Bột mì là thành phần nguyên liệu quan trọng làm nên những chiếc bánh thơm ngon, nhiều màu sắc. Tuy nhiên, trong quá trình làm bánh, chúng ta có thể gặp các sự cố như bột bị nhão, bột dính tay, bị chua hay không mịn… Vậy trong trường hợp đó, các Đầu bếp bánh nên làm gì để khắc phục tình hình?
Bột mì đạt chất lượng sẽ cho ra đời những chiếc bánh thơm ngon – Ảnh: Internet
Bột mì có rất nhiều loại, tùy vào kiểu bánh mà Đầu bếp có sự lựa chọn phù hợp. Tính chất mỗi loại bột mì đều khác nhau, cũng có ưu và nhược điểm rõ ràng, vì vậy nếu bạn không hiểu rõ các loại bột, có khả năng bột mì sẽ gặp vấn đề trong quá trình chế biến. Một số mẹo xử lý bột mì dưới đây sẽ giúp các Đầu bếp bánh, nhất là những người mới bắt đầu thể hiện chuyên nghiệp hơn và dễ dàng ứng biến khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Xem thêm: “Bắt Bài” 5 Mẹo Làm Bánh Cực Hay Cho Người Mới Bắt Đầu
Bí quyết ủ bột nhanh hơn
Ủ bột là công đoạn quan trọng trong hầu hết quy trình làm bánh. Tuy nhiên, thời gian ủ bột lại có sự khác nhau giữa các loại bánh, từ vài phút đến cả tiếng, thậm chí có loại còn phải ủ trong nửa ngày mới đạt chất lượng. Quá trình ủ bột khiến người làm bánh tốn rất nhiều thời gian, bánh không ra lò kịp nhu cầu của khách hàng. Chefjob bật mí cho bạn một mẹo rút ngắn thời gian ủ bột, bạn chỉ cần cho một ít rượu vào giữa phần bột, sau đó dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại, bột sẽ lên men nhanh hơn, kết cấu bánh xốp hơn.
Mẹo xử lý bột bị nhão
Bột mì là nguyên liệu rất dễ hút nước, vì vậy nếu bạn cho nước hơi quá tay, bột có thể bị nhão. Nếu không còn bột dư để bổ sung thêm vào, bạn nên dùng khăn sạch bao quanh phần bột để nước thấm bớt sang khăn, bột vừa tay hơn và sẵn sàng để sử dụng. Phần nước dư thừa có thể khiến bột mì bị ẩm mốc, lúc này bạn cho chút muối vào trộn chung với bột. Lưu ý, bạn không nên cho quá nhiều muối sẽ làm bột khó dùng. Ngoài ra, muối còn có tác dụng làm bột bớt chua nếu lên men quá lâu.
Rải một lớp bột mỏng trước khi nhào bột để bột không dính tay – Ảnh: Internet
Xử lý bột mì dính tay
Chắc hẳn các Đầu bếp bánh đều đã từng gặp phải trường hợp bột dính tay khi làm bánh, gây cảm giác khó chịu và không thể tạo đúng kiểu hình như mong muốn. Cách xử lý đơn giản và thông dụng nhất mà Chefjob khuyên bạn đó là rải một lớp bột mỏng trước khi nhào bột, cán bột hay vo tròn bột. Một hướng giải quyết khác cũng hiệu quả không kém là cho bột vào tô, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín và cho vào tủ lạnh khoảng 60 phút, bột sẽ ít dính hơn.
Bột không được mịn – Xử lý thế nào?
Bột không mịn sẽ gây khó khăn khi chế biến, bánh cũng không đạt chất lượng tuyệt đối. Nhiều người dùng nước ấm để nhào bột nhưng vẫn không giải quyết triệt để được vấn đề do bột dễ bị vón cục. Hãy thử cho một chút muối vào bột và trộn đều lên ngay khi bột còn khô, sau đó bạn mới cho nước vào nhào chung, bột sẽ hoàn toàn mịn, dễ dàng để bạn sáng tạo nên nhiều món bánh thơm ngon.
Làm thế nào để nhận biết độ nở của bột đã đủ tiêu chuẩn?
Độ nở của bột quyết định kết cấu (độ xốp, chắc và đẹp) của bánh, vì vậy, công đoạn kiểm tra độ nở của bột rất quan trọng. Bạn dùng tay ấn mạnh vào phần bột vừa ủ, nếu chỗ lõm sau khi ấn không đàn hồi trở lại tức là bột đã đạt được độ nở đủ tiêu chuẩn. Nếu phần lõm trở lại bình thường thì bột cần được ủ thêm một thời gian, còn nếu phần bột đã ấn tiếp tục lõm xuống tức là bột đã được ủ quá lâu, có thể gây chua.
Quan sát độ đàn hồi của bột sau khi ấn mạnh vào để kiểm tra độ nở – Ảnh: Internet
Bột mì không đạt chuẩn sẽ khiến chất lượng bánh bị ảnh hưởng xấu, một số trường hợp không đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí gây nguy hiểm đến sức khỏe con người. Vì thế, để quá trình làm bánh diễn ra thuận lợi, đạt tiêu chuẩn, các Đầu bếp bánh hãy “bỏ túi” ngay những mẹo xử lý bột mà Chefjob vừa chia sẻ nhé.
Tin liên quan
Những Dụng Cụ Làm Bánh Không Thể Thiếu Dành Cho Người Mới Bắt Đầu
8 Mẹo Nấu Nướng Từ Đầu Bếp Chuyên Nghiệp Khiến Bạn “Á Ố” Vì Quá Hay Ho