“Khi nào nên nghỉ việc?” là câu hỏi lặp đi lặp lại với những ai đang cảm thấy quá chán nản với công việc hiện tại, bạn không còn nhiều đam mê hoặc môi trường làm việc này không giúp bạn phát triển nữa. Để có quyết định chính xác, hãy luôn cân nhắc kỹ lưỡng và nhìn nhận bản thân đúng như thực tế đang diễn ra.
Thời gian làm việc của mỗi người tối thiểu là 40 giờ/ tuần và để có một tuần vui vẻ, cống hiến hết mình thì bạn phải giữ được tinh thần và bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, luôn có những lúc bạn cảm thấy công việc không còn hỗ trợ được gì cho mình nữa, những căng thẳng, kiệt sức kéo dài,… khiến bạn không ngừng phân vân về quyết định “dừng lại” hay “đi tiếp” của mình. Những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn trả lời cho câu hỏi “Khi nào nên nghỉ việc”.
Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng: “Khi nào nên nghỉ việc?” – Ảnh: Internet
Bạn chán nản với công việc hiện tại
Chán nản là cảm xúc cá nhân xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Tình trạng chán nản trong công việc kéo dài cho thấy bạn đang làm một việc không như mong muốn. Cảm xúc này khiến bạn thay vì nỗ lực cố gắng thì chỉ trông ngóng thời gian hết giờ làm. Một trong những nỗi sợ lớn nhất chính là bạn không còn đam mê như ban đầu, đủ để bạn mắc kẹt trong một nơi mà bạn không còn muốn ở.
Xem thêm: Công Việc Hiện Tại Có Đang Khiến Bạn Nhàm Chán?
Công việc không giúp bạn phát triển bản thân
Bất kỳ công việc nào cũng giúp bạn rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mới, đồng thời góp phần phát triển năng lực và giá trị của bản thân. Theo Marc Cenedella, CEO của Ladders, nếu bạn không học hỏi được gì từ công việc trong vòng 6 tháng trở lại đây thì bạn nên suy nghĩ về việc có nên tiếp tục ở lại môi trường này không.
Vấn đề tiền bạc khiến bạn lo lắng
Tiền bạc luôn là nỗi “nhức nhối” của đa số chúng ta. Tuy nhiên, một khi vấn đề này thường trực trong suy nghĩ mặc dù bạn không phải người tiêu xài hoang phí hay quá cuồng mua sắm, có nghĩa mức lương bạn đang nhận là chưa đủ cho sinh hoạt hàng ngày. Nếu bạn đã làm ở công ty này đủ lâu, hãy mạnh dạn đề nghị một mức lương cao hơn. Trường hợp mọi điều không như mong muốn, bạn có thể tìm kiếm một công việc khác phù hợp với mức lương tốt hơn.
Mục tiêu cá nhân không phù hợp với sứ mệnh công ty
Nếu mục tiêu của bạn và công ty không giống nhau, thật khó để bạn hòa nhập với công việc. Sau một quá trình làm việc, bạn không tìm thấy điểm chung trong mục đích cuối cùng của hai bên thì cũng là lúc bạn nên rời bỏ công việc hiện tại.
Áp lực công việc khiến sức khỏe của bạn bị ảnh hưởng xấu – Ảnh: Internet
Sức khỏe bị ảnh hưởng bởi áp lực công việc
Một công việc khiến bạn liên tục bị áp lực và căng thẳng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn. Bạn bị vắt kiệt sức và cảm thấy tâm lý nặng nề mỗi buổi sáng thức dậy. Bạn không còn nhiều thời gian cho gia đình, bạn bè hay chính bản thân mình. Lúc này, bạn thật sự nên nhìn lại để có hướng giải quyết hợp lý trước khi sức khỏe sa sút trầm trọng hơn.
Xem ngay: Áp Lực Công Việc Là Gì? Làm Thế Nào Để Vượt Qua Áp Lực?
Bạn có một cơ hội việc làm tốt hơn
Bạn luôn có quyền lựa chọn để tìm kiếm cơ hội tốt nhất cho mình. Nếu bạn đang chán nản với công việc và tìm thấy một vị trí tốt hơn thì bạn hoàn toàn có thể suy nghĩ về việc nên nghỉ việc khi nào. Hãy nhớ mỗi quyết định đều cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh tình trạng hối hận về sau.
Công ty đang chuẩn bị cắt giảm nhân sự
Lynn Taylor, một chuyên gia nhân sự đã nói rằng: “Bạn không cần phải chìm cùng với con thuyền đó, hãy chèo lên phao cứu sinh và nổi lên trên mặt nước”. Vậy nên, trường hợp công ty của bạn đang chuẩn bị có một đợt cắt giảm nhân sự thì bạn nên tự lường trước và lên kế hoạch rút lui sớm, tìm kiếm cơ hội mới nhanh chóng.
Những người đồng nghiệp không chung chí hướng
Hầu hết các dự án đều diễn ra theo một quy trình và để mọi thứ được suôn sẻ thì mỗi nhân viên đều cần có kỹ năng làm việc nhóm. Bất đồng giữa các đồng nghiệp sẽ khiến công việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nội bộ công ty lục đục, dần dần bạn không còn hứng thú để tiếp tục làm việc tại đây.
Năng lực của bạn không được tận dụng
Bạn là một người có nhiều kỹ năng, phẩm chất xuất sắc, thế nhưng bạn không thể tận dụng năng lực đó của mình vào công việc. Hãy nhớ rằng, bất kỳ kỹ năng nào cũng có thể mai một theo thời gian nếu không được sử dụng thường xuyên. Một công việc lý tưởng không chỉ giúp bạn học hỏi thêm nhiều điều mới mà còn để bạn trau dồi thêm kỹ năng hiện có.
Bạn có một người sếp tệ
Theo một số khảo sát, nhiều người nghỉ việc vì bỏ sếp chứ không phải bỏ việc. Đó là trường hợp bạn đang làm việc dưới quyền một người sếp ích kỷ, soi mói, không công bằng,… Dần dần, bạn hình thành cảm giác lo sợ, khó chịu và căng thẳng kéo dài, không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà chất lượng công việc cũng khó lòng tốt đẹp.
Một người sếp tệ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghỉ việc – Ảnh: Internet
Trong môi trường làm việc căng thẳng, chắc hẳn đã có lúc bạn tự hỏi “Khi nào nên nghỉ việc?”, nhất là khi gặp quá nhiều khúc mắc. Những lúc như vậy, Chefjob mong rằng bạn hãy tự nhìn lại bản thân để xem mình có đang “đối mặt” với một trong 10 dấu hiệu trên không và có bước đi chính xác nhất nhé.