Rượu vang không còn quá xa lạ, thế nhưng để hiểu rõ từng loại rượu vang đòi hỏi bạn phải trau dồi kiến thức thường xuyên. Đối với Sommelier, hoặc nhân viên Phục vụ nhà hàng, 3 điều thú vị về loại rượu Fortified wine dưới đây sẽ giúp bạn luôn thể hiện chuyên nghiệp và tư vấn khách hàng chính xác nhất.
Thế giới rượu vang chứa đựng nhiều điều bí ẩn, cùng vô số chủng loại dựa vào cách chế biến, nguyên liệu hay cả thời gian ngâm/ ủ. Trong số đó, Fortified wine được rất nhiều người ưa chuộng nhờ vào hương vị độc đáo, dễ thưởng thức. Bạn đang làm việc tại quầy rượu của khách sạn? Bạn là nhân viên Phục vụ hay đang theo đuổi sự nghiệp Sommelier chuyên nghiệp? Cùng khám phá loại rượu vang Fortified wine này nhé.
Fortified wine là gì?
Fortified wine hay còn gọi Vang cường hóa, là dòng rượu được cho thêm rượu mạnh vào quá trình lên men hoặc sau khi hoàn tất lên men để cho ra loại vang có nồng độ cồn cao, khoảng 15 – 22%. Đa số Fortified wine sẽ có vị ngọt do khi cho thêm rượu mạnh vào giữa quá trình lên men, chất cồn khiến men ngừng hoạt động và lượng đường tự nhiên còn lại sẽ tạo độ ngọt cho rượu. Đối với các Fortified wine được cho thêm rượu mạnh vào cuối chu kỳ lên men có thể có hoặc không có vị ngọt.
3 điều thú vị về Fortified wine
Fortified wine ra đời khi nào?
Khoảng thế kỷ 16 – 17, việc vận chuyển rượu bằng đường biển khá lâu khiến các thùng rượu hầu hết đều bị oxy hóa, không thể sử dụng được. Do đó, các chuyên gia chế biến rượu đã tìm cách cho thêm rượu mạnh vào rượu vang để hạn chế tình trạng oxy hóa mà vẫn giữ được tính chất riêng của rượu vang.
Loại rượu mạnh nào được thêm vào để tạo nên Fortified wine?
Rượu mạnh dùng để pha chế có thể kể đến Whisky, Vodka, Tequila, Gin… nhưng Brandy mới là lựa chọn lý tưởng nhất trong quá trình hình thành Fortified wine. Theo các chuyên gia về rượu, một loại rượu mạnh được chưng cất từ nho sẽ mang đến hương vị chuẩn xác nhất cho kiểu vang cường hóa này.
4 loại Fortified wine nổi tiếng
Sherry (Tây Ban Nha)
Rượu Sherry được sản xuất chủ yếu ở Cádiz (Tây Ban Nha), thường được dùng để pha cocktail hoặc làm thức uống khai vị với các loại: Sweet, medium và dry. Với Sherry, rượu mạnh được cho vào khi quá trình lên men nho đã hoàn tất nên tùy vào mức độ mà rượu có vị ngọt hoặc không.
Rượu Marsala (Ý)
Loại Fortified wine nổi tiếng này là sản phẩm của hòn đảo Sicilia ở miền Nam nước Ý. Marsala được sử dụng để tráng miệng sau bữa ăn hoặc còn có thể dùng để khử mùi trong chế biến món ăn. Tùy vào loại nho mà quá trình lên men sẽ để lại vị ngọt hay không, nhìn chung Marsala được phái nữ ưa chuộng.
Rượu Port (Bồ Đào Nha)
Là loại Fortified wine nổi tiếng ở vùng Douro (Bồ Đào Nha), Port là sản phẩm của công đoạn cho rượu mạnh vào giữa quá trình lên men. Thông thường, Port sẽ được chọn làm thức uống tráng miệng và một số loại rượu Port phổ biến mà bạn có thể tham khảo như Ruby, Ruby Reserva, Tawny, Tawny Port, Tawny Reserva, Crusted Port, Vintage Port, Colheita, White Port, Rose Port…
Rượu Madeira (Bồ Đào Nha)
Quá trình chế biến Madeira tốn khá nhiều thời gian và công sức, thông thường bạn phải phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc hâm nóng ở nhiệt độ 45 – 50 độ C trong khoảng 3 tháng. 4 loại nho chính để lên men Madeira gồm: Sercial – không ngọt; Verdelho – ít ngọt (Medium Dry); Boal or Bual – ngọt vừa (Medium dry); Malvasia: ngọt – vị mật ong (Sweet). Rượu Madeira thường dùng để pha cocktail hoặc khai vị.
Dù bạn là nhân viên Phục vụ nhà hàng, Bartender, nhân viên quầy rượu hay là Sommelier khách sạn thì kiến thức về Fortified wine Chefjob vừa chia sẻ cũng rất cần thiết. Hiểu về loại rượu này, bạn sẽ có phương pháp tư vấn, lựa chọn và pha chế đúng với khẩu vị của khách hàng, nâng cao giá trị thương hiệu cho khách sạn, nhà hàng.
(Nguồn: Tastingtable, Wikipedia, Thespruceeats…)
Tin liên quan