Kỹ Năng Từ Chối Trong Giao Tiếp Là Cả Một Nghệ Thuật - Chefjob.vn

Kỹ Năng Từ Chối Trong Giao Tiếp Là Cả Một Nghệ Thuật

Trong giao tiếp hàng ngày, nghệ thuật từ chối là kỹ năng rất quan trọng nhưng không phải ai cũng biết cách để thực hiện nó suôn sẻ. Bạn cần hiểu rằng sự tôn trọng không hẳn lúc nào cũng thể hiện bằng việc đồng ý những ý kiến hoặc đề nghị được đưa ra. Chefjob.vn sẽ chia sẻ với bạn kỹ năng từ chối trong giao tiếp.

Có nhiều người lựa chọn giải quyết công việc theo tình cảm và tỏ ra “ngại” từ chối khi được đề nghị giúp đỡ. Quan niệm này là hoàn toàn sai lầm, bởi gượng ép chấp nhận trong thời gian dài sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng vì bạn phải chịu đựng quá lâu một việc mà bạn không mong muốn. Nhưng làm thế nào để từ chối một cách khéo léo và không làm mất lòng người đối diện mà vẫn thể hiện được ý kiến cá nhân?

học cách từ chối
Trong giao tiếp, có những lúc bạn cần phải học cách từ chối – Ảnh: Internet

Tại sao bạn khó từ chối?

Có rất nhiều lý do khiến bạn khó mở lòng để từ chối trong giao tiếp hàng ngày, đối với những người không hoạt bát thì việc từ chối càng khó khăn hơn. Bạn sợ làm người khác phật ý hay buồn lòng, sợ mọi người nghĩ mình ích kỉ, không hòa đồng hay sợ bỏ lỡ cơ hội được thể hiện mình. Trong nhiều khảo sát, các chuyên gia nhận ra lý do nhiều người ít khi từ chối dù họ muốn thế là vì nỗi sợ và sự cả nể trong họ.

Lợi ích của sự từ chối khéo léo

Nếu lời đề nghị trở nên vô lý, không cần thiết, bạn nên học cách từ chối một cách khéo léo. Đó là thời điểm để bạn thẳng thắn đưa ra ý kiến cá nhân của mình và tiết kiệm được thời gian của bạn. Một khi từ chối đúng hoàn cảnh, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng của người đối diện và họ cũng có cơ hội để khám phá khả năng bản thân bằng cách tự mình thực hiện.

Bạn có nhiều thời gian để chăm lo cho công việc chuyên môn của mình, thư giãn, nghỉ dưỡng hay dành thời gian cho gia đình, bạn bè. Tất nhiên, trường hợp nếu người đề nghị thật sự cần đến sự giúp đỡ của bạn thì bạn cũng nên cân nhắc để hỗ trợ họ.

Nghệ thuật từ chối trong giao tiếp

tu choi chan thanh
Giải thích cho lời từ chối của mình thể hiện sự chân thành của bạn – Ảnh: Internet

Trước khi quyết định từ chối, bạn cần hiểu rõ bản thân mình, xem xét về khả năng thực hiện công việc. Nếu lời đề nghị là quá sức với bản thân, bạn không nên chấp nhận vì chất lượng công việc không đạt yêu cầu sẽ gây ra những rắc rối cho chính bạn và cả những người liên quan. Việc xem mình có làm được công việc đó hay không sẽ giúp bạn có câu trả lời chính xác.

Khi biết bản thân không thể đảm nhận việc mà người khác đề nghị, hãy thể hiện sự từ chối khéo léo với thái độ hòa nhã, lịch sự. Thái độ chân thành sẽ giúp họ hiểu được tấm lòng của bạn, đồng thời không gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ của hai người. Việc lựa chọn và sử dụng từ ngữ trong giao tiếp cũng thể hiện ý đồ của bạn và hãy chắc chắn rằng chúng không gây hiểu lầm tới người đối diện.

Ngoài ra, bạn nên có những giải thích rõ ràng cho lời từ chối của mình. Việc từ chối đi kèm với giải thích cụ thể sẽ giúp người đề nghị hiểu được tình trạng hiện tại không cho phép bạn nhận lời giúp đỡ và cảm thông với bạn. Tùy vào hoàn cảnh mà bạn quyết định từ chối ngay lúc đó hoặc đợi một thời gian ngắn, đừng nên quá trì hoãn, ngập ngừng.

Nếu bạn thực sự không có nhiều thời gian, hãy giải thích về số lượng công việc của mình. Đối với những người chưa tìm ra lý do chính đáng, bạn cũng có thể sử dụng lý do bận rộn. Người khác sẽ càng cảm ơn bạn hơn khi bạn không thể giúp đỡ họ nhưng lại đưa ra cho họ gợi ý để giải quyết công việc, có thể là gợi ý về một người điển hình có thể hỗ trợ họ.

Học cách từ chối là kỹ năng cần thiết
Học cách từ chối là kỹ năng cần thiết trong giao tiếp của mỗi người – Ảnh: Internet

Trong giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp trong công việc, kỹ năng từ chối là cả một nghệ thuật mà bạn cần suy xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Đừng bao giờ cảm thấy có lỗi để “ngại” từ chối vì bạn cũng cần giải quyết công việc của mình và thời gian hay khả năng hiện tại chưa cho phép bạn giúp đỡ họ. Hy vọng, các bạn đã hiểu được kỹ năng từ chối trong giao tiếp mà Chefjob vừa chia sẻ để có những quy tắc từ chối cho riêng mình.

Tin liên quan

Cách Viết Thư Từ Chối Phỏng Vấn, Từ Chối Nhận Việc

Từ Chối Ứng Viên, Nghệ Thuật Của Nhà Tuyển Dụng Ngành Nhà Hàng – Khách Sạn

Bài Viết Liên Quan