Trà Chiều Kiểu Anh – Thuật Ngữ Dành Cho Nhân Sự Nhà Hàng - Chefjob.vn

Trà Chiều Kiểu Anh – Thuật Ngữ Dành Cho Nhân Sự Nhà Hàng

Xu hướng thưởng thức trà chiều kiểu Anh đang du nhập vào Việt Nam và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Sau giờ làm việc căng thẳng, người Việt có thể ghé một quán trà để nhâm nhi, tìm lại bình yên cuộc sống. Là người tạo nên các bữa tiệc trà, bạn đã “bỏ túi” bộ thuật ngữ trà đúng kiểu Anh chưa?

tra chieu kieu anhTrà chiều kiểu Anh – phong cách thưởng thức mới cho người Việt – Ảnh: Internet

Không chỉ món Beefsteak mới có bộ thuật ngữ riêng về mức độ chín, cách chế biến, nước xốt… mà phong cách thưởng thức trà chiều kiểu Anh cũng có quy định riêng. Điểm qua một số quán trà xuất hiện gần đây, bạn có thể thấy sức hấp dẫn của các loại trà với người Việt, đặc biệt là phái nữ. Để buổi trà chiều thể hiện đúng phong cách quý tộc như đúng tên gọi, nhân viên nhà hàng phải nắm chắc những thuật ngữ quan trọng sau.

Xem thêm: Tiệc Tea Break Và Những Lưu Ý Không Thể Bỏ Qua Cho Nhân Viên Nhà Hàng – Khách Sạn

High tea

Nếu ghé một quán trà chuyên nghiệp, bạn sẽ thấy mục High tea trong thực đơn và chúng hoàn toàn không phải tên một set bánh trà chiều. High tea là thuật ngữ chỉ một buổi thưởng thức trà sau giờ làm, thường diễn ra vào khoảng 5h – 7h tối các ngày trong tuần. Ngoài các món ăn nhẹ và trà nóng, nhà hàng sẽ phục vụ thêm một vài món ăn trong thực đơn High tea. Đó cũng là lý do sandwich, bánh mặn nhân thịt hay cá hồi hun khói có thể xuất hiện trên bàn uống trà chiều ở một số quán.

Afternoon tea

Người Anh phân biệt rõ ràng High tea và Afternoon tea để có cách phục vụ hợp lý cho từng khung giờ. Theo đó, Afternoon tea diễn ra theo đúng tên gọi của nó, khoảng từ 2h – 4h chiều. Đây là khoảng thời gian để bạn chuẩn bị cho bữa tối, vì vậy nhà hàng phục vụ thêm món ăn nhẹ. Các món ăn này đều được trình bày nhỏ gọn dưới dạng finger food để khách có thể nhâm nhi trong lúc thưởng trà.

khay banh nhieu tang tierTiger – khay bánh nhiều tầng không thể thiếu trong bữa tiệc trà – Ảnh: Internet

Tier

Nếu từng thưởng thức một bữa tiệc trà bánh, chắc hẳn bạn đã được chiêm ngưỡng khay bánh nhiều tầng, gọi là Tier. Theo quy định, bánh ngọt sẽ được đặt trên tầng cao nhất (Top tier), tầng ở giữa (Second tier) là phô mai, bơ, bánh mì theo mùa và tầng dưới cùng (Bottom tier) dành cho các món mặn. Quy trình thưởng thức khay bánh này đúng kiểu Anh là từ thấp đến cao.

Flush

Đôi khi bạn thấy cụm từ First flush hoặc Second flush trước mỗi loại trà, thuật ngữ này chỉ thời điểm thu hoạch trà trong năm. Cùng một loại trà nhưng nếu thu hoạch ở thời điểm khác nhau sẽ cho ra hương vị khác nhau. Do đó thực khách muốn thưởng thức vị trà nhẹ sẽ chọn First flush, và ngược lại. Ví dụ trà Darjeeling thu hoạch vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 sẽ cho ra vị ngọt, nhẹ, còn Darjeeling sẽ có vị mạnh, đậm đà hơn nếu thu hoạch vào cuối tháng 4 đến khoảng tháng 5 và 6.

Scones

Đối với người Anh, bữa tiệc trà sẽ không thể trọn vẹn nếu không có bánh Scones – một loại bánh ngọt ăn kèm với kem bơ và mứt. Tuy nhiên, sau khi du nhập vào các nước, món bánh này không còn quá câu nệ mà thay vào đó là cheesecake, cupcake… Dù vậy, bạn vẫn có thể thưởng thức Scones ở các quán trà cổ điển, vị mặn béo nhè nhẹ của bánh kết hợp với trà sẽ mang lại cảm giác tuyệt vời, khó quên. Lúc này, thực khách sẽ hiểu được lý do vì sao Scones lại được người Anh ưa chuộng đến vậy trong những buổi trà chiều.

banh scones ket hop voi tra nongBánh Scones kết hợp với trà nóng rất hợp vị – Ảnh: Internet

Trước đây, trà chiều có xuất xứ từ Anh Quốc còn có quy định về trang phục, cách uống… Mặc dù ở thời hiện đại, những nét đặc trưng này không còn quá quan trọng, nhưng bộ thuật ngữ mà Chefjob vừa chia sẻ sẽ giúp bạn tổ chức, sắp xếp một bàn tiệc trà chiều đúng kiểu Anh, hợp khẩu vị và sở thích của khách hàng.

Tin liên quan

Bạn Đã Biết Về Cuộc Thi Coffee Masters Nổi Tiếng Ở Anh Quốc Chưa?

Nigella Lawson – “Nữ Thần Bếp Núc” Ở Đất Nước Anh Quốc

Bài Viết Liên Quan