Đừng để “nước đến chân mới nhảy”, hãy lên kế hoạch để chuẩn bị và hoàn tất quá trình nghỉ việc của mình từ từ, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ dễ dàng hơn. Kiểm soát được tình thế từ lúc thông báo đến khi kết thúc nghỉ việc còn giúp bạn giữ được hình ảnh chuyên nghiệp, để lại thiện cảm với cấp trên lẫn đồng nghiệp.
Bạn đang có dấu hiệu muốn nghỉ việc?
Bạn đã lên kế hoạch thể hiện bản thân ở môi trường mới?
Và lúc này, bạn đang phân vân không biết làm thế nào để “rút lui” công ty cũ một cách êm đềm nhất?
8 việc cần làm trước khi nghỉ việc mà Chefjob tổng hợp được từ các chuyên gia nhân sự hàng đầu dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên ngay đấy.
Đừng quên những điều cần làm này trước khi nghỉ việc – Ảnh: Internet
1. Giữ bí mật về quá trình tìm việc
Bạn sẽ chẳng thể chắc chắn 100% thông tin mình nghỉ việc sẽ được người khác giữ kín nên khi chưa sẵn sàng mọi thứ, đừng vội chia sẻ cho bất kỳ ai trong công ty, dù cho người đó rất thân với bạn. Làm việc bình thường, giữ thái độ hòa nhã và lặng lẽ đi tìm công việc mới là cách tốt nhất để bạn không tự gây ra những xáo trộn, phiền phức cho bản thân.
2. Chuẩn bị bàn giao cho người mới
Mặc dù có khoảng thời gian để chuyển giao cho người mới nhưng Chefjob khuyên bạn nên lưu dần thông tin công việc, dự án đang phụ trách ngay từ lúc quyết định nghỉ việc. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng thể về trách nhiệm của người tiếp nhận vị trí đó để nhận ra thuận lợi, khó khăn và truyền đạt kỹ càng hơn cho người mới.
3. Dọn dẹp máy tính
Nếu bạn đang sử dụng máy tính của công ty cấp thì sau khi nghỉ việc, bạn sẽ phải để lại nó cho người sau. Do đó, hãy dành một ít thời gian để xóa các thông tin cá nhân như CV xin việc, trang web đã truy cập, hình ảnh không liên quan đến công việc,… trong máy tính nhằm tránh các suy nghĩ tiêu cực của người khác về bạn.
Hãy xóa sổ những thứ không liên quan đến công việc trong máy tính – Ảnh: Internet
4. Chỉn chu thư xin nghỉ việc
Hãy chắc chắn rằng bạn chỉ viết đơn xin nghỉ việc khi đã có công việc mới nếu bạn không muốn kéo dài thời gian thất nghiệp. Thư xin nghỉ việc cần nêu ra những điểm chính: Lý do xin nghỉ, khả năng hỗ trợ người thay thế, ngày làm việc cuối cùng, lời cảm ơn,… một cách ngắn gọn, súc tích, tránh sa đà vào các ý không liên quan khiến lá đơn nghỉ việc lê thê.
Xem ngay: Mẫu Đơn Xin Nghỉ Việc Tiêu Chuẩn Ngành Nhà Hàng – Khách Sạn
5. Tận dụng ngày nghỉ phép và tiền thưởng
Nếu bạn làm việc ở các vị trí có thưởng doanh số theo dự án, hãy thống kê lại các khoản bạn được nhận theo chính sách nhưng chưa giải quyết. Ngoài ra, đừng quên mất rằng, bạn còn có ngày nghỉ phép nữa. Bạn nghĩ sao về việc tận dụng chúng để rút ngắn thời gian làm việc còn lại ở công ty để nghỉ ngơi trước khi bắt đầu hành trình mới? Chefjob nghĩ rằng đó là một lựa chọn sáng suốt đấy.
6. “Tút tát” lại bản thân
Mua thêm trang phục mới đẹp và hợp với bản thân, chăm sóc da mặt và cơ thể, cân bằng chế độ nghỉ ngơi cũng như làm việc để thư giãn lấy lại tinh thần,… những việc làm này đều sẽ giúp bạn trở nên tràn đầy năng lượng, tỏa sáng trong mắt người khác. Hãy giữ cho mình một phong thái ấn tượng để tạo thiện cảm với đồng nghiệp ở cả công ty cũ lẫn môi trường mới.
Xem ngay: Trang Phục Đi Phỏng Vấn Và Những Điều Cần Chuẩn Bị
Đừng ngần ngại chi tiêu để “tút tát” làm mới bản thân – Ảnh: Internet
7. Giữ lập trường khi được giữ chân
Không chỉ một mà rất nhiều người đã từ bỏ chuyện nghỉ việc vì công ty đưa ra những mức đề nghị hấp dẫn giữ chân nhân viên, tuy nhiên mọi thứ vẫn chẳng thể tiến triển tốt hơn làm họ hối hận bởi quyết định của mình. Bạn nên nhớ, từ lúc bạn gửi lá đơn nghỉ việc thì mọi việc đã không còn như lúc trước và bình thường nữa. Hãy nhớ đến lý do khiến bạn muốn nghỉ việc và cơ hội ở môi trường mới để đưa ra lời từ chối khéo léo, vừa đạt được mục đích thôi việc mà vẫn giữ được hòa khí hai bên.
8. Tránh thị phi
Trong thời gian chuyển giao công việc để rời công ty, bạn nên tránh xa những lời bàn tán càng nhiều càng tốt, hãy giữ cho mình hình ảnh chuyên nghiệp trọn vẹn cho đến lúc chấm dứt. Những gì bạn trao đổi khoảng thời gian này thường sẽ được mọi người ghi nhớ rất lâu, vì vậy cần thận trọng một chút.
Thêm nữa, bạn cũng nên gửi lời cảm ơn đến sếp và đồng nghiệp trong suốt thời gian làm việc cùng nhau, biết đâu những mối quan hệ này sẽ giúp bạn rất nhiều trong tương lai thì sao.
Sau Tết là thời điểm số lượng nhân sự trên thị trường lao động “nhảy việc” cực kỳ cao. Bạn cũng nằm trong số đó? Vậy thì Chefjob hy vọng những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp bạn có cuộc “rút lui” êm đẹp cùng một tương lai mới rực rỡ hơn.