Món ăn có vẻ ngoài cháy xém nhưng bên trong lại mềm mịn và hương vị vô cùng đậm đà là một tuyệt chiêu của các Đầu bếp phương Tây. Làm cách nào để sản phẩm đạt được đúng mục đích của người chế biến? Cùng Chefjob.vn khám phá Blackening – kỹ thuật chế biến đặc biệt trong Ẩm thực phương Tây nhé.
Món ăn chế biến theo kỹ thuật Blackening có vẻ ngoài cháy xém – Ảnh: Internet
Từ lâu, các món ăn kiểu Âu đều được thực hiện bởi phong cách chế biến tỉ mỉ, độc đáo và chuẩn xác đến từng chi tiết nhỏ nhất nhằm mang đến sự tinh tế, lịch sự cho thực khách. Trong đó, kỹ thuật Blackening đòi hỏi người Đầu bếp phải có đủ trình độ chuyên môn cùng một chút khéo léo mới có thể thực hiện thành công. Bạn là Đầu bếp, đặc biệt là Đầu bếp Âu? Bạn đã biết sử dụng Blackening trong chế biến để chinh phục khách hàng của mình chưa?
Xem thêm: Những Kỹ Năng Quan Trọng Quyết Định Một Đầu Bếp Âu Chuyên Nghiệp
Kỹ thuật Blackening là gì?
Bắt đầu được sử dụng phổ biến từ năm 1980, kỹ thuật Blackening do Đầu bếp Paul Prudhomme phát hiện nhanh chóng nhận được sự chú ý của các chuyên gia Ẩm thực trên toàn thế giới. Cụ thể, món ăn được tạo nên bằng cách áp dụng phương pháp chế biến thực phẩm dưới nhiệt độ cao, kết hợp với Ẩm thực Cajun truyền thống. Nguyên liệu (thường là thực phẩm giàu đạm như thịt heo, thịt gà…) được nhúng qua hỗn hợp bơ tan chảy rồi tẩm ướp với các loại gia vị và thảo mộc.
Nguyên liệu được làm chín trên chảo đế dày được làm nóng trước đó. Sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, lớp bơ và gia vị bên ngoài cháy xém tạo nên màu nâu đen đặc biệt. Các Đầu bếp dựa vào nguyên tắc khi bơ cháy, chúng tạo một lớp niêm phong bên ngoài thực phẩm, làm món ăn tuy cháy bên ngoài nhưng không bị khô bên trong. Ngoài thịt, kỹ thuật Blackening còn có thể áp dụng với các loại cá như cá mú, cá hồi, cá đỏ, cá hồng…
Hỗn hợp gia vị dựa theo Ẩm thực Cajun – Ảnh: Internet
Kỹ thuật Blackening được thực hiện như thế nào?
Đầu tiên, bạn cần đun chảy bơ và tạo hỗn hợp gia vị. Thực phẩm được lau khô để khả năng thấm bơ và gia vị được hoàn hảo nhất, sau đó được nhúng vào hỗn hợp gia vị, đảm bảo toàn bộ nguyên liệu ngập trong gia vị. Đầu bếp sử dụng loại chảo đế dày, làm nóng chúng với nhiệt độ cao, sau đó thả thực phẩm vào, đổ 1 muỗng canh bơ lên trên để chúng chảy dần xuống. Sau 2 – 3 phút, bạn lật thực phẩm rồi tiếp tục đổ lên 1 muỗng canh bơ, chờ khoảng 2 – 3 phút nữa thì tắt bếp.
Hỗn hợp gia vị để thực hiện Blackening tuân theo nguyên tắc của Ẩm thực Cajun truyền thống, bao gồm: Muối, ớt cayenne, bột paprika, bột hành, tiêu đen, tiêu trắng, bột tỏi, húng khô, bột ớt, thyme khô, bột mù tạt. Vì quá trình chế biến diễn ra khá nhanh, Đầu bếp cần nắm chắc tay nghề để đảm bảo món ăn không bị quá cháy, ảnh hưởng đến hương vị ban đầu.
Những lưu ý khi sử dụng kỹ thuật Blackening
Để kỹ thuật chế biến Blackening phát huy toàn bộ công dụng của nó, các Đầu bếp cần lưu ý trong cách sử dụng dụng cụ, gia vị cũng như tuân thủ một số nguyên tắc trong chế biến như sau:
– Sử dụng chảo đế dày, tuyệt đối không dùng chảo chống dính vì chúng khó có thể chịu đựng nhiệt độ trong một thời gian dài từ lúc làm nóng chảo đến khi món ăn hoàn thành.
– Không dùng gia vị khô vì chúng có thể làm món ăn cháy khét bên ngoài.
– Thực phẩm tươi được làm mát trong tủ lạnh trước khi chế biến để thấm gia vị được tốt hơn.
– Độ dày thực phẩm khoảng 1,5cm là phù hợp, miếng thịt/cá quá dày sẽ khó làm chín đều.
– Sử dụng đồ bảo hộ bếp và mở quạt hút vì kỹ thuật Blackening tạo ra rất nhiều khói, thậm chí là lửa.
Màu sắc bên ngoài của món ăn khá bắt mắt, gây sự tò mò – Ảnh: Internet
Mặc dù Blackening không quá phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên nếu đã theo đuổi nghề Đầu bếp chuyên nghiệp, bạn cần nắm chắc kỹ thuật này để dễ dàng linh hoạt, chế biến món ăn theo nhu cầu của thực khách. Chefjob sẽ thường xuyên cập nhật các phương pháp chế biến độc đáo của Đầu bếp trên toàn thế giới, đừng quên theo dõi Chefjob.vn nhé.
Tin liên quan
Teppanyaki – Nghệ Thuật “Chơi Với Lửa” Nổi Tiếng Của Ẩm Thực Nhật
Đã Theo Nghề “Lắc Chảo”, Bạn Nhất Định Phải Biết Các Loại Xốt Này