Phân Biệt Cà Phê Arabica Và Robusta – Barista Đã Biết?

Phân Biệt Cà Phê Arabica Và Robusta – Barista Đã Biết?

Hơn 120 loại cà phê trên thế giới đòi hỏi các Barista chuyên nghiệp cần nắm chắc bí quyết phân biệt, đặc biệt là 2 loại phổ biến nhất Arabica và Robusta. Bạn đang là Barista? Bạn đã biết hai loại cà phê Arabica và Robusta khác nhau ở điểm nào? Cùng Chefjob.vn tìm hiểu 07 sự khác nhau của chúng nhé.

Arabica Và Robusta
Cùng là cà phê nhưng đây là hai loại có tính chất khác nhau – Ảnh: Internet

Mỗi loại cà phê có một kiểu pha chế khác nhau cho hợp vị, dựa vào tính chất cà phê và nhu cầu của người uống. Hiện nay, Arabica và Robusta là hai loại cà phê phổ biến nhất. Tuy nhiên, giữa chúng vẫn có những hương vị riêng biệt mà nếu Barista nắm được ưu thế của từng loại hạt sẽ cho ra đời ly cà phê chất lượng nhất.

Cà phê Robusta là gì?

Robusta là loại cà phê xuất hiện muộn, sau Arabica khoảng 100 năm. Đây là loại cà phê dễ chăm sóc, năng suất thu được khá cao, hiện đang chiếm khoảng 30% sản lượng cà phê thế giới. Ở Việt Nam, Robusta chiếm đến 90% tổng sản lượng cả nước, chúng còn có tên gọi khác là cà phê Vối. Con số này đã đưa Việt Nam trở thành khu vực xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới.

Cà phê Arabica là gì?

Bắt nguồn từ vùng cao nguyên phía Tây Nam Ethiopia (Châu Phi), cà phê Arabica còn được gọi là cà phê Chè, bao gồm 2 nhóm chính: Catimor và Moka. Arabica hiện đang chiếm khoảng 70% sản lượng cà phê thế giới, giá trị kinh tế chiếm vị trí thứ 2. Arabica đang được xuất khẩu nhiều nhất từ Colombia và Brasil, đây cũng là nguyên liệu chính làm nên món Espresso nổi tiếng. Nếu người Colombia gọi đây là Colombian Milds thì người Brasil lại đặt cho giống cà phê này là Brazilian Milds.

Arabica Và Robusta
Arabica và Robusta là 2 loại cà phê phổ biến nhất hiện nay – Ảnh: Internet

Phân biệt Arabica và Robusta

Ngoại hình hạt: Hạt Robusta không dài, hơi tròn, rãnh thẳng, còn hạt Arabica hơi dài, hình bầu dục, rãnh sâu và có hình chữ S.

Địa lý: Robusta được trồng ở độ cao < 900m, khí hậu nhiệt đới, trong khi Arabica ưa khí hậu mát mẻ, được trồng ở độ cao > 800m.

Thời gian quy hoạch: 9 – 11 tháng (Robusta) và 7 – 9 tháng (Arabica).

Phương pháp chế biến: Quả từ giống Arabica được ngâm nước đến khi nở ra rồi lên men sau thu hoạch, tiếp tục rửa sạch và sấy khô. Quả Robusta thì không cần lên men mà sấy trực tiếp, sau đó rang ở nhiệt độ 230 – 240 độ C để tạo chất thơm.

Tính chất: Hạt Robusta mềm hơn Arabica nhiều, hạt sau khi rang xay to hơn một chút, nên dễ vỡ hơn hạt Arabica.

Hương vị: Vị của Robusta khá mạnh, ở mức trung tính đến rất gắt, trong khi đó, Arabica có vị hơi chua, hậu vị là đắng. Mùi vị của Arabica cũng dịu nhẹ, thơm nồng, không như Robusta khi chưa rang giống mùi của đậu phộng tươi, còn sau khi rang xay có mùi như cao su bị đốt cháy. Hàm lượng caffeine của Arabica vào khoảng 0,8 – 1,5%, của Robusta khoảng 1,7 – 3,5%.

Màu sắc: Màu của Arbica nhạt hơn Robusta.
Trên thực tế, do điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn, năng suất thấp hơn nên Arabica có giá cao hơn Robusta, thậm chí gấp đôi. Do mỗi loại cà phê có một đặc trưng riêng nên các Barista thường trộn lẫn Robusta và Arabica theo các tỷ lệ khác nhau:

  • Tỷ lệ 3 Arabica: 7 Robusta nếu muốn cà phê thiên vị thơm và đắng.
  • Tỷ lệ 7 Arabica: 3 Robusta nếu muốn cà phê có vị chua.
  • Tỷ lệ 1 : 1 nếu bạn muốn cân bằng hương vị chua và đắng.

trộn lẫn Arabica và Robusta
Một số Barista trộn lẫn Arabica và Robusta để tạo nên hương vị mong muốn – Ảnh: Internet

Barista cần nắm vững nền tảng kiến thức về cà phê để thành công trong pha chế, đạt tiêu chuẩn thức uống thơm nồng, đậm vị. Nhận biết sự khác nhau giữa Robusta và Arabica sẽ giúp các Barista sáng tạo đúng cách trong pha chế, mang đến những ly cà phê hấp dẫn nhất.

Tin liên quan

Các Thuật Ngữ Chuyên Ngành Mà Các Barista Nhất Định Phải Nằm Lòng

Bí Quyết Chọn Mua Cà Phê Đạt Tiêu Chuẩn Từ Các Barista Chuyên Nghiệp

Bài Viết Liên Quan