Đối với những người thích làm bánh, khuôn là một vật dụng không thể thiếu cho giây phút sáng tạo nên những món bánh hấp dẫn. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại khuôn làm bánh khác nhau, mỗi loại đều có công dụng định hình riêng tùy vào mục đích sử dụng của thợ bánh. Cùng Chefjob.vn khám phá sự đa dạng của khuôn làm bánh nhé.
Trước khi làm bánh, bạn cần có kiến thức về khuôn bánh, biết được sự đa dạng của khuôn bánh sẽ giúp bạn lựa chọn những loại khuôn chất lượng, phù hợp nhất với loại bánh mình sẽ làm. Khuôn bánh hiện nay có rất nhiều kích thước, chất liệu và hình dáng cũng vô cùng phong phú. Người ta phân loại khuôn bánh phù hợp với từng loại bánh.
Khuôn giấy làm các loại bánh Muffin và Cupcake – Ảnh: Internet
Để sử dụng khuôn bánh đúng yêu cầu, bạn phải chọn những loại khuôn đúng với kiểu bánh, kích thước của khuôn bánh phải vừa với kích thước lò nướng nhà bạn. Để phân biệt các loại khuôn bánh, và dễ dàng lựa chọn khi đứng trước “rừng” khuôn bánh. Chefjob.vn sẽ giới thiệu đến các bạn những loại khuôn bánh phổ biến hiện nay.
Khuôn Muffins, Cupcakes
Muffins và Cupcakes là hai loại bánh khác nhau nhưng về hình dáng thì khá giống nhau nên có thể dùng chung một loại khuôn. Khuôn bánh có dạng chiếc cốc, một khay khuôn có khoảng 6 – 12 cốc giống nhau, kích thước có thể to nhỏ khác nhau.
Loại khuôn này có chất liệu kim loại, silicon hoặc bằng giấy. Nếu bạn không thường xuyên làm bánh, hoặc muốn chiếc bánh có vỏ bọc ngoài dễ thương, bạn có thể sử dụng những khuôn hình chiếc cốc giấy rời và trực tiếp nướng Cupcake trên đó.
Khuôn Brioche
Bánh mì Brioche là một loại bánh mì có hàm lượng bơ cao, bánh rất thơm và ngậy. Để làm loại bánh này người ta sử dụng khuôn Brioche có dạng hình bông hoa nhiều cánh, cũng là biểu tượng của bánh mì Brioche. Người ta còn có thể sử dụng khuôn này để làm các bánh Muffin và Cupcake dạng nhỏ.
Khuôn làm chocolate
Ngày nay, để làm nên những viên chocolate thơm ngon, hấp dẫn, người ta thường sử dụng loại khuôn làm chocolate bằng silicon. Các loại khuôn này có rất nhiều hình dáng khác nhau, tạo nên những viên chocolate có hình thù vô cùng dễ thương.
Khuôn silicon có giá thành khá rẻ, lại dễ sử dụng, sản phẩm hoàn thành khi lấy ra không bị vỡ và luôn được sắc nét. Các loại khuôn bằng kim loại và nhựa vẫn còn, nhưng khuôn silicon được ưa chuộng hơn hẳn.
Khuôn Madeleine
Khuôn bánh Madeleine tạo nên những chiếc bánh có hình vỏ sò – Ảnh: Internet
Thuộc thể loại Sponge Cake – một loại bánh bông lan có kết cấu xốp mềm, Madeleine có hình dáng vỏ sò nhỏ xinh xắn. Khuôn Madeleine cũng giống khuôn Muffins nhưng nó có hình vỏ sò. Người ta dùng loại khuôn này để làm bánh Madeleine với nhiều hương vị khác nhau.
Khuôn Petit Four
Đây là loại khuôn được sử dụng trong các nhà hàng, khách sạn, để làm nên những chiếc bánh ngọt nhỏ, phục vụ bữa tiệc nhẹ tea/coffee break hoặc tiệc buffet. Bạn có thể sử dụng loại khuôn này để làm bánh Tart nhỏ, bánh Financier hoặc bánh Petit Four.
Khuôn Petit Four là những loại khuôn rời từng chiếc nên bạn còn có thể mua với số lượng nhiều với những hình dáng khác nhau, làm phong phú mẫu bánh ngọt của bạn.
Vòng bánh
Nếu có dịp ghé thăm những cửa hàng làm các loại bánh tráng miệng lạnh, như Pudding, Mousse,… bạn sẽ thấy những kiểu vòng bánh này. Đó là những vòng kim loại không rỉ, nhiều hình dáng, kích thước. Sau khi bánh được định hình và sau quá trình để lạnh, người ta sẽ tháo vòng ra và cắt bánh thành từng miếng nhỏ để thưởng thức.
Khuôn Ramekin
Những khuôn này thường được sử dụng trong các nhà hàng, để tạo nên món bánh tráng miệng như Flan, Cream Brulee. Khuôn Ramekin được làm bằng sứ, nhiều màu sắc cho bạn lựa chọn.
Khuôn tháo đế (Spring Form)
Nếu làm bánh tại nhà, bạn nên có một chiếc khuôn spring-form này vì nó được sử dụng để nướng hầu hết tất cả các loại bánh thông dụng. Nhưng chủ yếu, khuôn này được dùng để nướng bánh Cheese Cake hoặc bánh Mousse vì kết cấu mềm khó bỏ ra khỏi khuôn.
Khuôn Pie (Pie Pan)
Đây là loại khuôn nông, thành xiên, dùng để làm loại bánh Pie – một loại bánh có vỏ và phần đế như bánh quy, bên trong là nhân hoa quả hoặc thịt. Ngoài ra, bạn có thể dùng khuôn làm bánh Tart để làm bánh Pie vì hình dáng chúng gần giống nhau.
Khuôn ống (Tube Pan)
Khuôn ống cũng có nhiều hình dáng, kích thước đa dạng – Ảnh: Internet
Đối với những loại bánh có độ nở cao và bông xốp như Chiffon và Angel Food Cake, bạn có thể sử dụng loại khuôn dạng sâu và có ống ở chính giữa. Chiếc ống này giúp cho bột bánh “bám” vào để đạt được thể tích lớn nhất. Khuôn ống có thể tách rời để khi tháo bánh khỏi khuôn, bánh sẽ đạt đúng độ chuẩn và đẹp.
Một dạng đặc biệt của khuôn ống là khuôn Bundt. Cạnh khuôn Bundt sẽ có hoa văn để trang trí bánh thành nhiều hình dáng đẹp mắt. Loại khuôn Bundt ít được sử dụng, bạn thường sẽ thấy kiểu bánh này ở các nhà hàng, khách sạn cao cấp.
Những loại bánh khác nhau sẽ sử dụng những khuôn bánh khác nhau. Để bánh đạt chất lượng tốt nhất, bạn nên chọn những loại khuôn có màu sáng vì những khuôn màu sẫm sẽ hấp thụ nhiệt tốt hơn, làm bánh của bạn dễ bị đen phần đế và ảnh hưởng đến màu sắc của bánh. Những khuôn bánh mà Chefjob vừa chia sẻ sẽ giúp bạn dễ dàng lựa chọn cho mình loại khuôn phù hợp nhất.
Tin liên quan
Những Dụng Cụ Làm Bánh Không Thể Thiếu Dành Cho Người Mới Bắt Đầu