Những người yêu thích Ẩm thực châu Âu hẳn không còn thấy xa lạ với Balsamic – một loại gia vị nổi tiếng làm nên nhiều món ăn Âu hấp dẫn. Nếu bạn đang theo đuổi sự nghiệp Đầu bếp Âu chuyên nghiệp, chắc hẳn bạn sẽ không hề muốn bỏ qua loại gia vị thuộc hạng đắt đỏ bậc nhất trong làng Ẩm thực thế giới này.
Balsamic là một loại giấm đen thuộc hạng đắt đỏ của Ẩm thực thế giới – Ảnh: Internet
Gia vị để chế biến món ăn không chỉ phong phú mà còn đóng vai trò quan trọng để kích vị, tạo sắc cho sản phẩm. Tùy vào từng loại món ăn mà người Đầu bếp sẽ chọn gia vị riêng, phù hợp với nguyên liệu. Trong vô vàn gia vị trong Ẩm thực quốc tế, Balsamic nằm trong số gia vị đặc trưng dành riêng cho các món Âu, thường được Đầu bếp các khách sạn, nhà hàng cao cấp lựa chọn để sử dụng.
Balsamic là gì?
Balsamic là tên gọi một loại giấm đen (khác với những loại giấm thông thường khác) có xuất xứ từ Emilia Romagna, Ý. Balsamic còn được nhiều người gọi với cái tên “giấm quý tộc” bởi quy trình chế tạo cực kỳ công phu cũng như giá cả đắt đỏ của loại gia vị này. Với độ chua chỉ khoảng 6%, Balsamic phù hợp với tất cả các đối tượng từ người già đến trẻ em.
Mặc dù quá trình ủ giấm trong nhiều năm, nhưng Balsamic hoàn toàn không có váng hoặc các con giấm như khi ủ các loại giấm khác. Ngoài vị chua ngọt nhẹ nhàng của nho, mật ong hay gỗ sồi, Balsamic càng để lâu năm càng có sức hấp dẫn và chỉ cần một lượng rất ít Balsamic cũng đủ để tạo hương vị đặc biệt cho món ăn của bạn.
Vì sao Balsamic lại đắt đỏ?
Nguyên liệu chính để chế tạo Balsamic chính là loại nho trắng được thu hoạch muộn. Sau quá trình sơ chế, nho được ép lấy nước rồi nấu sôi cho hao khoảng 30% lượng ban đầu, sau đó lắng cặn và ủ trong các thùng gỗ nhiều năm. Balsamic được di chuyển từ thùng gỗ này sang thùng gỗ khác với đủ loại: Gỗ sồi, dâu tằm, keo, hạt dẻ, anh đào… để thấm từng hương vị của các loại gỗ. Thời gian lên men để tạo Balsamic chuẩn vị nhất là 12 năm. Cũng giống rượu vang, Balsamic ủ càng lâu thì càng có hương vị hấp dẫn.
Balsamic được dùng để làm nước sốt trộn chung với salad – Ảnh: Internet
Sở dĩ nói Balsamic là gia vị “hoàng gia” vì công đoạn chế biến dài hơi cùng quy trình hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng bất kỳ thành phẩm nhân tạo nào. Trên thực tế, để sản xuất 1 lít Balsamic nguyên chất, bạn cần đến 100 lít nước ép nho. Vì vậy, giá trị của Balsamic là rất lớn, giá cả tuy đắt nhưng phù hợp với công sức và số nguyên liệu bỏ ra.
Hiện nay, Balsamic có hai loại: Loại được chế biến theo phương pháp công nghiệp và loại được ủ theo cách thủ công truyền thống. Giá cho một chai Balsamic công nghiệp 500ml khoảng 100 nghìn đồng. Trong khi đó, Balsamic được chế tạo thủ công có giá 100 USD cho loại ủ 12 năm và 400 USD cho loại ủ 25 năm.
Balsamic trong Ẩm thực
Balsamic trong thế giới Ẩm thực được xem là một “nhân vật vừa sắc lại tài” và không thể thiếu khi chế biến những món ăn cao cấp, đặc biệt là món Âu. Balsamic trộn cùng salad, làm nước sốt cho các món áp chảo hay ướp cùng với món nướng sẽ mang lại hương vị đặc biệt. Đối với các món soup, hầm, Đầu bếp sử dụng Balsamic trong bước sau cùng như một bí quyết kích vị hoàn hảo, giúp món ăn thêm hấp dẫn.
Bảo quản Balsamic có khó không?
Vì thời gian tạo nên giấm Balsamic khá dài nên chúng khó bị oxy hóa. Bạn không cần quá lo lắng khi đã mở chai Balsamic ra và chưa sử dụng nhiều vì chúng để được trong thời gian rất lâu, gần như là vô hạn. Bạn chỉ cần bảo quản chúng ở một nơi mát mẻ, tối và cách nhiệt như trong tủ kính là được. Cho dù Balsamic có một số trầm tích thì cũng không có gì đặc biệt vì đó chỉ là một sản phẩm phụ tự nhiên.
Balsamic cũng được dùng trong chế biến các món nướng – Ảnh: Internet
Thế giới Ẩm thực muôn hình vạn trạng không chỉ có vô vàn thực phẩm ngon mà còn có sự góp mặt của nhiều gia vị độc – lạ, mang lại bao món ăn hấp dẫn cho thực khách. Bạn là Đầu bếp Âu? Hy vọng bạn đã biết thêm một loại gia vị quan trọng trong Ẩm thực món Âu như Balsamic mà Chefjob vừa chia sẻ.
(Nguồn: Medicalnewstoday, Wikipedia…)
Tin liên quan
Saffron Là Gì? Khám Phá Loại “Gia Vị Quý Tộc” Đắt Đỏ Nhất Thế Giới