Shift Leader là thuật ngữ chỉ một vị trí quan trọng, góp phần đảm bảo chất lượng kinh doanh và sự phát triển cho mỗi nhà hàng, khách sạn. Vậy Shift Leader là gì? Những công việc cụ thể cũng như mức lương hiện nay cho vị trí này như thế nào? Hãy cùng Chefjob.vn tìm hiểu ngay sau đây nhé.
Trước sự phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh gay gắt ngành Nhà hàng – Khách sạn, mỗi cơ sở kinh doanh cần tích cực làm việc chuyên nghiệp để mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất. Trên con đường thăng tiến sự nghiệp chắc chắn phải trải qua nhiều vị trí và để thành công, mỗi người cần hiểu rõ về nhiệm vụ cũng như chức năng của từng vị trí mà mình sẽ đảm nhận, mang lại hiệu quả công việc tốt nhất.
Shift Leader chịu trách nhiệm quản lý trong ca làm việc của mình – Ảnh: Internet
Shift Leader là gì?
Shift Leader hay còn gọi là Trưởng ca/Tổ trưởng, là người có quyền hạn và chịu trách nhiệm quản lý trong ca trực của mình. Thực chất, Shift Leader cũng là những nhân viên bình thường, tuy nhiên họ có năng lực nổi trội hơn nên được chọn để giám sát hoạt động cho nhóm làm việc, nhằm đem lại hiệu quả công việc cao.
Ở một vài nhà hàng, khách sạn, Shift Leader sẽ được chia nhỏ hơn để quản lý riêng cho mỗi bộ phận của ca trực. Ví dụ: Bar/Pub Shift Leader, Restaurant Shift Leader, Reception Shift Leader,…
Xem tiếp: Mô Tả Công Việc Trưởng Ca Bar/Pub
Công việc cụ thể của một Shift Leader
Ở những khách sạn, nhà hàng khác nhau, công việc của các Shift Leader cũng có ít nhiều sự khác biệt. Nhưng nhìn chung, công việc này không hề đơn giản. Giống như vị trí Captain là quản lý, nhưng Captain là quản lý một nhóm nhân viên phục vụ, thì Shift Leader là người theo dõi hoạt động của nhiều bộ phận.
Xem thêm: Tìm Hiểu Captain Là Gì Và Vai Trò Của Captain Trong Nhà Hàng, Khách Sạn
Công việc của Shift Leader không hề đơn giản – Ảnh: Internet
Dưới đây là những công việc cụ thể mà Shift Leader cần nắm vững:
- Chịu trách nhiệm phân công các công việc cụ thể, vị trí làm việc, hoặc điều động nhân viên trong nhóm quản lý hỗ trợ các nhóm/bộ phận khác nếu cần,…
- Thực hiện kiểm tra công tác vệ sinh (trước và sau mỗi ca), chuẩn bị đón khách vào đầu ca, trước giờ phục vụ khách.
- Quản lý, theo dõi, kiểm tra số lượng và chất lượng công cụ dụng cụ, trang thiết bị, vật tư trong ca làm của mình. Đồng thời, Shift Leader có quyền đề xuất sửa chữa, thay mới các loại máy móc, thiết bị hư hỏng.
- Trực tiếp hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức liên quan đến công việc của từng vị trí nhân viên trong nhóm quản lý của mình.
- Theo dõi thái độ, tinh thần làm việc cũng như đánh giá kết quả công việc của các nhân viên để kịp thời đề bạt, khen thưởng hoặc tiến hành kỷ luật theo đúng quy định của nhà hàng, khách sạn.
- Trường hợp những lúc cao điểm có lượng khách đông, hoặc nếu trong ca làm có nhân viên nghỉ đột xuất, chưa kịp thay thế, Shift Leader chính là người làm công việc của nhân viên đó.
- Giải quyết các khiếu nại của nhân viên và khách hàng trong ca quản lý ở mức quyền hạn cho phép. Báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý hiệu quả.
- Định kỳ báo cáo hàng ngày/hàng tuần/hàng tháng (theo quy định của công ty) lên cấp quản lý.
- Tham gia các khóa đào tạo, quản lý để nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng trong công việc.
- Thực hiện các công việc khác theo yêu cầu của Giám sát/Quản lý Nhà hàng – Khách sạn.
Khác với Trưởng Bộ Phận, nhiệm vụ của Shift Leader là chịu trách nhiệm với nhóm nhân viên của nhiều bộ phận. Điều này làm công việc của họ trở nên đa dạng hơn, vì phải nắm rõ được đặc thù riêng và hiểu rõ chức năng của từng bộ phận để có cách phân công, giám sát và đánh giá chính xác.
Shift Leader là vị trí thăng tiến trong sự nghiệp ngành Nhà hàng – Khách sạn – Ảnh: Internet
Hiện nay, vị trí Shift Leader ở các nhà hàng, khách sạn có mức lương dao động trong khoảng 5 -8 triệu VNĐ. Ngoài mức lương cơ bản, Shift Leader cũng sẽ nhận được những khoản trợ cấp, phụ cấp, phí dịch vụ đúng theo quy định của ngành và nhà hàng, khách sạn mà họ đang làm việc.
Vừa rồi, Chefjob vừa chia sẻ với các bạn công việc của Shift Leader trong ngành Nhà hàng- Khách sạn. Đây là một vị trí tiềm năng, là bước đệm thăng tiến không thể thiếu cho những ai đang theo đuổi lĩnh vực này. Hy vọng bạn đã hiểu được thuật ngữ Shift Leader là gì cũng như có thêm kiến thức về công việc này.