“Nhảy việc” là một tình trạng khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là với người trẻ để tìm kiếm một cơ hội mới tốt hơn. Nhảy việc có phải chỉ đơn giản là bạn gửi đơn nghỉ việc rồi đi thẳng là xong? Làm thế nào để sau khi nhảy việc, bạn vẫn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng nghiệp và chỗ làm cũ? Cùng Chefjob tìm hiểu về nghệ thuật nhảy việc qua bài viết dưới đây.
Bạn không hài lòng với công việc, mức lương hiện tại? Bạn gặp phải những mâu thuẫn với đồng nghiệp? Bạn đã tìm được công việc khác lương cao hơn, nhiều cơ hội thăng tiến? Và bạn muốn nhảy việc?
Đây không phải là chuyện hiếm gặp hiện nay, nhất là với người trẻ – những người luôn muốn được thử thách bản thân và tìm kiếm cơ hội mới. Nhảy việc không đơn giản chỉ cần gửi một đơn xin nghỉ việc rồi im lặng ra đi là xong. Thay vào đó, bạn cần nghỉ việc một cách chuyên nghiệp để khi ra đi vẫn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng sếp cũ và đồng nghiệp. Biết đâu sau này, lỡ gặp lại sếp cũ, đồng nghiệp cũ, hai bên vẫn cảm thấy vui vẻ, dễ chịu. Có thể nói, nghỉ việc cũng là cả một nghệ thuật.
Nhảy việc không phải chuyện hiếm thấy nhưng làm thế nào để sau khi nhảy việc vẫn giữ hình ảnh tốt đẹp trong lòng sếp và đồng nghiệp cũ? – Ảnh: Internet
Giữ kín những điều không hài lòng về công ty
Dù bạn ra đi vì bất cứ lí do gì: Lương thấp, môi trường làm việc không thuận lợi… thì khi nhảy việc, bạn cũng không nên nói ra tất cả bất mãn với đồng nghiệp, với sếp. Điều này có thể tạo nên cảm xúc tiêu cực với người ở lại hoặc khiến mọi người nghĩ sai về bạn. Vậy nên, giữ kín các vấn đề mình chưa hài lòng khi nghỉ việc sẽ khiến mọi người vẫn nhớ về bạn với những điều tốt đẹp thay vì một kẻ khó chịu, thích nói xấu…
Sau này, khi đi ứng tuyển công việc mới, nếu nhà tuyển dụng hỏi bạn về lí do nghỉ việc, thay vì kể xấu, bạn có thể chọn cách nói khôn khéo hơn. Chẳng hạn, nếu bạn nghỉ việc vì lương thấp, hãy nói với nhà tuyển dụng rằng mình muốn tìm cơ hội để thăng tiến hơn trong sự nghiệp. Hoặc nếu bạn nghỉ việc vì mâu thuẫn với sếp, đồng nghiệp, bạn có thể nói rằng do mình và sếp, đồng nghiệp có hướng đi khác nhau…
Giữ kín những điều không hài lòng về công ty và chọn cách nói khéo léo về lí do nhảy việc là điều bạn nên làm – Ảnh: Internet
Lí do nghỉ việc thuyết phục
Một lí do nghỉ việc thuyết phục sẽ giúp đơn xin nghỉ của bạn dễ được chấp nhận và tạo cảm giác dễ chịu hơn. Tìm một lý do nhẹ nhàng và thuyết phục nhất để “trình” lên sếp hoặc để tâm sự với đồng nghiệp nếu được hỏi vì sao. Có nhiều lý do để bạn lựa chọn: Muốn nghỉ ngơi một thời gian, muốn chuyển về làm gần nhà, muốn tìm công việc nhàn hạ hơn để tiện chăm sóc gia đình… Nói chung, những lí do càng ít đụng chạm đến chuyện lương thưởng, môi trường làm việc… càng tốt.
Tuân thủ mọi quy định của công ty cho đến ngày cuối cùng
Bạn cho rằng mình sắp nghỉ việc nên không cần đi về đúng giờ, không cần hoàn thành công việc đúng tiến độ? Đây là một điều rất tồi tệ, khiến hình ảnh của bạn trở nên xấu đi trong mắt đồng nghiệp, sếp. Và sau này, nếu nhà tuyển dụng mới cần tham khảo thông tin về bạn từ đồng nghiệp hoặc sếp cũ của bạn và nhận được những thông tin không tốt, bạn sẽ mất điểm ngay. Làm việc chăm chỉ, hoàn thành công việc đúng tiến độ được giao, chấp hành quy định công ty cho đến ngày làm việc cuối cùng là điều mà bạn nên làm. Bên cạnh đó, bạn cũng nên có trách nhiệm với người ở lại bằng cách bàn giao công việc, sổ sách, giấy tờ đầy đủ và nhiệt tình.
Làm việc chuyên nghiệp đến ngày cuối cùng và bàn giao công việc rõ ràng để giữ ấn tượng tốt với nơi làm việc cũ – Ảnh: Internet
Viết thư và chào tạm biệt một cách lịch sự
Một bức thư ngắn, tấm thiệp nhỏ hay một chầu liên hoan nhẹ gửi đến mọi người sẽ giúp bạn để lại ấn tượng với mọi người về sự lịch sự. Đó vừa là lời tạm biệt vừa là cách thể hiện sự cảm ơn, trân trọng đối với những ai đã từng cộng tác cùng bạn trong thời gian qua. Để viết được bức thư ấn tượng và dễ tạo thiện cảm, bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau Viết mail, thư cảm ơn, thư chào đồng nghiệp khi nghỉ việc như thế nào?
Ấn tượng đầu tiên và sau cùng rất quan trọng, dù bạn làm công việc gì, ở vị trí nào: Lễ tân, Phục vụ hay Quản lý… thì cũng hãy ra đi một cách chuyên nghiệp để khi không còn làm việc bên nhau, sếp và đồng nghiệp cũ vẫn luôn trân trọng bạn.