Thời gian thử việc là khoảng thời gian căm go nhất với bất kỳ ai vì bạn vừa phải lo làm quen với môi trường mới, công việc mới, đồng nghiệp mới lại vừa phải lo biểu hiện tốt để ghi điểm trong mắt sếp. Làm thế nào để bình yên vượt qua giai đoạn này và cầm trên tay hợp đồng lao động chính thức? Bài viết này, Chefjob sẽ tiết lộ đến bạn một số kinh nghiệm thử việc thành công.
Sau khi vượt qua các vòng loại CV, phỏng vấn tuyển dụng căng thẳng, bạn được nhận vào làm việc ở vị trí mình mong muốn. Nhưng chưa dừng lại ở đó, trước khi trở thành một nhân viên chính thức, bạn phải vượt qua thời gian thử việc. Đây là thời gian để bạn làm quen, hòa nhập với môi trường mới, công việc mới. Căn cứ vào khả năng làm việc cũng như tính cách, khả năng giao tiếp, hòa nhập với tập thể của bạn biểu hiện trong thời gian thử việc, các sếp sẽ quyết định bạn có được nhận vào làm chính thức hay không.
Thời gian thử việc là thời gian bạn phải làm quen với môi trường mới, công việc mới và chứng tỏ rằng mình phù hợp
với vị trí đã ứng tuyển – Ảnh: Internet
Quy định thời gian thử việc được tính như sau:
Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau:
– Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kĩ thuật từ cao đẳng trở lên.
– Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.
– Đối với các công việc khác, thời gian thử việc tối đa không quá 06 ngày làm việc.
iền lương thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Trong thời gian thử việc, bạn phải làm quen, chứng tỏ được năng lực, kỹ năng của mình để thuyết phục rằng, mình xứng đáng và phù hợp với vị trí đó. Làm thế nào để bình yên vượt qua giai đoạn này?
5 kỹ năng vượt qua thời gian thử việc thành công:
1. Làm việc như một nhân viên chính thức
Các sếp luôn muốn nhìn thấy sự chắc chắn từ nhân viên của mình, vì vậy, bạn nên thể hiện sự chuyên nghiệp, chăm chỉ, tích cực làm việc như một nhân viên chính thức ngay ở giai đoạn thử việc. Nghỉ ốm liên tục, hiệu suất làm việc không cao, trễ giờ… trong những ngày đầu đi làm sẽ khiến bạn dần “mất điểm” trong mắt các sếp và đồng nghiệp.
Làm việc chuyên nghiệp như một nhân viên chính thức trong thời gian thử việc sẽ giúp bạn thử việc thành công
– Ảnh: Internet
2. Quan sát và hòa nhập
Thời gian thử việc là thời gian bạn phải từ từ làm quen và thích nghi với những điều hoàn toàn mới: Sếp mới, đồng nghiệp mới, công việc mới, luật lệ quy định mới… Hãy quan sát hành vi, cách ứng xử của đồng nghiệp xung quanh trong giao tiếp hằng ngày cũng như trong công việc để biết điều mình nên làm và không nên làm.
3. Chủ động
Trong thời gian thử việc, bạn sẽ còn nhiều bỡ ngỡ với môi trường mới và cần sự hướng dẫn, hỗ trợ của mọi người. Tuy nhiên, sẽ không ai tự tìm đến bạn và hỏi rằng “Tôi có thể giúp gì cho bạn?”, bạn chỉ có thể chủ động. Thay vì chờ đợi sếp giao việc, hãy tự tìm những công việc cần làm. Nếu bạn quá nhàn rỗi trong thời gian thử việc, điều đó có nghĩa là bạn đang đánh mất nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên ngồi một chỗ và chờ đồng nghiệp đến làm quen, chào hỏi mình, hãy chủ động tiếp cận, hòa nhập với tập thể.
Chủ động tìm việc làm và kết nối, hòa nhập với tập thể là điều bạn nên làm khi đi thử việc – Ảnh: Internet
4. “Hòa thuận” với sếp
Sếp là người quan trọng nhất và có quyền quyết định giữ bạn ở lại hay ra đi, chính vì vậy, hòa thuận với sếp là chuyện nên làm, nhất là trong giai đoạn thử việc. Giữ tính cách thật thà, biết tôn trọng, biết lắng nghe sếp… sẽ giúp bạn dễ tạo thiện cảm với sếp. Bạn cũng có thể hỏi sếp về sự tiến bộ của mình hoặc cách để cải thiện bản thân trong công việc. Điều này cho thấy bạn biết giá trị của bạn và biết mình phải phấn đấu học tập như thế nào.
5. Liên minh với đồng nghiệp
Bạn thông minh, sáng tạo và có hiệu suất làm việc cao nhưng nếu không hòa hợp, không tạo dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, bạn cũng rất khó ở lại làm việc lâu dài. Liên minh với đồng nghiệp, chủ động làm quen bằng thái độ thân thiện, sẵn sàng giúp đồng nghiệp khi cần và chân thành lắng nghe những lời khuyên của họ sẽ giúp bạn trở nên đáng mến hơn trong mắt đồng nghiệp. Dù thể hiện sự thân mật nhưng bạn vẫn giữ sự lịch sự, không cố gặng hỏi những chuyện riêng tư, tế nhị của họ.
Hy vọng rằng, bài viết trên sẽ giúp bạn có thời gian thử việc thành công, nắm trong tay hợp đồng lao động chính thức với công ty. Trong thời gian này, có thể sếp sẽ yêu cầu bạn làm bản kiểm điểm, đừng lo lắng, hãy truy cập vào bài viết Sếp yêu cầu viết bản kiểm điểm, nhân viên thử việc nên làm gì? để hoàn thành bản kiểm điểm một cách chuyên nghiệp nhé!