)
Công việc của Giám đốc khối dịch vụ ẩm thực là đảm bảo mục đích tài chính của toàn khối ẩm thực ở nhà hàng, khách sạn mà mình làm việc; điều phối quá trình hoạt động của toàn khối, đảm bảo mọi thứ đều vận hành tốt; phối hợp với các khối/ bộ phận/ phòng ban khác thúc đẩy doanh thu nhà hàng, khách sạn tăng trưởng thông qua ẩm thực… Đảm nhận vị trí Giám đốc khối dịch vụ ẩm thực, bạn sẽ nhận được mức lương từ 30 triệu đồng trở lên/tháng.
Sở dĩ các mức lương ở trên đây có sự dao động là vì tùy vào từng chính sách, công việc thực tế, quy mô… ở mỗi nhà hàng, khách sạn nên con số áp dụng cho những vị trí này sẽ không giống nhau. Mức lương tham khảo mà Chefjob.vn đề cập ở trên chỉ là cơ bản, bạn sẽ nhận thêm các khoản phụ cấp, tiền thưởng… khác để nâng mức thu nhập của mình.
Tin liên quan